Kỹ sư gen Z và giấc mơ từ rơm hoai
Sau tốt nghiệp đại học, nhiều bạn bè chọn thành phố để tìm cơ hội, Ngô Thanh Kỳ chàng kỹ sư nông nghiệp (SN 2001) ở thôn Hiệp Tiến, xã Tân Tiến, thị xã La Gi, Bình Thuận lại quay về quê nhà với giấc mơ khác: Trồng nấm rơm sạch từ rơm khô…
Người con ngược sóng…
La Gi vào mùa nắng. Cái nắng gắt trải vàng khắp con đường dẫn về xã Tân Tiến. Nơi đây, căn nhà cấp 4 của gia đình Kỳ lúc nào cũng bận rộn, những xe rơm từ Tánh Linh, Đức Linh chất từng cuộn, từng cuộn, mùi ngai ngái lan tỏa sau vườn nhà.

Kỳ cùng ba đảo rơm.
Chàng kỹ sư trẻ vẫn cắm cúi giữa trại nấm. Trưa đầu hè oi nồng, gió biển thổi rát mặt nhưng Kỳ không ngơi tay, chăm chú cúi người đảo từng lớp rơm, kiểm tra nhiệt độ, rồi cúi xuống ghi chép tỉ mẩn từng chỉ số độ ẩm, nhiệt độ... Trong không khí nồng nàn mùi rơm hoai, hương nấm non thoảng qua, Kỳ lẩm bẩm một mình như trò chuyện với chính đống rơm: “Rơm chưa đủ hoai, nhiệt chưa lên. Cứ vội là nấm sẽ hỏng cả lứa”.


Nấm rơm đinh ghim, nấm con.
Sinh ra trong gia đình làm nghề biển, Kỳ lớn lên cùng mùi muối biển và tiếng sóng vỗ mạn thuyền. Giữa không gian mặn mòi ấy, cậu nuôi ước mơ rất khác, trồng nấm sạch và nhất quyết theo học ngành đặc thù nấm ăn và nấm dược liệu tại Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. “Ba không cho tụi em đi biển, cũng không bắt đi phụ lưới, chỉ bảo học. Ba luôn nói: Biển cực lắm, học đi rồi mới thoát khổ” - Kỳ kể, mắt ánh lên ấm áp.
Ở bên hiên nhà, ông Hoàng Vũ - cha của Kỳ lặng lẽ nhìn con giữa trại nấm. Bàn tay rám nắng xoa xoa vành chiếc nón lá đã sờn cũ. Cuộc đời ông gắn bó với sóng, gió biển và những chuyến ra khơi dài ngày. Ông Vũ vẫn quyết giữ trọn điều mà bản thân từng thiếu: con cái phải được học hành đến nơi đến chốn. Khó khăn đến mấy, vợ chồng ông động viên nhau tạo điều kiện để 3 anh em Kỳ được học hành. “Tui hồi đó... 14 tuổi là ra biển rồi. Mồ côi cha từ nhỏ, không biết cái mặt chữ. Mà giờ thấy thằng nhỏ nó học hành đàng hoàng, cũng đáng công mình cực”. Ông Vũ chậm rãi nói, ngưng một nhịp, rồi trầm giọng: “Có bữa thấy nó sốt, hen, bệnh tim tái phát mà vẫn ráng làm nấm. Tui mới hỏi: “Việc nhẹ hơn sao không chọn làm?”. Nó chỉ cười: “Ba, con chọn, mê cái này lắm rồi”. Thương con, ông Vũ gác lại đời biển, ở nhà phụ con làm nấm.

Kỳ năng nổ công tác Đoàn.
Tốt nghiệp đại học loại giỏi, Kỳ nhận được vài lời mời làm việc ở TP. Hồ Chí Minh, với mức lương khởi điểm 15 triệu đồng/tháng. Bạn bè cũng khuyên nên ở lại thành phố. “Đi làm ổn định đi con. Về quê nắng gió cực lắm...”, mẹ gọi điện, giọng đầy lo lắng. Kỳ im lặng. Mấy ngày sau, cậu về quê, chuẩn bị dựng trại nấm sau vườn nhà.
Kỳ bắt đầu khởi nghiệp với hai bàn tay trắng. Mới ra trường, chưa đi làm, không có tích lũy. Vốn liếng ban đầu chỉ là 20 triệu đồng cha mẹ hỗ trợ, không đủ dựng trại. Kỳ không chỉ trồng nấm, lăn xả như một nông dân chính hiệu bám rẫy trồng dưa leo, ớt... nhất quyết sản xuất theo hướng sạch. Kỳ còn tích cực tham gia công tác Đoàn, là Bí thư Chi đoàn thôn Hiệp Tiến. Chính sự năng nổ, Kỳ được giới thiệu vay vốn khởi nghiệp 90 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua kênh Đoàn thanh niên, để quyết tâm theo đuổi đam mê. Từ đó, những trại nấm đầu tiên ra đời đơn sơ với bạt ni lon và khung sắt.
“Em chọn nấm rơm, loại nấm thu hoạch phù hợp với khí hậu nóng ẩm ở La Gi, nhiệt độ 28–35°C là điều kiện lý tưởng để trồng nấm rơm bài bản. Trong khi đó, địa phương lại chưa có trại sản xuất nấm, chủ yếu nhập từ các tỉnh khác. Em muốn thử sức và tạo hướng đi mới. Không chỉ để làm kinh tế, em muốn sau này sẽ tạo được công ăn việc làm cho người dân ở đây. Trước mắt có chi phí học cao học để theo đuổi nghề tới nơi tới chốn”, Kỳ chia sẻ.

Rơm đạt chất lượng nuôi trồng.
Những lần thất bại
Trồng nấm rơm tưởng đơn giản, nhưng kỳ thực là hành trình công phu và lắm rủi ro. 3 tháng đầu, thất bại đổ ập như một gáo nước lạnh. Nấm liên tiếp bị hư hại vì chưa quản lý được độ ẩm, nhiệt độ, trại lại chưa kín gió, chưa có thiết bị theo dõi. Trời mưa bất chợt khiến rơm không đủ nhiệt để hoai mục, dẫn đến lên mốc, hư cả lứa giống. Mùa cao điểm, giá rơm đội lên tới 35.000 đồng/cuộn, không có rơm làm nấm vì nhu cầu rơm của các vườn thanh long buộc trại phải tạm ngưng hoạt động. Chàng kỹ sư trẻ từng nhiều đêm ngồi thẫn thờ trước đống rơm tự vấn mình: Hay sai từ đâu rồi…?
“Mày có chắc không? Làm nấm mà khổ vậy à?”, bạn bè đến chơi hỏi. Kỳ không trả lời, chỉ cười, tiếp tục miệt mài trong trại nấm. “Ban đầu tưởng nó làm chơi thôi. Mà thấy nó làm ngày làm đêm, thỉnh thoảng đi khám bệnh rồi về vẫn ráng đảo rơm. Thằng này nó lì thiệt”, bạn Kỳ kể.



Rơm thu hoạch giao cho khách.
Sau chuỗi thất bại, Kỳ miệt mài mày mò từng bước, ghi chép công thức, cải tiến quy trình. Không máy móc, không phòng lạnh, cậu phải học cách “nghe” rơm. Cầm nắm, vắt thử, ngửi mùi, quan sát từng hạt men nhỏ. Kỳ nói: “Rơm đạt là khi vắt có nước đọng ở kẽ tay, có mùi thơm của rơm, màu nâu socola, không có mùi chua. Khi xuất hiện hạt trắng xám li ti - lợi khuẩn là “đạt chuẩn”. Công thức ủ rơm được Kỳ tự đúc kết: Độ ẩm 80 -85%, nhiệt trên 70 độ C vừa đủ để giết nấm dại, giảm rủi ro nhưng vẫn giữ dưỡng chất. Sau thời gian điều chỉnh, hiện tại trại nấm đã hoạt động ổn định. Mỗi tháng, trại xuất ra thị trường khoảng 600 kg nấm sạch, lợi nhuận hơn 15 triệu đồng dù chưa nhiều, nhưng khởi đầu để viết tiếp ước mơ.
Nỗ lực vượt khỏi “trại nhỏ”...
Một buổi chiều, điện thoại Kỳ đổ chuông liên tục. Một khách hàng từ Cần Thơ gọi dồn dập: “Em ơi, bên chị cần 2 tấn/tháng, em có đáp ứng nổi không?”, Kỳ nhìn trại, nhìn những cuộn rơm đang ủ dở, lắc đầu cười khổ: “Chị chờ em ít tháng nữa, em đang mở rộng”. Loại nấm Kỳ trồng là giống Thần Nông ngọt, béo hơn giống nấm Trung Quốc trồng đại trà. Nấm lại trồng trên rơm nên giữ được độ ngon thuần của nấm hơn nấm trồng trên bông vải, mùn cưa”, một khách hàng nhận xét.
Không dừng lại ở sản xuất, chàng kỹ sư trẻ còn đang ấp ủ nhiều dự định lớn hơn. Kỳ định hướng mở rộng quy mô sản xuất công nghiệp: Xây dựng nhà trại khép kín, từng bước hiện đại hóa, đầu tư thêm máy phun sương tự động, máy siêu âm độ ẩm để giảm sức lao động và ổn định sản lượng. Khi mở rộng sẽ tìm kiếm khách hàng và đưa sản phẩm vào siêu thị, chuỗi nhà hàng chay và hướng tới nấm sấy thăng hoa xuất khẩu khi đã có khách từ Đức Linh, ngoài tỉnh đặt vấn đề thu mua số lượng lớn.
Đặc biệt, Kỳ đang nghiên cứu tự tạo giống nấm rơm cho trại, nhằm chủ động nguồn giống, giảm chi phí và kiểm soát chất lượng. Hướng đi sản xuất hữu cơ, nguyên liệu đầu vào như rơm được chọn lọc kỹ ưu tiên từ vùng trồng hữu cơ, không hóa chất mà sử dụng cám bắp, cám gạo, đậu nành… Hiện Kỳ đã kết nối được nguồn rơm hữu cơ từ Đồng Tháp, tuy nhiên do chi phí vận chuyển còn cao, nên vẫn đang tìm cách để khắc phục phù hợp. Để mở rộng, Kỳ mong nhận được hỗ trợ từ địa phương về vốn, chứng nhận sản phẩm OCOP…
Khi bạn bè lần lượt rời quê lên phố, Ngô Thanh Kỳ lại lặng lẽ quay về. Trại nấm giữa làng quê biển là lời khẳng định giản dị nhưng cứng cỏi: Về quê không phải là lùi, mà là bắt đầu lại theo một cách khác. Câu chuyện khởi nghiệp của Kỳ như một lát cắt đẹp về khát vọng dấn thân, lao động nghiêm túc và niềm tin bền bỉ truyền cảm hứng mạnh mẽ về một thế hệ thanh niên mới: Biết mơ ước, dám làm và kiên trì đi đến cùng.
Đêm ở trại nấm yên tĩnh. Đèn vàng lặng lẽ sưởi rơm trong trại, mưa đầu hè rơi lộp bộp trên mái bạt. Kỳ đi kiểm tra từng gian trại, tay chạm vào rơm như thể lắng nghe tiếng thì thầm của đất, của nấm... và của giấc mơ mình đã chọn.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/ky-su-gen-z-va-giac-mo-tu-rom-hoai-130165.html