Ký ức gặp Bác Hồ của phóng viên báo tỉnh

Đã 63 năm trôi qua, nhưng với cựu nhà báo Phan Duy Hương, kỷ niệm lần đầu, cũng là lần duy nhất được gặp Bác Hồ vẫn còn vẹn nguyên.

Niềm vui bất ngờ

Ông Phan Duy Hương sinh ra và lớn lên ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, quê hương nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Trong bức hình Bác Hồ nói chuyện với nữ công nhân, cựu nhà báo Phan Duy Hương đứng ngay phía sau.

Trong bức hình Bác Hồ nói chuyện với nữ công nhân, cựu nhà báo Phan Duy Hương đứng ngay phía sau.

Từ năm 1959 - 1961, ông theo học tại trường sư phạm cấp 2 Nghệ An (nay là Cao đẳng Sư phạm Nghệ An). Vừa ra trường, ông được nhận về công tác tại báo Nhân dân Nghệ An (tiền thân của báo Nghệ An).

Một tháng sau ngày báo được thành lập (tháng 11/1961), tòa soạn nhận được thông tin Bác Hồ về thăm quê. Tỉnh ủy quyết định ra số báo đặc biệt, do Bí thư Tỉnh ủy Võ Thúc Đồng trực tiếp duyệt bài.

Ngày 8/12/1961, Bác Hồ về Nghệ An. Đây là sự kiện trọng đại của tỉnh nên các cơ quan thông tin đều cử những nhà báo dày dạn kinh nghiệm. Báo Nhân dân Nghệ An cử 2 người là phóng viên ảnh Nguyễn Duy Liêu và Phan Đình Sung.

"Lúc bấy giờ, mọi lịch trình trong chuyến về thăm quê của Bác đều bí mật. Sáng sớm ngày 10/12, tôi đang ngủ trong nhà tập thể cơ quan thì lãnh đạo chạy vào gọi dậy rồi giục nhanh đi sang Tỉnh ủy, xin ngồi xe Bí thư lên nông trường Đông Hiếu ở huyện Nghĩa Đàn", ông Hương nhớ lại và cho biết, ông được cử tăng cường cho 2 phóng viên đã lên đường trước.

Lúc đó, ông vừa bất ngờ, vừa vui sướng, xen lẫn lo lắng, không biết liệu có hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao hay không.

Chuyến tác nghiệp để đời

Ngay trong sáng 10/12/1961, PV trẻ Phan Duy Hương theo xe ô tô của Bí thư Tỉnh ủy Võ Thúc Đồng lên nông trường Đông Hiếu. Lúc này, Bác Hồ đang thăm hợp tác xã cao cấp Vĩnh Thành - lá cờ đầu trồng cây của toàn miền Bắc.

Cựu nhà báo Phan Duy Hương.

Cựu nhà báo Phan Duy Hương.

"Xe của đoàn lên trước khi Bác đến 30 phút, ai cũng mong ngóng được gặp Bác. Bác đi trực thăng lên thăm Nông trường Đông Hiếu. Đúng 9h sáng, chiếc trực thăng hạ cánh xuống bãi đất trống trên một ngọn đồi. Vẫn bộ quần áo kaki và đi đôi dép cao su giản dị quen thuộc, Bác vẫy tay chào mọi người với nụ cười rạng rỡ", ông Hương kể.

Bước xuống trực thăng, Bác đi thăm đồi cà phê chứ không đến điểm mít tinh như kế hoạch. Bác hỏi han bà con về mật độ, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây. Trên đường xuống, Bác ghé vào lán công nhân kiểm tra nơi ăn chốn ở rồi mới đến khu vực tổ chức mít tinh.

Trên khán đài được dựng bằng tre, Bác thân mật trò chuyện, căn dặn bà con nông dân, công nhân huyện Nghĩa Đàn.

"Với một phóng viên trẻ, đó là chuyến tác nghiệp để đời, không bao giờ tôi quên được", ông Hương chia sẻ.

Kỷ vật vô giá

Sau buổi mít tinh, Bác Hồ về ăn trưa và nghỉ tại lán được dựng theo kiểu nhà sàn. Lúc này, PV trẻ Phan Duy Hương chợt nghĩ: "Được gặp Bác là điều mà mọi người dân đều mơ ước, nhưng không phải ai cũng có cơ hội và có khi đời người chỉ có một lần. Hôm nay mình vinh dự được nhìn thấy Bác bằng xương bằng thịt, được đứng gần Bác mà không có tấm ảnh nào thật đáng tiếc…".

Chàng PV trẻ thơ thẩn đứng ngoài lán, nhấp nhổm định vào xin được chụp chung với Bác tấm ảnh nhưng rồi sự nhút nhát khiến anh không dám. Ngoài lán cũng có khá đông phóng viên các báo đài, ai cũng muốn được chụp ảnh chung với Bác mà không dám mở lời.

"Đợi khi Bác nghỉ trưa dậy, vừa bước xuống cầu thang của lán nghỉ, tôi lấy hết can đảm tiến đến đề đạt nguyện vọng với Bác. Lúc đó có mấy chị công nhân là người dân tộc cũng đứng gần đấy. Tôi nói: "Thưa Bác, cháu và các chị đây muốn chụp với Bác một tấm hình". Bác đồng ý và tiến ra bãi cỏ. Lúc này các nhà báo khác cũng ùa tới", ông Hương xúc động kể.

Ngay trong chiều 10/12/1961, phóng viên Phan Duy Hương vội vàng về tòa soạn, hoàn thành bài viết và được đích thân Bí thư Tỉnh ủy Võ Thúc Đồng đọc, sửa từng câu chữ.

Lời căn dặn của Bác đối với bà con nhân dân Nghĩa Đàn, với công nhân Nông trường Sông Hiếu đã trở thành quyết tâm chính trị của Đảng bộ và nhân dân Nghệ An trong thi đua lao động sản xuất để xây dựng quê hương.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/1990), ông Hương bất ngờ nhận được điện thoại của Giám đốc Bảo tàng Kim Liên (nay là Khu di tích Kim Liên) – một người bạn học chung trường sư phạm cấp 2 Nghệ An.

"Bạn hỏi, trong lần Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2 cuối năm 1961, Người có lên Nông trường Sông Hiếu, ông có đi tác nghiệp không? Khi tôi trả lời có, bạn nói vậy là đúng rồi. Có một PV miền Nam gửi tặng bảo tàng 1 tấm ảnh Bác Hồ nói chuyện với nữ công nhân nông trường. Tôi thấy có 1 người đứng phía sau giống bạn lắm.

Bức ảnh được người bạn sao tặng một bản. Cầm tấm hình trong tay mà tôi rưng rưng xúc động. Trong hình, Bác Hồ đang nói chuyện với một nữ công nhân nông trường và chính tôi đứng phía sau cô công nhân ấy. Không ngờ ngoài bức ảnh chụp chung với Bác ở lán nghỉ trưa, tôi còn có bức ảnh khác và vinh dự được đứng rất gần Người. Với tôi, đó là những kỷ vật vô giá", ông Hương rưng rưng.

Nhà báo Trần Văn Hiền, nguyên Phó tổng biên tập báo Nghệ An chia sẻ: Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ có 2 lần về thăm quê vào các năm 1957 và 1961. Lần thứ nhất, vào năm 1957, khi đó báo Nghệ An chưa thành lập.

Lần thứ hai, tháng 12/1961, báo Nghệ An giao cho 2 phóng viên chính đưa tin về các hoạt động của Bác là Nguyễn Duy Liêu và Phan Đình Sung. Khi Bác thăm Nông trường Đông Hiếu, phóng viên Phan Duy Hương (bút danh Dương Huy) cũng được cơ quan cử đi đưa tin.

Theo nhà báo Ngô Đức Kiên, Tổng biên tập báo Nghệ An, ngoài vinh dự được đưa tin trong lần Bác về thăm quê, nhà báo Phan Duy Hương cũng là một trong những người đầu tiên tham gia thành lập báo Nghệ An. Công tác tại báo từ năm 1961 – 1975, nhà báo Duy Hương từng là Bí thư chi bộ 3 khóa, trưởng phòng phụ trách nông nghiệp. Sau đó, ông chuyển công tác và giữ các chức vụ cao hơn.

Sỹ Hòa

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ky-uc-gap-bac-ho-cua-phong-vien-bao-tinh-192240619180455882.htm