Kỳ XIII: Đồng bào Khmer ở xã Hòa Hiệp

Dọc hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông từ bao đời nay có nhiều đồng bào dân tộc anh em cùng sinh sống, làm phong phú nên văn hóa và góp phần giữ gìn an ninh, trật tự biên giới của tỉnh.

Sư San Văn Xiên kể về ngôi chùa Chung Rút ở Hòa Hiệp.

Sư San Văn Xiên kể về ngôi chùa Chung Rút ở Hòa Hiệp.

Ngày 11.7.2024 vừa qua, tại chùa Chung Rút, UBND xã Hòa Hiệp tổ chức chương trình tặng quà cho học sinh, đồng bào dân tộc Khmer nghèo trên địa bàn xã Hòa Hiệp. Tại buổi lễ, lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Đồn Biên phòng Lò Gò, xã Hòa Hiệp và Nhóm thiện nguyện thị xã Hòa Thành trao tặng 120 phần quà cho hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo; 150 phần quà cho học sinh nghèo, hiếu học trên địa bàn xã Hòa Hiệp.

Đồng bào Khmer hiến đất xây chùa

Từ bến đò Năm Chỉ ở thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông thuộc địa bàn xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên lên vài ki-lô-mét là đến nơi cư ngụ của đồng bào Khmer với 250 hộ, 1.107 nhân khẩu. Đến đây, ai cũng dễ dàng nhìn thấy ngôi chùa Chung Rút đẹp rực rỡ dưới những bóng cây xanh.

Hiện nay, ngôi chùa vẫn trong quá trình xây dựng, trang trí. Trong giảng đường, một nhà sư chăm chú vẽ những bức bích họa kể về quá trình tu tập và đắc đạo gian nan khổ hạnh của Đức Phật. Trên trần giảng đường là những hoa văn đậm nét Phật giáo Nam tông.

Trên trần giảng đường vẽ những hoa văn, đặc trưng của Phật giáo Nam tông

Trên trần giảng đường vẽ những hoa văn, đặc trưng của Phật giáo Nam tông

Trên bàn thờ chính bài trí ba tượng Phật Thích Ca cùng với tượng thần Brahma bốn mặt. Tầng trên của giảng đường là nơi lưu giữ các bộ nhạc cụ ngũ âm, bộ trống Chhay-dăm cùng những mặt nạ chằn, kế đó là những bộ nông cụ và dụng cụ đánh bắt cổ truyền. Kề bên bàn thờ Phật là một chiếc tủ chứa nhiều sách kinh Phật bằng tiếng Khmer.

Chùa Chung Rút có tên Risathia Ratanaul Dom, nghĩa là Phước báu cao cả. Nhưng tên dân dã của ngôi chùa là Chung Rút, có nghĩa là “bồ lúa”, theo tên của sóc ở đây. Theo lời sư San Văn Xiên- người quản lý ngôi chùa này, làng Khmer bên sông Vàm này có tên là Bồ lúa bởi thời chiến tranh, giặc thường đến thường cướp phá, đốt nhà nên bà con Khmer phải làm những bồ lúa giấu lúa ở trong rừng, đợi hết những trận càn, quay về phum sóc thì vẫn còn có cái ăn và hạt giống cho mùa sau.

Trẻ em Khmer xã Hòa Hiệp tung tăng đùa giỡn trong sân chùa Chung Rút

Trẻ em Khmer xã Hòa Hiệp tung tăng đùa giỡn trong sân chùa Chung Rút

Cả trăm năm trước, ngôi chùa cũ được xây trong phum Sóc Thiết, bom đạn chiến tranh làm cháy hết ngôi chùa. Năm 1991, bà Mon Thêm- ngoại của sư San Văn Xiên hiến tặng phần đất của gia đình và được các phật tử hảo tâm cúng dường mới xây dựng lên ngôi chùa Chung Rút như hiện tại.

Hiện nay, chùa Chung Rút là nơi giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa Khmer của xã Hòa Hiệp. Trong khuôn viên chùa còn có một lớp học dạy tiếng Khmer cho trẻ em, do sư San Văn Xiên giảng dạy. Tâm nguyện của vị sư này là không chỉ trao truyền ngôn ngữ mà cả văn hóa truyền thống dân tộc cho các em nhỏ trong phum sóc.

Và hiến đất xây trường

Đối diện chùa Chung Rút là trường Tiểu học Hòa Đông A, cũng do bà Mon Thêm hiến 4.320m2 đất để xây dựng. Ngôi trường được xây dựng đạt tiêu chuẩn quốc gia, năm học vừa qua, thu hút khoảng 300 học sinh, trong đó, 1/3 là con em người dân tộc Khmer. Với nghĩa cử cao đẹp này, năm 1999, bà Mon Thêm được Chủ tịch nước Trần Đức Lương viết thư khen tặng.

Bốn thế hệ gia đình bà Mon Thêm tụ họp chuyện trò trong ngôi nhà sàn truyền thống

Bốn thế hệ gia đình bà Mon Thêm tụ họp chuyện trò trong ngôi nhà sàn truyền thống

Trong thư, Chủ tịch nước viết: “Đọc báo Tây Ninh, tôi được biết gia đình bà, một gia đình người dân tộc Khmer ở vùng sâu biên giới, tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng đã nêu một tấm gương tiêu biểu hết lòng vì sự nghiệp giáo dục. Vì “cái chữ cho con cháu”, gia đình bà đã hiến 4.320m2 đất để xây dựng trường học. Đó là nghĩa cử, là tấm gương tốt để mọi người noi theo. Tôi khen ngợi và biểu dương việc làm tốt đẹp đó của gia đình Bà. Chúc bà và gia đình luôn khỏe mạnh, hạnh phúc”.

Đến Sóc Thiết, Chàng Rụt thăm bà con dân tộc Khmer, chúng tôi thấy ở đây vẫn còn nhiều ngôi nhà sàn được xây bằng gỗ, đặc trưng kiến trúc Khmer Nam bộ. Xung quanh ngôi nhà là những bờ tre, chuồng bò. Trong ngôi nhà sàn gỗ, bốn thế hệ gia đình bà Mon Thêm vẫn thường xuyên tụ họp chuyện trò, ăn uống. Bà Mon Thêm năm nay đã 98 tuổi nhưng rất khỏe khoắn, minh mẫn, tươi vui.

Những đứa trẻ Khmer nghịch ngợm, đáng yêu

Nhắc về việc hiến đất xây chùa, xây trường, bà Mon Thêm nói: "Thời chiến tranh chạy loạn, sau ngày hòa bình, chúng tôi mới trở về phum sóc, ngôi chùa cũ không có phật tử ở gần, bà con sợ sư không có cơm ăn nên tôi mới hiến đất xây chùa mới. Rồi thấy con cháu trong phum sóc đi học xa quá, các cháu nhỏ đi không nổi, tôi hiến đất cho Nhà nước để xây dựng trường học.

Từ xưa tới giờ, phong tục tập quán ở đây không thay đổi, nhưng đời sống thay đổi nhiều. Lúc trước đường sá là đường đất, mưa xuống sình lầy lắm, người dân đi lại rất khó khăn. Nhờ Nhà nước làm cho đường nhựa nên đi lại thuận tiện hơn".

Ông San Keo, con của bà Mon Thêm tiếp lời: “Thời tôi còn trẻ, do chiến tranh nên cuộc sống có khó khăn, không được học hành đầy đủ. Lúc trở về đây cũng đã lớn tuổi nên không có điều kiện để đi học. Tôi chỉ biết làm ruộng rẫy để sinh sống thôi. Ở đây, đồng bào các dân tộc sống hòa đồng, đoàn kết với nhau như anh em”.

Trong phum Chàng Rụt vẫn còn nhiều ngôi nhà sàn đặc trưng kiến trúc Khmer Nam bộ

Trong phum Chàng Rụt vẫn còn nhiều ngôi nhà sàn đặc trưng kiến trúc Khmer Nam bộ

Trong những năm chống Mỹ cứu nước, đồng bào Khmer xã Hòa Hiệp có truyền thống gắn bó với cách mạng. Sóc Thiết từng được xem là “chiến khu của Việt Cộng”. Khi quân địch càn quét, chúng chỉ dám tới Xóm Giữa chứ không dám vào sâu trong các sóc. Trong trận càn Junction City nổi tiếng, Sóc Thiết, Chàng Rụt có cả một tiểu đội du kích người Khmer tham gia chiến đấu chống Mỹ.

Bà Phùng Thị Mai Huyền- Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp cho biết, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, hiện nay có đầy đủ điện thắp sáng, đường giao thông, trường học và trạm y tế để phục vụ đời sống bà con dân tộc. Đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer ở đây không ngừng nâng lên.

Các em học sinh nghèo, hiếu học trên địa bàn xã Hòa Hiệp chuẩn bị được nhận quà

Các em học sinh nghèo, hiếu học trên địa bàn xã Hòa Hiệp chuẩn bị được nhận quà

Có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn. Ngoài ra, UBND xã còn vận động các mạnh thường quân đến thăm hỏi, tặng quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã vào những dịp lễ, tết của đồng bào dân tộc Khmer. Bên cạnh đó, còn có chính sách hỗ trợ chị em phụ nữ Khmer phát triển kinh tế gia đình.

Đặc biệt, trong chương trình xây dựng nông thôn mới của xã Hòa Hiệp, đồng bào dân tộc Khmer ở đây có nhiều đóng góp vào việc hiến đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học, tham gia bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn xã.

Những bồ lúa của dân làng Khmer Hòa Hiệp có thể lúc vơi, lúc đầy, nhưng tình cảm của đồng bào Sóc Thiết, Chung Rút đối với cách mạng, với cộng đồng như dòng sông Vàm Cỏ Đông, không bao giờ khô cạn.

Đại Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ky-xiii-dong-bao-khmer-o-xa-hoa-hiep-a176591.html