Lãi suất diễn biến ra sao thời gian tới?

Gần đây, lãi suất huy động tiết kiệm có xu hướng tăng trở lại khiến doanh nghiệp và người dân lo ngại về khả năng tăng lãi suất cho vay. Vậy diễn biến của lãi suất sẽ ra sao từ nay đến cuối năm và đâu là những tác động của lãi suất đến nền kinh tế?

Nhu cầu thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang có xu hướng gia tăng. Ảnh: Nhật Nam

Nhu cầu thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang có xu hướng gia tăng. Ảnh: Nhật Nam

Hai nguyên nhân khiến lãi suất tiết kiệm tăng

Từ đầu tháng 4 đến nay, 16 ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động VND. Trong tuần đầu tiên của tháng 5, hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần như: Bắc Á, Bản Việt, Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Tiên Phong, Quốc tế Việt Nam hay Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên Dầu khí toàn cầu điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,1 đến 0,5%. Trong số này, Sacombank tăng lãi suất tất cả các kỳ hạn 3, 6, 12 và 24 tháng. Trong đó, kỳ hạn 3 tháng tăng từ 2,7% lên 3,2%; kỳ hạn 6 tháng tăng từ 3,7% lên 4%; kỳ hạn 12 tháng tăng từ 4,7% lên 4,9%; kỳ hạn 24 tháng tăng từ 5% lên 5,2%. Với mức tăng mạnh nhất lên đến 0,9% cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên Xây dựng Việt Nam (CB Bank) đang dẫn đầu nhóm ngân hàng tăng lãi suất.

Theo lý giải của các ngân hàng, nguyên nhân là cầu tín dụng dự báo tăng trong thời gian tới nên các ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm để hút nguồn vốn nhàn rỗi. Thực tế, 4 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng rất thấp. Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 4 và đầu tháng 5, các ngân hàng cho vay nhiều hơn.

Còn theo nhận định của các chuyên gia, có hai nguyên nhân khiến lãi suất tiết kiệm tăng trong những ngày gần đây. Đó là, lãi suất tiết kiệm xuống mức quá thấp, trong khi các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán hấp dẫn hơn. Vì vậy, để giữ chân khách hàng, các ngân hàng buộc phải nâng lãi suất. Thứ hai, tại một số ngân hàng, hoạt động tín dụng đã được khơi thông trở lại.

Theo đại diện của Ngân hàng UOB Việt Nam, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp kỷ lục và có thể đã chạm đáy. Hoạt động kinh tế có sự cải thiện trong quý I-2024, đặc biệt phải kể đến sự phục hồi trong hoạt động ngoại thương. Dựa trên các thông tin được công bố chính thức, doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể tự tin hơn trong tiếp cận tín dụng, mở rộng sản xuất và tiêu dùng.

Trưởng khối cho vay bán lẻ, Ngân hàng Shinhan Việt Nam Trịnh Bằng Vũ đưa ra nhận định, lãi suất tiền gửi bắt đầu được điều chỉnh tăng nhẹ trở lại ở một số ngân hàng thương mại, do thanh khoản của hệ thống bắt đầu có tín hiệu cạn.

Diễn biến tại thị trường liên ngân hàng thời gian qua cũng cho thấy, nhu cầu thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang có xu hướng gia tăng. Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng đã lên mức 4,6%/năm. Đây là mặt bằng suất cao hơn rất nhiều so với thời điểm đáy hồi cuối tháng 3-2024 khi có lúc lãi suất qua đêm chỉ còn 0,13%/năm. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm tiền qua thị trường mở và có những phiên khối lượng bơm tiền khá lớn, như ngày 23-4 là 36 nghìn tỷ đồng; ngày 24 và 25-4, mỗi phiên 25 nghìn tỷ đồng...

Lãi suất tiết kiệm có xu hướng tăng trở lại trong thời gian tới. Ảnh: Nhật Nam

Lãi suất tiết kiệm có xu hướng tăng trở lại trong thời gian tới. Ảnh: Nhật Nam

Đà tăng không đáng ngại?

Vậy lãi suất huy động tăng có khiến lãi suất cho vay tăng ngay thời điểm này? Theo các chuyên gia, độ trễ từ huy động vốn đến việc đẩy ra nền kinh tế khoảng 2-3 tháng. Dự báo, lãi suất huy động có thể sẽ tăng nhẹ trong các tháng tới, nhưng đây chỉ có thể là đợt “điều chỉnh lãi suất giữa chu kỳ giảm lãi suất” để giảm bớt áp lực tỷ giá.

Theo Trưởng khối cho vay bán lẻ, Ngân hàng Shinhan Việt Nam Trịnh Bằng Vũ, bằng việc cung cấp thanh khoản cho hệ thống qua các phiên giao dịch gần đây, Ngân hàng Nhà nước có thể vẫn muốn duy trì mặt bằng lãi suất huy động của toàn hệ thống ở mức như hiện tại, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cũng như duy trì hỗ trợ dòng vốn cho sản xuất, kinh doanh. Thời gian tới sẽ chưa có sự thay đổi đáng kể bởi với việc điều chỉnh giảm biên độ lợi nhuận trên từng khoản vay, các ngân hàng thương mại sẽ giữ cho tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng nhanh nhất có thể, nếu vẫn muốn đạt được chỉ tiêu lợi nhuận chung cuối năm. Do đó, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ được duy trì ở mức thấp như hiện tại, cho tới khi chỉ tiêu tăng trưởng đạt được như mong đợi.

Dự báo về diễn biến của lãi suất thời gian tới, nhiều đại diện ngân hàng cũng cho rằng, tín dụng trong nước thường có xu hướng tăng rất chậm trong quý I và chỉ bắt đầu hồi phục vào quý II. Trên cơ sở đó, lãi suất tiết kiệm có thể tăng 0,5-1%/ năm với các kỳ hạn khác nhau từ nửa sau năm 2024.

Mặc dù vậy, việc các ngân hàng gia tăng nhu cầu vốn cũng là quy luật hợp lý bởi 3 tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng rất chậm (đặc biệt tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm), khiến vốn huy động dư thừa trong giai đoạn này. Tuy nhiên, nhu cầu tăng tốc cho vay trong thời gian tới là rất lớn, bởi mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 15%, trong khi theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng là 1,34% so với cuối năm 2023. Như vậy, nhu cầu vốn để các ngân hàng bơm vào nền kinh tế trong phần còn lại của năm 2024 là khá lớn, tương ứng với mức tăng trưởng 13,66%.

Diễn biến lãi suất huy động thời gian qua tuy có xu hướng tăng, nhưng trên cơ sở nền lãi suất rất thấp thời kỳ đầu năm 2024, nên mặt bằng lãi suất huy động sau khi tăng cũng chỉ ở mức phổ biến khoảng 4%/năm với kỳ hạn 6 tháng và chỉ quanh mốc 5%/năm với kỳ hạn 12 tháng.

Mặt bằng này vẫn thấp hơn so với mặt bằng lãi suất huy động giai đoạn quý III-2023. Nếu thị trường không xuất hiện thêm các yếu tố bất thường thì cũng chưa đủ gây áp lực buộc Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh tăng lãi suất điều hành, nên dự báo về đà tăng của lãi suất thời gian tới không đáng ngại.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu:
Dự báo lãi suất huy động sẽ tăng tối đa 1%/năm

Dự báo trong nửa năm sau của năm 2024, hoạt động tín dụng có thể sẽ tăng trưởng rầm rộ hơn. Vì vậy, ngân hàng cần có sự chuẩn bị về vốn để cho vay trong nửa cuối năm là nguyên nhân chính đẩy lãi suất huy động tăng. Về những yếu tố từ bên ngoài, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể giảm lãi suất trong những tháng cuối năm 2024 sẽ tác động đến mặt bằng lãi suất của Việt Nam.

Nếu Việt Nam giữ chênh lệch quá lớn giữa lãi suất của tiền VND và USD, tỷ giá sẽ chịu áp lực rất lớn. Nếu lãi suất tiền VND quá thấp, tỷ giá có thể tăng. Trong trường hợp nếu FED hạ lãi suất, áp lực tỷ giá sẽ giảm đi. Chênh lệch lãi suất giữa USD và tiền đồng giảm đi, áp lực phải tăng lãi suất trong nước cũng sẽ giảm.

Áp lực nâng lãi suất với các ngân hàng Việt Nam trong nửa sau của năm 2024 sẽ giảm đi so với nửa năm đầu. Với khoảng thời gian còn lại của năm 2024, dự báo lãi suất huy động sẽ tăng tối đa 1%/năm tùy kỳ hạn.

Giám đốc khối đầu tư Công ty cổ phần Quản lý quỹ Dragon Capital Lê Anh Tuấn:
Chính sách tiền tệ không nới lỏng quá mạnh

Áp lực tỷ giá có thể khiến Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất tiền gửi thêm 0,5-1,5%/năm trong 3-6 tháng tới. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ vẫn nới lỏng, còn lãi suất chỉ thay đổi từ mức “cực kỳ thấp” hiện nay và duy trì ở mức “thấp”.

Trong quý II-2024, tỷ giá tăng nóng khiến Ngân hàng Nhà nước có nhiều động thái đối phó, thậm chí có thể cân nhắc nâng nhẹ lãi suất huy động.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ giá VND/USD tăng 5%. Chính vì áp lực tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước phải phát hành tín phiếu, gửi tín hiệu đến thị trường rằng chính sách tiền tệ không nới lỏng quá mạnh và sẽ thu hẹp lại. Sau khi phát hành 172.000 tỷ đồng tín phiếu, lãi suất OMO (lãi suất trong giao dịch bơm vốn đến các thành viên trên thị trường mở) tăng từ 1%/năm lên khoảng 4%/năm và dự báo, mức lãi suất liên ngân hàng này sẽ duy trì trong một thời gian nữa, cho đến khi nào lạm phát của Mỹ có tín hiệu giảm mạnh.

Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam Đinh Đức Quang:
Mặt bằng lãi suất tiết kiệm chạm đáy

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp kỷ lục và có thể đã chạm đáy trong tổng thể đánh giá mức lợi tức kênh đầu tư ít rủi ro nhất này so với lạm phát, tỷ giá và nhu cầu vốn trong nền kinh tế.

Mặc dù hoạt động kinh tế đã có sự cải thiện trong quý I-2024, song các yếu tố khác như sản xuất công nghiệp, tiêu dùng nội địa, bán lẻ, đơn hàng mới... vẫn cần thêm số liệu rõ ràng trong thời gian tới, để khẳng định xu hướng tăng trưởng vững chắc, từ đó hỗ trợ sự tự tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư mạnh dạn tiếp cận tín dụng, mở rộng sản xuất, tiêu dùng. Nhìn vào các dữ liệu dài hơn trước dịch Covid-19 cho thấy, tín dụng trong nước vẫn thường có xu hướng tăng rất chậm trong quý đầu năm, và chỉ bắt đầu hồi phục vào quý II, sau đó tăng dần trong các quý còn lại của năm. Vì thế, lãi suất tiết kiệm có thể tăng 0,5-1%/năm trên các kỳ hạn khác nhau từ nửa sau năm 2024.

Thanh Nga ghi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/lai-suat-dien-bien-ra-sao-thoi-gian-toi-666107.html