Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024: Không để bất cứ thí sinh nào vì khó khăn mà bỏ thi

Sáng 20/6, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024 dự và chủ trì tại điểm cầu Bộ GD&ĐT.

Cùng tham dự có thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ thư ký giúp việc cho Ban Chỉ đạo, đại biểu đại diện Bộ Công an, Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Tại điểm địa phương, dự vào chủ trì hội nghị có Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cấp tỉnh; các ủy viên Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, Tổ thư ký giúp việc và đại diện các sở, ban ngành liên quan của địa phương.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Bộ GD&ĐĐ).

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Bộ GD&ĐĐ).

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Kỳ thi THPT luôn là hoạt động quan trọng, phức tạp, nhạy cảm vì diễn ra trên quy mô toàn quốc, các vùng miền khác nhau, số lượng lớn học sinh dự thi, lực lượng tham gia tổ chức lớn.

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị của các địa phương cho Kỳ thi năm 2024 phải hết sức chu đáo, sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị Ban Chỉ đạo các cấp tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc, nghiêm túc và cụ thể hóa những nhiệm vụ mà Thủ tướng đã nêu trong Chỉ thị số 15 ngày 16/5/2024. Trong đó, tập trung vào 5 nhóm vấn đề, việc tổ chức thi phải “Tuyệt đối an toàn”. Bao gồm an toàn trong bảo quản, in ấn, vận chuyển đề thi, bài thi; an toàn về vệ sinh thực phẩm; an toàn về phòng chống cháy nổ; an toàn về điện nước; an toàn giao thông…

Đối với công tác chỉ đạo, Thứ trưởng yêu cầu phải sâu sát, toàn diện, chỉ đạo từ cấp trung ương đến địa phương, từ nguồn lực, cơ sở vật chất, con người, thiết bị công tác phối hợp, phân công nhiệm vụ, thanh tra kiểm tra, lường trước các vấn đề.

Về công tác phối hợp, Kỳ thi diễn ra với quy mô toàn quốc, số lượng nhân lực đông, nhiều cơ quan, đơn vị cùng tham gia, cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành như Công an, Y tế, đoàn thanh niên… do đó công tác phối hợp cần nhịp nhàng, thông suốt, hiệu quả và không chồng chéo.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác chuẩn bị, Thứ trưởng yêu cầu chuẩn bị cho Kỳ thi chu đáo, kỹ lưỡng. Càng chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo bao nhiêu thì càng triển khai thuận lợi bấy nhiêu.

Đối với công tác tổ chức thực hiện, Thứ trưởng lưu ý, các nhân sự được phân công phải thực hiện công việc đúng khâu, đúng quy chế. Đặc biệt là các quy trình, từ quy trình về chuyên môn, quy trình về xử lý các tình huống bất thường, quy trình báo cáo phải tuyệt đối tuân thủ tuyệt đối.

Trong công tác truyền thông, Thứ trưởng yêu cầu phải thực hiện chủ động, kịp thời, truyền thông đúng, đủ, để xã hội thấu hiểu, đồng thuận, thấy được tính chất, quy mô, áp lực của Kỳ thi. Trong quá trình truyền thông, các cơ quan truyền thông từ Trung ương đến địa phương cần phản ánh đúng tinh thần của Kỳ thi, có những trường hợp cần cảnh báo, răn đe nhưng cũng tránh áp lực, căng thẳng cho Kỳ thi.

Thứ trưởng đặc biệt lưu ý, tuyệt đối không để thí sinh mang điện thoại, thiết bị gian lận vào phòng thi. Các lực lượng từ công an tới các thầy cô giáo, bằng khả năng nghiệp vụ và bằng khả năng quan sát đã được tập huấn cần hết sức trách nhiệm để phát hiện và phòng ngừa.

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến (Ảnh: Bộ GD&ĐĐ).

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến (Ảnh: Bộ GD&ĐĐ).

Đặc biệt, phương châm cao nhất là không để bất cứ thí sinh nào vì điều kiện khó khăn về kinh tế hay cách trở về giao thông không được dự thi.

Các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các thí sinh dự thi. Đối với thí sinh ở vùng khó khăn, nơi cách trở về giao thông, phương tiện, ảnh hưởng của mưa bão cần tạo điều kiện để các em đến được điểm thi trước.

Ngoài ra, tiếp tục quán triệt tinh thần “4 Đúng - 3 Không” trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 gồm: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; Đúng và đủ quy trình; Đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; Đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường; Không lơ là, chủ quan; Không căng cứng, áp lực thái quá; Không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường.

“Các đơn vị, địa phương xác định rõ tính chất tầm quan trọng của công việc, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm rõ ràng để Kỳ thi diễn ra đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu, với tinh thần an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, đúng quy chế, chu đáo và thân thiện”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/ky-thi-tot-nghiep-thpt-2024-khong-de-bat-cu-thi-sinh-nao-vi-kho-khan-ma-bo-thi-437045.html