Ký ức chuyến tàu xuyên Việt đầu tiên sau ngày thống nhất
Ngay sau ngày đất nước thống nhất, toàn quân toàn dân đã dồn lực để sửa chữa tuyến đường sắt Bắc - Nam. Phải mất hơn 1 năm làm việc không kể ngày đêm của hơn 10 vạn cán bộ, công nhân, bộ đội và nhân dân dọc tuyến đường sắt, đến cuối năm 1976 tuyến đường sắt Bắc Nam dài hơn 1.730 km mới được nối liền.
Sau khi thống nhất đất nước, để nhanh chóng kết nối lại tuyến giao thông huyết mạch, ngày 14/11/1975, chính phủ quyết định khẩn trương khôi phục tuyến đường sắt Bắc Nam, nối thủ đô Hà Nội với Tp Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Đại đội phó tự vệ, Tiểu đoàn Tự vệ đường sắt, kể lại: “công việc lúc đó là đào hố móng để làm cầu. Những cầu hầu hết là chưa bị đánh sập hoàn toàn. Thành lập một đại đội gồm 3 tiểu đội tự vệ, biên chế theo kiểu quân đội. Hồi đấy là làm từ sông Bến Hải, cầu Tiên Yên trở vào tới Đông Hà, Quảng Trị. Đội tôi sửa khoảng 50km đường. Đầu tiên là không có khoán, cứ đến giờ làm việc gõ kẻng ra phân công làm việc, lúc 9-10 gió Lào nắng, năng suất kém, anh em làm việc cũng mệt mỏi, năng suất không cao. Sau tôi mới nghĩ ra là khoán. Buổi tối chỉ huy đi đo, tiểu đội này sẽ đào bằng này đất. Bấy giờ không phải giám sát về thời gian nữa, cho nên năng suất rất cao”.
Vẫn những cuốc xẻng đào hào giao thông đánh Pháp, đánh Mỹ năm xưa, nay đào đất làm đường. Nhiều chiến sĩ, vừa xong trận đánh, lại có mặt xây dựng đường tàu Thống Nhất. Cái nắng miền Trung bỏng rát chẳng là gì so với quyết tâm nối liền non sông bằng tuyến đường sắt huyết mạch của những người con yêu nước.
“Khó khăn nhất chủ yếu là thời tiết nắng nóng. Tôi nói không ngoa là canh suông rau muống, để xoong canh đấy ở mặt đường, dưới nóng, trên nóng, gió lào nó thổi tạt, nói không ngoa mấy cọng rau muống giơ lên như này là nó đã khô rồi. Nhưng tinh thần quyết tâm cao của cán bộ ngành đường sắt, vì đường bộ còn khó khăn, hàng không chưa phát triển, có con tàu thống nhất Bắc - Nam là mong mỏi của toàn dân...”, ông Quang nhớ lại.
Sau hơn một năm làm việc quên mình của hơn 10 vạn cán bộ công nhân, bộ đội và nhân dân dọc tuyến đường sắt, ngày 4/12/1976, mối ray cuối cùng của đường sắt Thống Nhất đã được nối ở km 446+885, đoạn Ninh Cẩm – Quảng Bình, Chu Lễ - Hà Tĩnh, tuyến đường sắt Bắc – Nam dài hơn 1730km đã được thông suốt.
Để đánh dấu sự kiện quan trọng này, ngày 31/12/1976, chính phủ quyết định tổ chức 2 đoàn tàu Thống Nhất xuất phát cùng giờ, cùng ngày tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn. Người dân hân hoan chào đón ngày trọng đại, ngày tuyến đường sắt Bắc Nam – dải lụa thép nối liền đất nước, lăn bánh.
“Không những ở ga Hà Nội mà ở các tỉnh thành, cờ dong trống mở hai bên đường, nhân dân hai bên đường ra vẫy chào, phấn khởi lắm vì đây không phải là thông đường sắt đơn thuần mà đây là thành quả của 30 năm chiến đấu gian khổ hy sinh của toàn dân tộc, mới co một cái tàu Thống Nhất Bắc – Nam đi như thế. Cả nhân dân miền Bắc – miền Nam đều phấn khởi lắm. Hà Nội có một toàn tàu vào, TP.Hồ Chí Minh có một đoàn tàu ra và hai đoàn tàu gặp nhau ở ga Đà Nẵng”, ông Thắng nói.
Để đảm bảo an ninh, đoàn tàu chỉ có thể chạy ban ngày, còn ban đêm nghỉ ở các ga lớn như ga Vinh, ga Huế, Đà Nẵng, Diêu Trì, Nha Trang…
“Tất cả đều ngủ trên tàu, đến các ga lớn thì tiếp thêm thực phẩm lên, đại biểu đi ngủ trên toa giường nằm, ăn nghỉ cũng thoải mái. Để đảm bảo an ninh thì chỉ chạy ban ngày cho nó an toàn, đi phía trước vẫn có cái goòng thăm đường cho nó an toàn”.
Đoàn tàu được kéo bằng đầu máy hơi nước. Đầu máy này được điều khiển và duy trì bởi 3 người, một là tài xế và hai người đốt lửa, có hơi nước bốc lên để tàu chạy. Người ta tính toán, ước lượng lượng nước cần sử dụng để tàu chạy đến ga tiếp theo. Con tàu có 6 toa xe, trong đó có 4 toa giường nằm, một toa cung ứng, bảo vệ, một toa hành lý.
Sau hơn 80 giờ đồng hồ lăn bánh, Ngày 4/1/1977, cả hai con tàu đã tới đích trong niềm vui và nước mắt của đồng bào cả nước.
Chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên lăn bánh là sự nỗ lực của hàng nghìn con người, để khẳng định chân lý: nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một.