Làm báo ở một nơi đặc biệt
Ở nhà tù Côn Đảo cũng như nhà tù Sơn La, Hỏa Lò và nhiều nhà tù khác do thực dân, đế quốc lập ra trên dải đất hình chữ S, báo chí ra đời rất sớm, khẳng định là một mảnh ghép đặc biệt trong lịch sử 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam. Được mệnh danh là 'địa ngục của trần gian', nơi tận cùng của khổ đau, nơi mà quyền tự do của con người bị tước đoạt, nhưng chính nơi ấy khí tiết người tù cộng sản vẫn ngời sáng, báo chí đã ra đời và xuất bản, làm tròn sứ mệnh là tiếng nói của tổ chức đảng, diễn đàn tin cậy của tù nhân chính trị, góp phần quan trọng trên mặt trận tư tưởng, gìn giữ lực lượng cho cách mạng.
Bài 1:
BÁO CHÍ CÁCH MẠNG Ở MỘT NƠI CÁCH MẠNG
Nhà tù Côn Đảo do thực dân Pháp xây dựng, trải qua 113 năm tồn tại, hơn 20.000 người tù đã phải nằm lại mảnh đất thiêng này do ách cai trị hà khắc của thực dân, đế quốc. Nơi ngục tù Côn Đảo, phong trào đấu tranh chưa bao giờ ngơi nghỉ. Trong mọi hoàn cảnh, dưới mọi hình thức, bằng mọi phương thức, những người tù yêu nước tay không tấc sắt đã sáng tạo nên nhiều thứ “vũ khí” đấu tranh khiến bọn cai tù phải nể phục, hệ thống thực dân, đế quốc phải dè chừng, tìm cách đàn áp. Báo chí ra đời và hoạt động nơi địa ngục trần gian Côn Đảo như một trong những thứ vũ khí đấu tranh cách mạng lợi hại ấy.
Ra đời sớm, phát triển mạnh
Nền báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, xây dựng và phát triển từ năm 1925, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc giải phóng dân tộc, bảo vệ và phát triển đất nước. Ở nhà tù Côn Đảo, tờ báo đầu tiên ra đời năm 1931, trước 1 năm ra đời của chi bộ đảng. Đó là tờ “Hòn Cau tuần báo” và tờ “Tiếng sóng bể” (năm 1931) do đồng chí Trần Huy Liệu làm chủ bút. Đồng chí Trần Huy Liệu từng là một nhà báo có tên tuổi, bị đày ra Hòn Cau cùng các đồng chí Phạm Văn Đồng, Nguyễn Phương Thảo (Nguyễn Bình). Hai tờ báo này ra đời được vài số thì đồng chí Trần Huy Liệu và Nguyễn Phương Thảo vượt ngục không thành, bị bắt lại và đưa về Banh II.


Dưới chế độ cai trị hà khắc, quản lý gắt gao của thực dân, đế quốc, tại nhà tù Côn Ðảo, các nhà lãnh đạo cách mạng, những người Việt Nam yêu nước vẫn “xuất bản” được các tờ báo như một thứ vũ khí đấu tranh đặc biệt trên mặt trận tư tưởng, văn hóa
Banh II khi đó ra tờ “Người tù đỏ”, do đồng chí Nguyễn Văn Cừ và Hà Huy Giáp phụ trách, xuất bản ở Khám 5. Tờ Người tù đỏ khổ 9×13cm, phổ cập tin tức và giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin dưới dạng những câu hỏi và trả lời. Báo Người tù đỏ phù hợp với trình độ của nhiều người nên nhận được khá nhiều bài viết gửi về và phát hành đều đặn hằng tuần. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là chủ bút và là cây bút chính. Không chỉ vậy, ông còn là cây bút lý luận sắc sảo, thường xuyên viết bài cho tờ “Ý kiến chung” ở Khám 3, do đồng chí Phạm Văn Đồng và Bùi Công Trừng phụ trách. Tờ “Ý kiến chung” khổ 13×19cm, phát hành hằng tháng dưới dạng tạp chí lý luận, mỗi số đều có phần tin tức, bình luận xã hội và nghiên cứu lý luận. Năm 1935, tờ “Ý kiến chung” được chuyển về Banh I do đồng chí Tôn Đức Thắng chỉ đạo; Ban Biên tập có đồng chí Trần Văn Giàu, Hà Thế Hạnh, Nguyễn Văn Hoan.
Theo chia sẻ của các cựu tù Côn Đảo, lúc bấy giờ số người tù chết hằng năm chiếm khoảng 10-15%. Vấn đề đặt ra đối với những người tù cộng sản lúc này là chịu chết dần chết mòn ở hòn đảo giữa biển khơi hoặc đứng lên đấu tranh chống lại chế độ cai trị hà khắc, tàn bạo của bọn thực dân, đế quốc để giành lại quyền sống, quyền tồn tại. Muốn đấu tranh chống lại hiện thực đen tối, tàn ác ấy mọi người xác định phải đoàn kết, thống nhất lực lượng, có tổ chức làm hạt nhân lãnh đạo. Sau nhiều cuộc tranh luận, trao đổi, đầu năm 1932, chi bộ cộng sản đầu tiên của nhà tù Côn Đảo ra đời, để thống nhất sự lãnh đạo, đề ra những biện pháp đấu tranh hiệu quả, quy tụ những người tù có chí hướng tiến bộ… Cũng từ đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng, nhiều tờ báo, tập san đã ra đời ở nhà tù Côn Đảo.
Ngoài tờ “Côn Đảo mới” (1948) - tiếng nói của Liên đoàn tù nhân, còn có tờ “Đời sống mới” của Ban Tuyên huấn Liên đoàn tù nhân cổ động phong trào “Đời sống mới” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Tù nhân kháng chiến ở nhiều khám cũng ra các tờ báo như: “Bạn tù” ở khám tử hình, “Đoàn kết” ở Sở Rẫy An Hải, “Tiến lên” ở kíp Lò Vôi, “Thắng lợi” ở Sở Củi, “Tiền phong” ở sở Chỉ Tồn. Sở Bản Chế có tờ “Lao động” và tập san “Công nhân”. Khám 3 giam tù thường phạm có tờ “Cởi áo giang hồ”, lý giải quá khứ giang hồ bắt nguồn từ nghèo đói, bất công trong xã hội thực dân, phong kiến; khơi dậy đức tính đáng quý của giới giang hồ là trọng nhân nghĩa, thủy chung, khao khát một xã hội công bằng, bác ái…
Hội Văn nghệ được Liên đoàn tù nhân giao nhiệm vụ tập hợp anh em văn nghệ sĩ trong tù, trao đổi kinh nghiệm và khuyến khích sáng tác. Tờ Văn nghệ đã đăng hàng chục bản nhạc, hàng trăm bài thơ, sau được chọn đăng thành tuyển tập nhạc, tuyển tập thơ, in ấn, phát hành ngay trong nhà tù, với những bút danh thân thuộc của tù nhân kháng chiến như: Song Việt, Văn Quý, Tô Lịch, Đồng Mạ, Lê Đình, Sóng Hồng, Nghĩa Sống, Văn Lân, Kim Diệu Lý, Nguyễn Sáng...
Đây là thời kỳ báo chí hoạt động sôi nổi nhất ở nhà tù Côn Đảo, thiết thực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chỉ thị của Liên đoàn tù nhân, rèn luyện bản lĩnh người tù kháng chiến, góp phần vào thắng lợi trong các hoạt động và tranh đấu của tù nhân kháng chiến.
Thời Mỹ - ngụy (1955-1975), địch thực hiện tố cộng trong tù, triệt hạ khí tiết tù chính trị, việc ra báo vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Tờ báo đầu tiên là tờ Sinh hoạt, ra đời tại phòng 8, Trại 6B ngày 20-11-1972. Tiếp đó, phòng 7 ra tờ Rèn luyện. Các phòng khác chưa có điều kiện thì ra “báo kẹp”, khoảng 5-7 trang viết rời rồi kẹp lại với những cái tên tự chọn như: Niềm tin, Đoàn kết, Tiến lên, Phấn đấu, Quyết tâm... “Công nghệ làm báo” thời ấy vẫn theo truyền thống: thủ công và bí mật.

Tờ “Sinh Hoạt” xuân 1973 ra đời ở nhà tù Côn Đảo đang được trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng Côn Đảo, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Cựu tù chính trị Côn Đảo Võ Văn Giáo ở TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kể: Cuộc sống trong tù vô cùng khắc nghiệt, nhưng những người tù cộng sản vẫn không ngừng đấu tranh để duy trì mạng sống và học tập nhằm nâng cao trình độ hiểu biết về cách mạng. Chính vì vậy, những người tù cộng sản thường tranh thủ học tập, học hỏi lẫn nhau dưới nhiều hình thức như theo nhóm nhỏ, qua truyền miệng, thảo luận theo tổ, phòng… Tuy nhiên, kẻ địch không bao giờ cho người tù ở lâu tại một nơi mà luôn xáo trộn nhằm chia cắt đường dây liên lạc hoặc hình thành tổ chức. Vì vậy, để tránh tuyên truyền miệng qua nhiều người không còn giữ nguyên được hết ý nghĩa ban đầu, yêu cầu đặt ra là phải giữ lại phần nguyên bản bằng chữ viết để tránh sự thiếu sót, sai lệch trong truyền đạt. Và những tờ báo đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo đã ra đời từ đó…
Giai đoạn từ năm 1972 đến cuối năm 1973, ở Trại 6 khu B, nhà tù Côn Đảo có gần 50 số báo ra đời. Ngoài tờ “Sinh hoạt”, “Xây dựng”, còn có các tờ báo khác như “Vươn lên” của đoàn thanh niên Nguyễn Văn Trỗi; tờ “Rèn luyện”, “Đoàn kết”, “Niềm tin”, “Tiến lên”… Đáng chú ý nhất là tờ “Xây dựng”, không chỉ có số báo phát hành nhiều nhất (10 số) mà còn là tập san của toàn trại, nơi tập hợp nhiều cây bút có uy tín, bài vở được chọn lọc kỹ, đặc biệt rất phong phú về đề tài, nội dung.

Tờ báo “Xây dựng” ra đời ở địa ngục trần gian Côn Đảo đang được trưng bày, gìn giữ ở Bảo tàng Côn Đảo, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Báo chí xuất bản trong các nhà tù giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám 1945 giữ vai trò đặc biệt quan trọng và góp phần tạo nên bản sắc riêng của báo chí cách mạng. Giữa “địa ngục trần gian”, kề cận cái chết, lý tưởng cách mạng vẫn tỏa sáng trên từng trang báo do các tù nhân cộng sản kiên trung trực tiếp chỉ đạo, tổ chức, biên tập, in ấn, phát hành. Ðây chính là phương tiện kết nối lực lượng, tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, là tài liệu học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn trong cuộc tranh đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc”.
Lời giới thiệu trưng bày của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam
Ða dạng hình thức và loại hình
Không chỉ ra đời sớm, phát triển mạnh, lúc bấy giờ các tờ báo ra đời ở nhà tù Côn Đảo, Sơn La, Hỏa Lò, nhà lao Vinh, nhà lao Thừa Phủ… hầu hết chủ bút đều là những lãnh tụ, người dẫn dắt phong trào cách mạng bị địch bắt tù đày. Họ là những nhà cách mạng uy tín, tài năng, uyên thâm lý luận, có học vấn cao, mẫu mực về đạo đức cách mạng, đã khéo léo sử dụng báo chí làm công cụ đấu tranh. Họ đã rất sáng tạo để có cách làm báo thật đặc biệt.
Tại nhà tù Hỏa Lò, từ năm 1932 chi bộ nhà tù đã ra đời các tờ báo như “Con đường chính”, “Đuốc Việt Nam”, “Lao tù”… do các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Trịnh Đình Cửu chấp bút và chỉ đạo. Chi bộ nhà tù Sơn La có tờ Suối Reo, ra đời ngay sau khi chi bộ thành lập (tháng 12-1939), do đồng chí Trần Huy Liệu làm chủ bút; sau đó là các đồng chí Xuân Thủy (Nguyễn Trọng Nhâm) và Đào Đình Luống (tức Nguyễn Hữu Quý) phụ trách. Báo Suối Reo ra số đầu tiên tháng 5-1942, số cuối cùng vào tháng 3-1945. Báo ra mỗi tháng 2 kỳ, mỗi kỳ 2 số, viết bằng mực tím, với đủ các loại giấy do tù nhân gom được. Năm 1943, Chi bộ nhà tù Sơn La còn ra một tờ báo bí mật lấy tên là “Bình Minh trên sông Đà”. Báo viết tay, chép thành 3, 4 bản, lưu hành nội bộ.
Nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản chia sẻ: Nhà tù Sơn La là nơi nổi tiếng nhất của thực dân Pháp về độ tàn bạo của nó, nơi giam cầm nhiều đồng chí hoạt động cách mạng của chúng ta, trong đó có đồng chí Trường Chinh, sau này là Tổng Bí thư và hàng loạt cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước ta. Nơi đó đã ra đời tờ Suối Reo. Người cách mạng ở bất kỳ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào, dù án tù hay chung thân, tử hình hay khổ sai đều khát vọng về một Việt Nam độc lập, nhân dân tự do, cho nên ngay trong nhà tù, các đồng chí, đồng bào ta vẫn tìm cách xây dựng, phát triển các tờ báo và điều kỳ lạ là tất cả các bậc chí sĩ của chúng ta thường bắt đầu con đường cách mạng từ báo chí. Các nhà sáng lập chủ nghĩa cộng sản như Mác - Ăngghen lập tờ Sông Ranh, tờ báo đầu tiên để công bố các tác phẩm của mình, rồi Lênin lập tờ Tia Lửa năm 1905, Chủ tịch Hồ Chí Minh lập tờ Thanh Niên ngày 21-6-1925. Đó là điều lý thú trong lịch sử cách mạng, các lãnh tụ của chúng ta thường bắt đầu con đường cách mạng bằng báo chí. Báo chí lúc bấy giờ là công cụ để thực hiện ý chí cách mạng và ở tất cả những nước phát triển báo chí cũng đi tiên phong. Những năm 1930-1931, ngay trong nhà tù Côn Đảo đã có những tờ báo đầu tiên của người tù cộng sản. Dường như nhà tù nào cũng có các tờ báo. Tờ báo viết tay, báo lớn, nhỏ, thậm chí báo tường…

Nhà báo Minh Nhâm, Minh Luận tham quan, tìm hiểu về lịch sử báo chí ở nhà tù Côn Ðảo - Ảnh: Nguyễn Ngân
Một cách làm báo đặc biệt nữa, không phải báo viết mà là báo nói, là phát thanh (phát thanh thông báo), cũng đã ra đời ở nhà tù Côn Đảo và hoạt động rất hiệu quả.
Theo lời kể của các cựu tù Côn Đảo ở Bà Rịa - Vũng Tàu, thông tin sau khi được đăng phát trên báo, anh em tù nhân tranh thủ những ngày nổi dậy đấu tranh hoặc vào thời điểm đêm khuya thì tuyên truyền qua loa. Họ lấy giấy, báo cuộn tròn lại như những chiếc loa rồi chìa vào những chỗ trống của phòng giam để nói vọng ra bên ngoài. Tù nhân tranh thủ hình thức phát thanh thông báo để đấu tranh trường kỳ, nói lên nguyện vọng của mình rộng rãi, tranh thủ hàng ngũ địch để thêm bạn bớt thù, làm giảm khó khăn cho tù nhân, giác ngộ họ trở về với nhân dân. Người làm phát thanh thông báo là những người có tiếng nói to nhất, rõ nhất, giàu nghị lực và can đảm. Có người dùng giấy, bìa cứng, có người dùng 2 tay đưa ra trước miệng để làm loa hướng về mục tiêu thông báo. Địch thường phá hoại bằng cách gây ồn ào, xúi giục bọn trật tự ném đá, dùng cây đâm, có nơi dùng nước sôi tạt vào phòng… Qua phát thanh thông báo, những người tù cộng sản đã cực lực phản đối chủ trương của nhà cầm quyền Sài Gòn cố tình sát hại tù nhân, thiết tha kêu gọi những người vì lòng nhân đạo, công bằng, bác ái sớm can thiệp với nhà cầm quyền Sài Gòn giải quyết những yêu cầu cấp bách, chính đáng của tù nhân...
Chương trình phát thanh ở các nhà lao lúc bấy giờ thường ngắn gọn, có đọc tin, điểm báo, phổ biến chủ trương, chỉ thị của các tổ chức đảng, liên đoàn tù nhân. “Đây là đài phát thanh khu… Tiếng nói của tù nhân khu…”. Cứ như thế, những tù nhân chính trị đã khám phá ra sức mạnh của hoạt động thông tấn và vận dụng trong cuộc tranh đấu không ngừng nghỉ của mình. Cùng với báo viết, báo tường, báo kẹp, báo nói đã góp phần tạo nên diện mạo hết sức phong phú cho báo chí ở nhà tù Côn Đảo nói riêng và báo chí cách mạng Việt Nam nói chung.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/636/172346/lam-bao-o-mot-noi-dac-biet