Kỳ X: Đặc sản rau sông và cây trái

Bao đời nay, phù sa sông Vàm Cỏ Đông đã tạo nên những vườn cây ăn trái xum xuê và nhiều loại rau sông đặc sản. Những mảnh vườn rau, trái ấy đang dần biến Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm cây trái của miền Đông Nam bộ.

Ông Lê Văn Vỹ trồng thử nghiệm trồng rau sông trong khu đất của mình.

Ông Lê Văn Vỹ trồng thử nghiệm trồng rau sông trong khu đất của mình.

Đặc sản rau sông

Rau sông (rau rừng) là những loại cây rừng mọc tự nhiên ven sông Vàm Cỏ Đông. Người dân Tây Ninh đã sớm phát hiện vị ngon của chúng khi dùng chung với các loại đặc sản bánh canh, bánh tráng Trảng Bàng. Người dân ven sông thường chèo xuồng đi hái những đọt, lá non các loại cây rừng này để làm thức ăn trong gia đình và bán lại cho các quán ăn, nhà hàng chuyên kinh doanh bánh canh, bánh tráng.

Những năm gần đây, khi du lịch Tây Ninh phát triển, nhu cầu ẩm thực của du khách tăng cao, rau sông trong tự nhiên không đủ cung ứng cho thị trường, một số nông dân bắt đầu chuyển sang trồng cây rừng trong vườn để lấy lá làm rau. Từ đó, ở Tây Ninh có thêm nghề trồng rau rừng- có thể là nghề trồng trọt ra đời muộn nhất của nước ta.

Gần 10 năm trước, ông Lê Văn Vỹ (khu phố Lộc Trát, phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng) kiếm sống bằng nghề trồng hàng bông. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ rau sông ngày càng nhiều, trong khi rau sông trong thiên nhiên ngày càng hiếm, ông liền nghỉ nghề trồng hàng bông, chuyển sang trồng rau sông. Hằng ngày, ông lặn lội ra bờ sông Vàm Cỏ Đông tìm bứng các cây rau sông nhỏ, đem về trồng thử nghiệm trong khu đất ở sau nhà.

Ông Lê Văn Vỹ chia sẻ kinh nghiệm trồng rau rừng với khách tham quan.

Ông Lê Văn Vỹ chia sẻ kinh nghiệm trồng rau rừng với khách tham quan.

Để tạo môi trường giống như ngoài thiên nhiên, ông Vỹ trồng các loại rau sông theo thành từng luống. Giữa các luống là mương nước chảy róc rách quanh với những đám lục bình bồng bềnh trôi nổi. Sau gần 20 năm thuần hóa cây rừng, người nông dân xứ Trảng đã biến vườn rau rừng của mình thành nơi cung cấp rau tươi ngon cho các thương lái; còn ông Vỹ nhân giống cây rừng để cung cấp và truyền nghề cho nhiều người dân trong vùng, cùng nhau phát triển nghề trồng rau rừng.

Hiện nay, nghề trồng rau rừng ở khu phố Lộc Trát đã phát triển thành một Tổ hợp tác rau rừng. Tổ hợp tác này gồm bảy hộ gia đình, do ông Vỹ làm tổ trưởng. Rau rừng ở đây đạt tiêu chuẩn VietGap, hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng hai tấn rau.

Nói về hiệu quả kinh tế của việc trồng rau sông, ông Vỹ cho biết: “So với trồng hàng bông thì trồng rau sông đơn giản mà hiệu quả hơn. Vì bản thân các loại rau sông là cây rừng, sức sống, sức đề kháng rất mạnh, không cần phân bón chúng cũng tự lớn lên và hầu như ít khi bị sâu rầy tấn công. Giá bán các loại này cũng khá ổn định và luôn không đủ cung cấp cho nhu cầu thị trường, nên không sợ bị ế. Trong khi đó, trồng các loại hàng bông, chăm sóc rất cực, tốn kém vốn đầu tư nhiều mà đầu ra luôn bấp bênh”.

Tương tự, gia đình bà Lê Thị Thanh Thúy ở khu phố Lộc Trác cũng chuyên nghề trồng và thu mua rau sông hơn 10 năm nay. Hiện nay, trong vườn nhà của bà đã trồng đủ các loại rau sông thông thường. Sau khi thu hoạch, các loại rau được rửa sạch sẽ, đóng gói, đính kèm thương hiệu và cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị.

“Vườn rau rừng của mình không cần bón phân nhiều, chủ yếu là có đủ nước tưới thì chúng sẽ ra lá non nhiều. Rau rừng này vừa dùng để ăn kèm với bánh tráng, vừa là loại thuốc nam, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Sản phẩm rau rừng của gia đình mình đạt tiêu chuẩn VietGap, giờ được chứng nhận là sản phẩm đạt chuẩn ba sao, giúp người tiêu dùng an tâm, tin tưởng hơn”, nữ chủ nhân cơ sở này chia sẻ.

Rau rừng của gia đình bà Lê Thị Thanh Thúy được đóng gói cẩn thận trước cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị.

Rau rừng của gia đình bà Lê Thị Thanh Thúy được đóng gói cẩn thận trước cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị.

Thật khó hình dung một bữa tiệc với các món ẩm thực lừng danh của Tây Ninh như bánh tráng phơi sương hay bò tơ Tây Ninh mà lại thiếu đi một mâm rau rừng. Từ những loại cây hoang dại, ít người biết đến, rau sông đã trở thành một trong những thành phần không thể thiếu được trong món ăn đặc sản của Tây Ninh. Có được vị trí trên bàn ăn như thế là nhờ công sức của những người chuyên đi hái, trồng và mua bán rau sông.

Nhiều vườn trái cây ăn trái

Bên cạnh những loại rau rừng, hai bên bờ sông Vàm còn có nhiều vườn cây ăn trái bốn mùa xanh mát, xum xuê. Hàng năm, cứ vào dịp hè và tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), các vườn trái cây nổi tiếng ở Gò Dầu, Trảng Bảng, Hòa Thành đều trở nên nhộn nhịp đón những vị khách trong và ngoài tỉnh. Một trong những điểm du lịch vườn thu hút nhiều du khách là vườn Út Phương, ở ấp Cây Da, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu. Trong vườn trồng chủ yếu hai loại chôm chôm Thái Lan và chôm chôm Xuka.

Vườn cây ăn trái xum xuê, xanh mướt bên sông Vàm.

Gần 10 năm nay, vườn bắt đầu mở cửa đón khách vào dịp lễ 30.4 hằng năm và kéo dài đến khi hết mùa trái chín. Giá vé vào vườn “ăn bao bụng” là 30.000 đồng/người. Hầu hết, du khách vào đây, sau khi no nê trái cây, đều mua thêm vài kg chôm chôm chín đem về làm quà cho gia đình, người thân. Vào vườn, du khách chọn cho mình một căn chòi dưới tán chôm chôm cổ thụ, sau đó tự mình đi hái trái, đem về chòi thưởng thức cùng với những món đặc sản khác như gà nấu cháo, gà nướng v.v…

Những ngày hè vừa qua, chị Lê Hà Phương, ngụ thị trấn Gò Dầu cùng nhiều người thân trong gia đình đến đây trải nghiệm thu hoạch chôm chôm. Chị Phương chia sẻ: “Hôm nay là sinh nhật của mình, gia đình tổ chức trong vườn trái cây. Khi đến đây, tôi cảm thấy không khí thoáng mát, vui vẻ. Thích nhất là được đi hái, thưởng thức những trái chôm chôm ngon, ngọt và món ăn dân dã của quê hương”.

Chị Lê Hà Phương checkin với những chùm chôm chôm vừa tự tay mình hái.

Chị Lê Hà Phương checkin với những chùm chôm chôm vừa tự tay mình hái.

Vườn chôm chôm Út Phương trĩu quả.

Vườn chôm chôm Út Phương trĩu quả.

Nói về mô hình du dịch vườn của gia đình, bà Hồ Thị Thu Phương- chủ vườn cây Út Phương bộc bạch: “Những năm trước, vợ chồng tôi chỉ trồng, thu hoạch trái cây đem ra chợ bán như những nhà vườn khác. Một lần tình chờ đến nhà bạn chơi, thấy ở đó có vườn dâu và mở dịch vụ cho du khách vào tham quan. Nhận mô hình này hay nên vợ chồng tôi mở cũng làm theo. Từ khi mở dịch vụ này, thu nhập khá hơn so với hồi mình cân ký đem đi bán”.

Với lợi thế đất đai phù sa màu mỡ và hệ thống nước tưới quanh năm từ công trình thủy lợi Dầu Tiếng, hiện nay, nhiều người dân Tây Ninh đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Những vườn cây nông nghiệp truyền thống như cao su, mía, mì đang dần dần được biến đổi sang vườn cây ăn trái có giá trị cao như sầu riêng, cam, bưởi, ổi, xoài, mít, chuối già Nam Mỹ v.v… Điển hình như ở xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu có nhiều vườn sầu riêng bạt ngàn, xanh mướt, trĩu quả, tiêu chuẩn VietGap và thành lập Hợp tác xã Cây ăn trái Bàu Đồn.

Sầu riêng Tây Ninh được nhiều người ưa thích.

Sầu riêng Tây Ninh được nhiều người ưa thích.

Ông Phan Hoài Thịnh- Giám đốc Hợp tác xã Cây ăn trái Bàu Đồn cho biết khái quát, nghề trồng cây ăn trái ở Bàu Đồn đã phát triển hơn 20 năm. Hiện nay, ở xã này có khoảng 1 ngàn ha đất trồng sầu riêng. Do đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu nên trái sầu riêng ở Bàu Đồn có “cơm” vàng hơn, ngọt, béo và dẻo hơn những vùng miền ở Tây nguyên và miền Tây. Loại đặc sản này đã đạt tiêu chuẩn VietGap, năm 2022, sầu riêng của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP bốn sao. Từ đó mở ra bước ngoặt khẳng định vị thế, chất lượng trái sầu riêng Bàu Đồn nói riêng, của Tây Ninh nói chung.

Tuy phát triển sau các vườn cây ăn trái ở miền Tây và miền Đông Nam bộ, nhưng vườn ven sông Vàm Cỏ Đông của Tây Ninh lại có được lợi thế của những người đi tắt đón đầu. Có lẽ trong một tương lai không xa, các vườn cây trái ven dòng sông Vàm sẽ phát triển không thua kém những vườn cây trái ở sông Tiền, sông Hậu, biến Tây Ninh trở thành một vùng rau thơm trái ngọt.

Đại Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ky-x-dac-san-rau-song-va-cay-trai-a175279.html