Ký ức chiến sĩ Điện Biên về quyết tâm bảo vệ trận địa
Trong ký ức của Đại tá Nguyễn Thụ, mặc dù chiến đấu trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, nhưng các chiến sĩ Điện Biên luôn nêu cao tinh thần quyết thắng, sẵn sàng đánh giáp lá cà với địch, quyết tâm bảo vệ trận địa.
Xung phong nhập ngũ khi chưa đầy 16 tuổi
Theo lời kể của Đại tá Nguyễn Thụ (sinh năm 1933) - nguyên Trung đội trưởng Đại đội 269, Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308, từ nhỏ chứng kiến cảnh người dân bị giặc Pháp áp bức, nô dịch, chưa đầy 16 tuổi, ông xung phong nhập ngũ. Sau một tuần huấn luyện, ông được tham gia chiến đấu liên tục ở các chiến trường.
Năm 1952, người lính trẻ Nguyễn Thụ được chọn đi học sĩ quan tại Vân Nam (Trung Quốc). Tốt nghiệp khóa học năm 1952 - 1953, ông được bổ nhiệm làm Trung đội trưởng Đại đội 269, Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308.
Trong khi đang làm công tác chuẩn bị đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ngày 26/1/1954, Đại đoàn 308 được lệnh lập tức sang Lào thực hiện chiến dịch Thượng Lào (từ ngày 29/1 – 13/2/1954) nhằm giúp nước bạn mở rộng vùng giải phóng và thực hiện nghi binh thu hút địch. Đồng thời cô lập, không cho địch chi viện từ Lào sang Điện Biên Phủ, buộc chúng chỉ còn một con đường là chi viện cho Điện Biên Phủ bằng đường không.
“Hoàn thành giải phóng Thượng Lào, ngày 18/2/1954, chúng tôi được lệnh trở về Điện Biên Phủ tham gia chiến dịch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của địch” - Đại tá Nguyễn Thụ nhớ lại.
Sau thắng lợi giòn giã ở đợt tiến công thứ nhất, bước sang đợt 2, ngay trong đêm 30/3/1954, bộ đội ta đồng loạt đánh vào 5 ngọn đồi ở phía đông Mường Thanh là A1, C1, C2, D, E. Trong đêm ấy, quân ta diệt gọn 3 cứ điểm C2, D, E; còn đồi C1, A1 hai bên giằng co, mỗi bên giữ một nửa và kéo dài cả tháng trời. Đánh đồi A1 chủ yếu là Đại đoàn 316 và Đại đoàn 308. Trận đánh ác liệt này, mặc dù tiêu diệt nhiều kẻ địch nhưng cán bộ, chiến sĩ của ta hy sinh, tổn thất cũng rất nhiều.
Sẵn sàng đánh giáp lá cà, bảo vệ trận địa
Trung đội do Trung đội trưởng Nguyễn Thụ chỉ huy được điều lên thay quân chiến đấu trên đồi A1 một ngày và gần 2 đêm. Quân số 16 người, được trang bị 2 trung liên, 4 tiểu liên, còn lại là súng trường, mỗi chiến sĩ 2 - 3 cơ số đạn, có 1 máy thông tin 2W.
“Tham gia chiến đấu nhiều trận rất ác liệt, Trung đội chúng tôi chỉ còn 5 người tiếp tục chiến đấu, còn lại là hy sinh và bị thương. Sau mỗi trận đánh, chúng tôi lại củng cố công sự, công sự nào tốt nhất thì dành cho thương binh khi chưa chuyển được về tuyến sau” - Đại tá Nguyễn Thụ hồi tưởng lại.
Đến 17 giờ ngày 31/3, đợt phản kích bắt đầu. Trung đội chỉ còn 5 người nên các thương binh có thể chiến đấu được cũng đều cầm súng. Mất liên lạc với Sở Chỉ huy Trung đoàn và pháo binh, nước uống và lương khô cũng hết, khát đến cháy cổ, song các đồng đội đều bảo nhau chiến đấu đến cùng và sẵn sàng đánh giáp lá cà với địch, quyết tâm bảo vệ trận địa.
Đúng vào thời điểm gay go, khoảng 10 đồng chí cán bộ, chiến sĩ do chính Trung đoàn trưởng Hùng Sinh dẫn đầu mang theo cả vũ khí, máy thông tin lên trận địa. Do có máy thông tin liên lạc nên pháo binh ta bắn phá mãnh liệt và khá chính xác vào trận địa của địch khiến chúng phải tháo chạy. Trên cơ sở nắm chắc tình hình địch, nhất là hệ thống cộng sự của địch, bộ đội ta đã giữ vững trận địa, tìm ra cách tiêu diệt cứ điểm A1.
Thành tích chiến đấu của Trung đoàn 102 đã góp phần cùng các đơn vị đánh tan trung tâm đề kháng phòng ngự đồi A1 của địch, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Sau trận đánh này, Trung đội trưởng Nguyễn Thụ được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Đại tá Nguyễn Thụ được điều về Trường Sĩ quan Lục quân 1 làm giảng viên. Sau 43 năm công tác phục vụ quân đội, ông được tặng thưởng 8 huân chương; trong đó có 1 Huân chương Quân công hạng Ba, 2 Huân chương Chiến công hạng Ba…
Về hưu, Đại tá Nguyễn Thụ được Đảng bộ phường Trương Định (quận Hai Bà Trưng) tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Đảng bộ. Với bản chất, trách nhiệm người lính Cụ Hồ, phát huy truyền thống chiến sĩ Điện Biên năm xưa, ông đã cùng Đảng ủy lãnh đạo phường hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cấp trên giao cho, xây dựng địa phương phát triển toàn diện, đạt được nhiều thành tích. Riêng cá nhân ông trong 10 năm công tác ở địa phương được các bộ, ngành, đoàn thể của Nhà nước, chính quyền Thủ đô Hà Nội tặng thưởng 5 huy chương các loại.
Mặc dù tuổi cao, Đại tá Nguyễn Thụ vẫn rất minh mẫn, luôn dành thời gian sáng tác văn học, viết báo, để lại cho con cháu những tác phẩm về người lính, chiến tranh và cách mạng, để thế hệ sau thấy có được độc lập, hòa bình như ngày nay, thế hệ cha ông đã phải đổi cái giá rất đắt; từ đó ra sức học tập, công tác, cống hiến, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, hòa bình, hạnh phúc.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ky-uc-chien-si-dien-bien-ve-quyet-tam-bao-ve-tran-dia.html