Lại vướng khó chuyện đấu thầu rác sinh hoạt

Hiện nay, nhiều huyện, thành phố tại Đồng Nai đang lo lắng việc đấu thầu, thu gom, xử lý rác sinh hoạt (RSH) cho năm 2024. Bởi lượng rác phát sinh ngày càng lớn, hơn 2 ngàn tấn/ngày nhưng chủ yếu được thu gom đưa về Khu xử lý chất thải xã Quang Trung (H.Thống Nhất) để xử lý. Thời gian qua, Khu xử lý chất thải ở xã Quang Trung nhiều lần thông báo dừng tiếp nhận RSH vì đã quá tải. Trong thời gian đợi đấu thầu xử lý RSH cho năm nay, các địa phương buộc phải 'cầu cứu' tỉnh yêu cầu Khu xử lý chất thải xã Quang Trung tiếp tục nhận xử lý để tránh tình trạng rác ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan.

Năm 2023, nhiều huyện đưa ra đấu thầu xử lý RSH nhưng không tìm được đơn vị tham gia. Các địa phương lo lắng thực trạng này có thể lặp lại trong năm nay. Nguyên nhân là do một số đơn vị xử lý chất thải cho rằng, đơn giá xử lý thấp, nếu trúng thầu sản xuất kinh doanh không lợi nhuận nên đã không tham gia. Còn một số đơn vị muốn tham gia đấu thầu xử lý RSH lại không đủ điều kiện. Vấn đề này đã xảy ra mấy năm liền nhưng vẫn chưa có giải pháp giải quyết triệt để.

Mới đây, tỉnh đã tăng giá tiền thu gom, xử lý RSH với các hộ gia đình, cá nhân, tập thể nhằm thực hiện thu gom xử lý rác tốt hơn. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp (DN), các chính sách trong đấu thầu xử lý RSH còn nhiều bất cập. Cụ thể là thủ tục rườm rà kéo dài, mỗi năm đều phải tiến hành đấu thầu một lần. Do đó, nhiều DN không dám mạnh dạn bỏ vốn đầu tư dây chuyền, công nghệ hiện đại trong xử lý RSH. Vì nếu như năm sau, tham gia đấu thầu xử lý RSH không trúng thì cả nhà máy sẽ không có rác để hoạt động. Nhiều DN, địa phương mong muốn, việc đấu thầu xử lý RSH nên thực hiện 3-4 năm/lần. Như vậy DN yên tâm có nguồn nguyên liệu ổn định để đầu tư công nghệ và hoạt động.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh, muốn tháo gỡ khó khăn trong xử lý RSH thì các địa phương phải phối hợp với sở, ngành, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án đốt rác phát điện; đồng thời, rà soát lại các dự án xử lý chất thải đã có chủ trương đầu tư buộc triển khai theo đúng lộ trình và đưa vào hoạt động.

Đồng Nai quy hoạch 9 khu xử lý chất thải với 17 dự án với nhiều nhà đầu tư. Mỗi dự án khi cấp phép đều có lộ trình thực hiện và thời gian hoàn thành xây dựng đưa vào hoạt động để xử lý rác cho tỉnh, song có nhiều dự án chậm so với kế hoạch đề ra. Một số ý kiến cho rằng, sau khi rà soát những dự án xử lý chất thải nếu DN nào cố tình kéo dài, không đủ năng lực thực hiện dự án, tỉnh nên thu hồi và chọn những DN có năng lực, kinh nghiệm thực hiện tiếp.

Khánh Minh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/moi-truong/202401/lai-vuong-kho-chuyen-dau-thau-rac-sinh-hoat-10c4430/