Kỹ thuật hàng không 'khát nhân lực' nhưng ít trường đào tạo
Kỹ thuật Hàng không là ngành học có nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay mới chỉ có khoảng 5 cơ sở đào tạo nhân lực ngành này.
Sau đại dịch, thị trường hàng không dần phục hồi, trong đó, Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới (Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế - IATA). Các chuyên gia dự báo nhu cầu nhân viên hàng không sẽ ngày càng tăng, đặc biệt đội ngũ nhân sự kỹ thuật chất lượng cao. [1]
Thị trường tiềm năng là vậy, tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay mới chỉ có một vài cơ sở đào tạo nhân lực ngành này như: Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Hàng không Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, và Trường Đại học Văn Lang - năm nay bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên (không tính các trường quân sự).
Cơ hội việc làm đa dạng với mức lương khởi điểm từ 10-20 triệu đồng
Là một trong những cơ sở đầu tiên đào tạo ngành Kỹ thuật Hàng không, được biết Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai đào tạo ngành này từ năm 1996. Cho đến nay, 25 khóa tốt nghiệp với gần 1000 kỹ sư đã tạo nên một thương hiệu đào tạo kỹ sư kỹ thuật hàng không có uy tín tại Việt Nam và quốc tế.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Thị Hồng Hiếu - Trưởng bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh) cho biết:
“Nhu cầu nguồn nhân lực kỹ thuật hàng không tại Việt Nam sẽ gia tăng cao trong vòng 5 đến 10 năm tới do các thỏa thuận mua máy bay mới của các công ty vận chuyển hàng không trong nước lên đến khoảng 300 máy bay. Điều này chắc chắn đem lại nhiều cơ hội cho người có kiến thức chuyên môn về kỹ thuật hàng không, cho những ai muốn làm trong lĩnh vực kỹ thuật bảo trì máy bay.
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều các ứng dụng công nghệ của các phương tiện bay không người lái trong nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và trong đời sống đã tạo nên nhu cầu lớn về nguồn lực kỹ sư ngành Kỹ thuật Hàng không”.
Cũng đánh giá cao tiềm năng phát triển của ngành Kỹ thuật Hàng không, Phó giáo sư Ngô Quang Minh, Phó Trưởng khoa Hàng không, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) nhận định, ngành hàng không nói chung, Kỹ thuật Hàng không nói riêng tại Việt Nam trong những năm tới sẽ phát triển mạnh mẽ với nhu cầu nhân lực rất lớn.
“Theo thông tin tôi có được, riêng trong năm 2023 nhu cầu nhân lực, dự kiến của Vietjet Air là 800 nhân viên, đối với Bamboo Airways, số lượng kỹ thuật viên dự kiến trong năm 2024 sẽ đạt 402 trong khi năm 2022 là 238”, Phó giáo sư Ngô Quang Minh chia sẻ.
Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội bắt đầu triển khai chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Hàng không với hai chuyên ngành bảo dưỡng và vận hành bay từ năm 2018, với sự hỗ trợ và hợp tác từ các đối tác lớn như tập đoàn Airbus, Viện Hàng không vũ trụ Pháp (IAS/Bricks), Trường Hàng không dân dụng Pháp (ENAC), Vietnam Airlines, Công ty TNHH MTV Kỹ thuật Máy bay (VAECO).
“Tính đến tháng 9/2023, USTH đã tuyển sinh 06 khóa sinh viên ngành Kỹ thuật hàng không, trong đó có 03 khóa đã tốt nghiệp. Các em sinh viên sau khi tốt nghiệp đều tiếp tục học sau đại học tại Pháp, hoặc làm việc cho các doanh nghiệp hàng không trong và ngoài nước, với tỷ lệ đúng ngành Kỹ thuật Hàng không rất cao. Một số doanh nghiệp Hàng không có cựu sinh viên USTH đang làm việc như VAECO, Bamboo Airways, Euroconsult-ec, Luxair Luxembourg Airlines, Ascendance Flight Technologies…”, vị Phó Trưởng khoa thông tin thêm.
Tại USTH, chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh với thời gian đào tạo là 3 năm.Chương trình đào tạo tập trung cung cấp kiến thức cụ thể vào những công việc trong lĩnh vực hàng không như bảo trì, bảo dưỡng máy bay, điều phái bay, lập kế hoạch bay...
“Bên cạnh đó, sinh viên sẽ được các chuyên gia trong và ngoài nước trực tiếp giảng dạy; với thời lượng giảng viên nước ngoài giảng dạy chiếm 35% chương trình đào tạo, giúp sinh viên hòa nhập tốt hơn khi lựa chọn học tập, làm việc tại nước ngoài”, thầy Minh cho biết.
Còn Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh cung cấp chương trình đào tạo dạy bằng tiếng Anh và chương trình dạy bằng tiếng Việt. Thông tin với phóng viên, Tiến sĩ Hồng Hiếu cho hay, chương trình đào tạo Kỹ thuật Hàng không được thiết kế theo hướng tiếp cận CDIO (Conceive – Design – Implement – Operate) nhằm đào tạo sinh viên có tư duy thiết kế và năng lực giải quyết vấn đề kỹ thuật với các kỹ năng hình thành ý tưởng, thiết kế chi tiết, thiết kế công nghệ, vận hành và khai thác trong lĩnh vực kỹ thuật hàng không.
“Ngành Kỹ thuật Hàng không luôn đạt tỉ lệ trúng tuyển và nhập học 100% so với chỉ tiêu tuyển sinh. Sinh viên tốt nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm theo định hướng nghề nghiệp cá nhân trong 3 tháng sau khi hoàn thành chương trình đào tạo”, Tiến sĩ Hồng Hiếu cho hay.
Chia sẻ thêm, nữ Tiến sĩ cho biết, sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Hàng không có thể làm các công việc trong lĩnh vực quản lý điều hành hoạt động bảo dưỡng máy bay, nghiên cứu thiết kế các thiết bị bay (máy bay nhỏ, máy bay không người lái, …), tư vấn thiết kế cơ khí, các hệ thống năng lượng và quy trình sản xuất.
Mức lương khởi điểm của cử nhân, kỹ sư vừa tốt nghiệp tùy thuộc vào chính sách của các công ty trong nước và tùy thuộc vào năng lực của cá nhân, có thể dao động từ 12- 15 triệu đồng. Thu nhập có thể tăng khoảng 30%-50% sau 2 năm làm việc.
Phó giáo sư Minh cũng nhận định, mức lương khởi điểm của sinh viên sau khi ra trường có thể dao động từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng/tháng với các bạn làm việc tại Việt Nam, với các bạn đang làm việc tại nước ngoài, con số này lên tới 2000 Euros/tháng chỉ riêng trong quá trình thực tập.
Ngành Kỹ thuật Hàng không “chỉ dành cho nam”?
Nhóm ngành kỹ thuật lâu nay vẫn luôn có tỷ lệ sinh viên nam áp đảo hơn so với nữ giới, và ngành Kỹ thuật Hàng không cũng không ngoại lệ.
Theo đó, tỷ lệ sinh viên nữ theo học chuyên ngành Kỹ thuật Hàng không cao trong các khóa đào tạo tại Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 10%.
“Đặc điểm nghề nghiệp hiện tại trong các lĩnh vực kỹ thuật phần lớn không còn các công việc nặng nhọc về thể lực, ưu tiên cho nam giới. Theo khảo sát từ doanh nghiệp, sinh viên tốt nghiệp cần có kiến thức chuyên ngành, có khả năng giải quyết vấn đề, có khả năng giao tiếp, có khả năng học hỏi để cập nhật kiến thức đáp ứng yêu cầu công việc và khả năng làm việc trong các nhóm đa ngành, liên ngành kinh tế-kỹ thuật.
Do vậy, tôi mong rằng các bạn nữ sinh không còn ngần ngại khi tham gia học tập trong các chuyên ngành kỹ thuật nói chung”, vị giảng viên bày tỏ.
Đánh giá cao năng lực của sinh viên nữ, Tiến sĩ Hồng Hiếu hi vọng các bạn sinh viên nữ sẽ mạnh dạn hơn trong theo đuổi các ngành kỹ thuật, trong đó có ngành hàng không. Nữ tiến sĩ chia sẻ, từ kinh nghiệm làm việc tại Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh và quan sát thấy nhiều thế hệ sinh viên nữ có các năng lực tư duy và kỹ năng mềm tương đồng với các bạn nam.
“Với các tính cách thường thấy ở các bạn nữ như sự chuyên cần, tính kiên trì, nghị lực, tinh thần trách nhiệm, tính hòa đồng và tinh thần tập thể, các bạn nữ không chỉ có các thành tích học tập khá giỏi trong nhóm đầu lớp, có trong danh sách thủ khoa tốt nghiệp, các bạn còn tham gia ban cán sự lớp, tích cực tham gia công tác đoàn hội sinh viên.
Các nữ kỹ sư Kỹ thuật Hàng không tốt nghiệp từ trường nhanh chóng tìm được cơ hội học tập bậc thạc sĩ, tiến sĩ tại nước ngoài, hoặc đảm nhận các vị trí công tác như Kỹ sư ứng dụng, Kỹ sư thiết kế, Kỹ sư tính toán mô phỏng… trong các công ty thực hiện các dự án nghiên cứu và phát triển; Kỹ sư ban kỹ thuật, kỹ sư đảm bảo chất lượng và an toàn bay, khai thác lịch trình bay, theo dõi kế hoạch bảo dưỡng máy bay …tại các công ty khai thác và dịch vụ bảo dưỡng hàng không”, nữ Tiến sĩ chia sẻ.
Cần thiết phải hoàn thiện cơ sở vật chất và thực hành thí nghiệm
Đề xuất kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngành Kỹ thuật Hàng không, Phó giáo sư Ngô Quang Minh nhấn mạnh tới sự phối hợp chặt chẽ từ doanh nghiệp, nhà trường và người học.
“Doanh nghiệp và nhà trường cần tích cực trao đổi, hợp tác để chương trình đào tạo được cập nhật, phù hợp với yêu cầu công việc, đồng thời tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận nhiều hơn với môi trường làm việc, trang thiết bị thực hành và thực tế.
Giảng viên và sinh viên cần tích cực trao đổi để cải thiện chất lượng dạy và học; ngoài kiến thức, giảng viên cần ứng dụng các phương pháp dạy học mới để sinh viên có thể rèn luyện các kỹ năng như thuyết trình, làm việc nhóm…”, Phó Trưởng khoa Hàng không USTH nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, Trưởng bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh thêm tới việc đầu tư và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất để phục vụ cho công tác giảng dạy được hiệu quả hơn.
“Để nâng cao chất lượng đào tạo và thu hút các bạn trẻ chọn Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh là nơi chắp cánh những hoài bão về ngành Kỹ thuật Hàng không, việc đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất và thực hành thí nghiệm là một nhu cầu rất cần thiết.
Một phòng thí nghiệm, thực hành Kỹ thuật hàng không cần có diện tích mặt bằng từ 1 ha và kinh phí đầu tư lớn cho các máy móc, trang thiết bị chuyên dụng hiện đại. Khoa Kỹ thuật Giao thông, Bộ môn Kỹ thuật Hàng không mong muốn nhận được sự quan tâm của nhà trường, các tổ chức, doanh nghiệp trong các dự án đầu tư nâng cấp cho cơ sở vật chất phục vụ thí nghiệm, thực hành cho sinh viên”, Tiến sĩ Hồng Hiếu chia sẻ.
Tài liệu tham khảo:
[1]: https://tphcm.chinhphu.vn/giai-bai-toan-nguon-nhan-luc-nganh-hang-khong-viet-nam-den-nam-2030-101230806125157603.htm#:~:text=Theo%20b%C3%A1o%20c%C3%A1o%20c%E1%BB%A7a%20Hi%E1%BB%87p,h%E1%BB%93i%20nhanh%20nh%E1%BA%A5t%20th%E1%BA%BF%20gi%E1%BB%9Bi.