'Lá chắn thép' trên mặt trận chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Phát huy vai trò tiên phong

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng ủy Bộ Công Thương đã xác định rõ lực lượng Quản lý thị trường phải trở thành lực lượng chủ công trong đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Với kim chỉ nam là Kế hoạch 888/QĐ-TCQLTT (ban hành ngày 22/3/2021), lực lượng đã triển khai toàn diện các biện pháp nghiệp vụ, từ kiểm tra thường xuyên, đột xuất đến tăng cường kiểm soát trọng điểm theo lĩnh vực và địa bàn.

Kết quả, từ năm 2021 - 2025, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thực hiện 287.908 vụ kiểm tra, xử phạt hành chính trên 193.525 vụ việc. Chỉ riêng trong đợt cao điểm từ 15/5 - 15/6/2025, toàn lực lượng đã kiểm tra 3.891 vụ, xử lý 3.114 vụ vi phạm với tổng số tiền xử lý vi phạm hơn 63 tỷ đồng, trong đó có 26 vụ việc chuyển cơ quan điều tra vì có dấu hiệu hình sự.

Lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thực hiện 287.908 vụ kiểm tra, xử phạt hành chính trên 193.525 vụ việc.

Lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thực hiện 287.908 vụ kiểm tra, xử phạt hành chính trên 193.525 vụ việc.

Năm 2025 đánh dấu bước ngoặt về tổ chức của lực lượng Quản lý thị trường. Thực hiện Nghị định 40/2025/NĐ-CP, mô hình Tổng cục Quản lý thị trường chính thức kết thúc; Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước ra đời trên cơ sở hợp nhất với Vụ Thị trường trong nước. Các Cục Quản lý thị trường địa phương được chuyển về UBND tỉnh, thành phố quản lý.

Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: “Có sự thay đổi về mô hình tổ chức nhưng màu áo, trách nhiệm của Quản lý thị trường không thay đổi". Lực lượng Quản lý thị trường vẫn là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật về thương mại, vẫn phải giữ vai trò trụ cột trong đảm bảo ổn định thị trường.

Việc sáp nhập không đồng nghĩa với buông lỏng quản lý. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: “Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường phải thực hiện thường xuyên, không để bị ảnh hưởng, gián đoạn trong quá trình tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy”.

Quản lý phải đi đôi với phát triển thị trường

Thời gian tới, sự thay đổi trong chính sách thương mại giữa các nước lớn, xung đột vũ trang giữa các quốc gia sẽ tác động ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của Việt Nam. Các đối tượng sẽ triệt để lợi dụng các thay đổi về chính sách và pháp luật, lợi dụng sự phát triển của thương mại điện tử, chuyển phát - giao nhận hàng hóa để tăng cường các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, với phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhiệm kỳ 2025 - 2030, Đảng bộ Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đặt mục tiêu cao nhất là tiến tới chấm dứt tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, cần một cuộc “chuyển hóa về tư duy”. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường không thể dừng lại ở xử lý vi phạm đơn lẻ, mà phải được nhận thức là một phần trong chiến lược phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh và bền vững. Mỗi ngày phải là cao điểm trong đấu tranh chống vi phạm - đó là phương châm hành động xuyên suốt.

Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước Trần Hữu Linh nhấn mạnh: “Quản lý thị trường nếu làm không tốt thì việc thúc đẩy phát triển thị trường sẽ không còn ý nghĩa”. Nói cách khác, công tác kiểm tra không chỉ để “truy đuổi vi phạm” mà còn để “kiến tạo môi trường” - nơi doanh nghiệp chân chính được bảo vệ, người tiêu dùng được an tâm và nhà đầu tư nước ngoài yên tâm rót vốn dài hạn.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025 và tổng kết đợt cao điểm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận và biểu dương: “Bộ Công Thương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong điều hành và giám sát thị trường...; Bộ đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chú trọng kiểm tra liên ngành, kiểm tra đột xuất theo khu vực và lĩnh vực trọng điểm, các hành vi vi phạm trong thương mại điện tử; các mặt hàng, lĩnh vực do Bộ quản lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân; xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ”.

Sự ghi nhận của Thủ tướng Chính phủ chính là sự khích lệ lớn. Nhưng quan trọng hơn, đây là lời nhắc nhở phải chuyển từ “phản ứng” sang “chủ động”, từ “xử lý hậu quả” sang “phòng ngừa chiến lược”. Bởi vì, như Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nói: “Chống hàng giả không chỉ là nhiệm vụ quản lý thị trường, mà là bảo vệ lòng tin, bảo vệ uy tín quốc gia và thể diện nền sản xuất trong nước”.

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/la-chan-thep-tren-mat-tran-chong-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-va-hang-gia-410078.html