Lạc Dương xây dựng cảnh quan nông lâm kết hợp

Nhiều dự án xây dựng cảnh quan bền vững được triển khai ở Lạc Dương đã giúp người dân nâng cao được ý thức trong việc bảo vệ rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp bền vững.

Nông dân Đưng K’Nớ sản xuất cà phê bền vững và cam kết không xâm hại đến rừng

Nông dân Đưng K’Nớ sản xuất cà phê bền vững và cam kết không xâm hại đến rừng

Đó là cách thức sản xuất mà huyện Lạc Dương được “chọn mặt gửi vàng” để “phát triển cảnh quan bền vững không mất rừng” hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Để triển khai, huyện đã được đầu tư nguồn vốn 30 tỷ đồng từ tổ chức phi chính phủ IDH, SNV để tạo sinh kế cho người dân không còn tác động đến rừng.

Tổ chức SNV thực hiện Dự án giảm thiểu mất rừng, suy thoái rừng và thúc đẩy phục hồi cảnh quan rừng trong khu vực Langbiang. Các hợp phần và hoạt động chính của dự án này nhằm: Tăng cường thể chế cho việc lập kế hoạch và quản lý sử dụng đất/cảnh quan thông minh với khí hậu tích hợp; cải thiện việc giám sát bảo vệ rừng và hệ thống giám sát, truy xuất nguồn gốc cho chuỗi cung ứng cà phê; áp dụng mô hình cà phê - nông lâm kết hợp bền vững và tăng cường chất lượng rừng với các hộ nông dân quy mô nhỏ.

Còn đối với các tiểu dự án của IDH theo hướng đạt mục tiêu góp phần chuyển đổi thị trường hàng hóa theo hướng bền vững; hỗ trợ phát triển sinh kế của các hộ nông dân quy mô nhỏ; giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường;… Đặc biệt, dự án của IDH chú trọng đến lĩnh vực hỗ trợ phát triển bền vững thông qua thúc đẩy thương mại bền vững và bảo vệ môi trường bao gồm tài nguyên rừng, tài nguyên nước...

Lạc Dương là huyện có diện tích rừng lớn với độ che phủ trên 85%, tỷ lệ người dân sản xuất nông nghiệp trên 85%, trong đó cà phê 4.280 ha. Những năm gần đây, Lạc Dương gặp không ít thách thức khi cảnh quan môi trường thay đổi do sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mật độ cây che bóng thấp chưa đến 10% diện tích cà phê. Xói mòn đất đã xảy ra do một diện tích lớn cây cà phê được trồng ở vùng đất có độ dốc trung bình và cao theo phương pháp canh tác không phù hợp, ô nhiễm môi trường do sử dụng quá mức các hóa chất trong canh tác cà phê… Để khôi phục lại hệ sinh thái cũng như phát triển nông nghiệp bền vững đòi hỏi chủ thể - người nông dân phải có nhiều biện pháp cũng như sự kiên nhẫn trong thực hiện. Đến nay, huyện đã phối hợp chặt chẽ cùng với các tổ chức tiến hành kiểm tra, rà soát cụ thể điều kiện thực tế, những khó khăn và các nội dung cần hỗ trợ các hộ dân xã Đạ Chais, xã Đưng K’Nớ trong công tác bảo vệ cảnh quan bền vững, trong đó tập trung vào hỗ trợ gìn giữ và bảo vệ rừng, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần và các vấn đề xã hội cho người dân.

Cùng đó, khuyến khích người dân trồng mới, mở rộng diện tích cây lâm nghiệp ở các vùng đệm, xây dựng và thực hiện PFES gắn kết với quy chế giám sát bảo vệ rừng, xây dựng các bảng hương ước, tập huấn cho nông dân về quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thực hiện cây trồng xen/ cây che bóng đối với 100% diện tích cà phê trong vùng quy hoạch được cấp quyền sử dụng đất. Mặt khác, đảm bảo 75% diện tích đất cà phê được canh tác theo hướng bảo tồn, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV 15%, giảm 10% lượng phân hóa học được sử dụng trên 500 ha và 100% vườn cây không sử dụng thuốc BVTV trong danh mục cấm…

Còn đối với hợp phần canh tác bền vững sẽ giúp lượng cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn từ 15 lên 20%, năng suất cà phê tăng từ 1,7 - 2,0 tấn/ha, 75% sản phẩm cà phê được kết nối thị trường và 50% diện tích canh tác được kết nối các dịch vụ cung ứng kỹ thuật, dịch vụ và vật tư nông nghiệp theo hướng minh bạch và bền vững.

Bên cạnh đó, tăng độ che phủ cây che bóng lên 18%, độ che phủ rừng tăng từ 85% lên 86% khu vực ranh giới rừng và đất nông nghiệp được thiết lập.

Ông Lê Chí Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết, Lạc Dương là huyện có diện tích rừng lớn, nhiều khu vực đất nông nghiệp giáp ranh với rừng nên thông qua sự hỗ trợ của dự án, người dân biết bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển sản xuất phải đảm bảo an toàn sinh thái cho khu vực, ứng phó với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường.

Nông nghiệp bền vững đề cao tính tuần hoàn trong một khu vực canh tác, hạn chế sử dụng những yếu tố đầu vào từ bên ngoài, quản lý việc sử dụng những yếu tố tự nhiên, sẵn có và có tính bổ trợ lẫn nhau, từ đó khôi phục, duy trì và thúc đẩy tính hài hòa của thiên nhiên.

HOÀNG YÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201911/lac-duong-xay-dung-canh-quan-nong-lam-ket-hop-2972379/