Kỳ vọng biến chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên

Trong bối cảnh phát triển kinh tế gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh, chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đang được tái định nghĩa như một dạng 'tài nguyên thứ cấp' có thể thu hồi, tái chế và tái tạo thành sản phẩm hoặc năng lượng.

Chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) là loại chất thải rắn phát sinh từ sinh hoạt hằng ngày của con người, bao gồm cả thành phần hữu cơ và vô cơ như thực phẩm, thức ăn thừa, bao bì ni lông, chai lọ thủy tinh, giấy, bìa carton, nhựa, gỗ... Sự gia tăng dân số, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh mẽ đã kéo theo lượng CTRSH ngày càng lớn, gây áp lực lên hệ thống xử lý và môi trường.

Hiện nay, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng nhanh nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhưng tỷ lệ tái chế và tái sử dụng còn rất thấp.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó riêng khu vực đô thị chiếm hơn 70%. Dự báo đến năm 30.12.2030, chất thải rắn có thể đạt tới 35-40 triệu tấn/năm nếu không có giải pháp giảm thiểu và phân loại hiệu quả.

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, từ ngày 1.1.2025, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân loại tại từng hộ gia đình sau đó được thu gom, tập kết, vận chuyển. Ảnh minh họa

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, từ ngày 1.1.2025, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân loại tại từng hộ gia đình sau đó được thu gom, tập kết, vận chuyển. Ảnh minh họa

Mới đây, tại hội thảo “Triển khai công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)” do Cục Môi trường – Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức tại Hưng Yên, đại diện Sở Nông nghiệp và Nông nghiệp 12 tỉnh, thành phố đã chia sẻ kinh nghiệm và thách thức trong triển khai công tác quản lý chất thải.

Theo ông Hồ Kiên Trung – Phó Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, trước khi có Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, việc phân loại CTRSH ở nhiều địa phương chủ yếu mang tính thí điểm, thiếu cơ sở pháp lý và không đem lại hiệu quả rõ rệt.

Tuy nhiên, đến nay, cả nước đã có 34 địa phương (tính theo tên địa phương trước ngày 1.7.2025) triển khai phân loại CTRSH; trong đó 31 địa phương ban hành quy định quản lý CTRSH, 30 địa phương có quy định phân loại, nhưng chỉ có 4 địa phương ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và có 4 địa phương ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Hiện cả nước hiện có 1.548 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó đốt phát điện có 7 cơ sở; đốt không phát điện 333 cơ sở; dây chuyền sản xuất phân compost có 30 cơ sở; còn lại chủ yếu là bãi chôn lấp với 1.178 địa điểm. Một trong những khó khăn lớn hiện nay là sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương. Các địa phương cũng gặp vướng mắc trong xây dựng và áp dụng đơn giá phù hợp cho từng vùng miền, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo – nơi cần có định mức, chính sách đặc thù.

Để tháo gỡ vướng mắc và nâng cao hiệu quả quản lý CTRSH, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện đồng bộ các khâu từ phân loại, thu gom, vận chuyển đến xử lý chất thải. Đồng thời, Cục Môi trường đang đẩy mạnh triển khai cơ chế EPR (Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất), hoàn thiện hành lang pháp lý cho các cơ chế tài chính hỗ trợ tái chế và xử lý chất thải.

Ông Hồ Kiên Trung – Phó Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh, Cục Môi trường sẵn sàng đồng hành cùng các địa phương trên cả nước trong việc phân loại, tái chế và biến chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên. Đây là chính sách có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế trong nước, hướng tới xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

Theo PHÚC ÂN/Báo Công Luận

Link bài viết gốc

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/ky-vong-bien-chat-thai-ran-sinh-hoat-thanh-tai-nguyen-149264.html