Kỳ vọng 'thông tắc' cho giao thông đô thị Hà Nội từ Luật Thủ đô sửa đổi

Luật Thủ đô sửa đổi với những cơ chế chính sách đặc thù vượt trội, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ được kỳ vọng trở thành điểm tựa giúp Hà Nội tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai, hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị trên địa bàn.

Chia sẻ tại tọa đàm "Luật Thủ đô 2024 - Bệ phóng thể chế để Hà Nội bứt phá" vừa diễn ra, ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đánh giá Luật Thủ đô sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua sẽ tháo nhiều nút thắt trong phát triển giao thông đô thị.

Kỳ vọng từ Luật Thủ đô

Cụ thể, Luật Thủ đô sửa đổi cho phép Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của TP đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Những quy định mới có nhiều khác biệt bởi trước đây, trong quá trình thực hiện có rất nhiều nội dung cần điều chỉnh phải triển khai các thủ tục, từ xin chủ trương đến lập, thẩm định phê duyệt, điều chỉnh mất rất nhiều thời gian, qua nhiều cấp, từ địa phương, bộ ngành, đến Chính phủ.

Luật Thủ đô sửa đổi mang đến nhiều kỳ vọng cho phát triển giao thông đô thị trên địa bàn Hà Nội.

Luật Thủ đô sửa đổi mang đến nhiều kỳ vọng cho phát triển giao thông đô thị trên địa bàn Hà Nội.

Đặc biệt, Luật sửa đổi đã mở cơ chế, cho phép quá trình đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình phát triển theo định hướng giao thông công cộng (TOD), bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững.

Ông Phan Trường Thành thông tin, trong nhiều năm qua mô hình TOD đang được nhiều quốc gia, thành phố trên thế giới nghiên cứu, áp dụng như là một giải pháp căn cơ và dài hạn để giải quyết những vấn đề lớn liên quan đến phát triển đô thị như quá tải về hạ tầng, ùn tắc giao thông…

Được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia, thành phố trên thế giới, song ở Việt Nam, TOD vẫn còn là một mô hình phát triển đô thị, giao thông công cộng tương đối mới mẻ, dù đã được đưa vào thí điểm.

Các nghiên cứu, đánh giá chuyên sâu về TOD trong điều kiện đặc thù của Việt Nam nói chung, của TP. Hà Nội nói riêng còn rất ít ỏi. Việc áp dụng mô hình TOD hiện nay còn một số khó khăn, tồn tại.

Trước thực tế diễn ra, việc Luật Thủ đô sửa đổi được thông qua kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn trong phát triển TOD. Và những kỳ vọng là có cơ sở, bởi các nội dung liên quan đến TOD đã được đề cập trong quy hoạch Thủ đô, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và được luật hóa.

Cụ thể, Luật Thủ đô đã dành trọn 1 điều (Điều 31) để cụ thể hóa các định hướng triển khai mô hình TOD kèm theo các cơ chế chính sách cần thiết và bước đầu đã tháo gỡ được phần nào các vướng mắc cũ.

“Luật Thủ đô là cơ hội để chúng ta có thể sửa chữa, khắc phục những vấn đề chưa làm được. Chúng tôi sẽ huy động toàn lực, đưa ra những cơ chế chính sách thật khả thi", ông Thành nhấn mạnh.

Hướng tới giao thông thông minh

Bên cạnh nghiên cứu triển khai mô hình TOD, để đẩy nhanh tốc độ phát triển giao thông đô thị, thời gian tới Hà Nội sẽ chủ động thúc đẩy các nguồn lực, chú trọng hoàn thiện hệ thống giao thông thông minh.

Mới đây, vào đầu tháng 7/2024, Hà Nội đã đưa vào vận hành thí điểm Trung tâm Điều hành giao thông thông minh (đặt tại số 1 phố Kim Mã, quận Ba Đình). Dự án thí điểm này được kỳ vọng sẽ góp phần tổ chức, quản lý điều hành hệ thống giao thông vận tải trên địa bàn TP một cách hiệu quả.

Hà Nội cũng đang chú trọng phát triển giao thông đô thị theo hướng thông minh, hiện đại, an toàn.

Hà Nội cũng đang chú trọng phát triển giao thông đô thị theo hướng thông minh, hiện đại, an toàn.

Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội nhấn mạnh phát triển giao thông thông minh là một trong những giải pháp trọng điểm để cụ thể hóa Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về "Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", xác định mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và trên thế giới.

Trong thời gian thí điểm, Trung tâm Điều hành giao thông thông minh lựa chọn đặt camera thông tại 2 nút giao trên đường Phạm Văn Bạch (Cầu Giấy), trong đó có nút giao gần Viện Huyết học truyền máu TW vốn là “điểm nóng” ùn tắc do có mật độ phương tiện di chuyển lớn.

Sau khoảng 3 tuần thí điểm, thực tế cho thấy hoạt động giao thông trên đường Phạm Văn Bạch đã ổn định hơn, cùng mật độ phương tiện nhưng hiện tượng ùn tắc đã giảm đáng kể, ý thức tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện được nâng lên.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho hay, việc đưa vào khai thác Trung tâm Điều hành giao thông thông minh có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là nền tảng cốt lõi trong việc hình thành hệ thống giao thông thông minh, là cơ sở thực tiễn quan trọng cho việc hoàn thiện đề án "Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội" và tổ chức triển khai trong thời gian tới.

Có thể nói, sau hơn 15 năm mở rộng địa giới hành chính, các nguồn lực, thế mạnh về đất đai, con người, văn hóa và lịch sử, công nghệ trên địa bàn TP Hà Nội đã dần được khai thác, phát huy. Có được kết quả đó là nhờ sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn.

Cùng với những kết quả bước đầu, các phương án mới được triển khai đồng bộ, cùng những quy định mới tại Luật Thủ đô sửa đổi, được nhiều người kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong phát triển giao thông đô thị, tạo điểm tựa xây dựng Hà Nội và vùng Thủ đô theo hướng hiện đại, bền vững.

Định hướng lộ trình hình thành hệ thống Giao thông thông minh tại Hà Nội sẽ theo 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (năm 2024-2026) kiện toàn gắn với việc hình thành, đưa vào khai thác, vận hành trung tâm điều hành giao thông thông minh (với 9/12 chức năng).

Giai đoạn 2 (năm 2027-2029) mở rộng và phát triển (gắn với việc thực hiện đủ 12 chức năng).

Giai đoạn 3 (năm 2030) phát triển bền vững.

Hà Nội sẽ thay thế 100% xe buýt chạy dầu diesel bằng xe buýt điện

Tại kỳ họp thứ 17 diễn ra vào đầu tháng 7 vừa qua, với đa số đại biểu tán thành, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua đề án phát triển giao thông công cộng bằng xe buýt điện và năng lượng xanh. Đây là một phần trong nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội tại thủ đô.

Theo đề án này, từ năm 2026 đến 2030, Hà Nội sẽ có 50% xe buýt điện và 50% xe buýt chạy bằng LNG (khí dầu mỏ hóa lỏng) hoặc CNG (khí thiên nhiên có thành phần chính là CH4 - metan, được xem là nguồn năng lượng sạch), với tổng kinh phí dự kiến là 43.000 tỷ đồng.

Các tuyến xe buýt trong khu vực đô thị trung tâm (trong vành đai 4) sẽ được chuyển đổi sang chạy điện. Các tuyến xe buýt mới sẽ ưu tiên sử dụng phương tiện năng lượng điện và năng lượng xanh. Ngoài ra, tất cả các xe buýt chạy dầu diesel đã hết khấu hao và hết hạn thầu sẽ được thay thế.

Đối với các xe buýt còn khấu hao dưới 10 năm từ ngày sản xuất, chúng sẽ được sử dụng đến hết khấu hao trước khi chuyển sang xe buýt xanh. Trong giai đoạn từ 2024 đến 2030, tỉ lệ chuyển đổi xe buýt chạy dầu diesel sang xe buýt xanh dự kiến đạt từ 70-90%, và đến giai đoạn từ 2031-2035, mục tiêu là 100% xe buýt tại Hà Nội sẽ là xe buýt điện.

Đông Hà

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/ky-vong-thong-tac-cho-giao-thong-do-thi-ha-noi-tu-luat-thu-do-sua-doi-1101286.html