Lâm Đồng: Bảo tồn đa dạng sinh học cần có những định hướng cụ thể nào?

Đến năm 2030, Lâm Đồng sẽ định hướng, đề ra mục tiêu, giải pháp, cơ chế, chính sách bảo tồn các loài và nguồn gen nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh.

Lâm Đồng là một tỉnh có nguồn tài nguyên sinh học đa dạng, phong phú. Diện tích rừng của tỉnh chiếm đến trên 60% diện tích đất tự nhiên. Bên cạnh đó, với lợi thế về địa hình có độ cao khoảng 1.500 mét so với mực nước biển cùng với điều kiện khí hậu thuận lợi đã tạo nên hệ sinh thái rừng của tỉnh Lâm Đồng có nhiều kiểu thảm thực vật khác nhau.

Tiến sĩ Lee Hyun Suk xây dựng Bảo tàng côn trùng để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học. (Ảnh: CTV)

Tiến sĩ Lee Hyun Suk xây dựng Bảo tàng côn trùng để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học. (Ảnh: CTV)

Theo chương trình bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Lâm Đồng (giai đoạn 2008 – 2020), đã xác định có trên 3.490 loài thực vật rừng, 393 loài nấm lớn, 86 loài thú, 301 loài chim, 102 loài bò sát, lưỡng cư, 686 loài côn trùng và 111 loài cá. Tuy nhiên, trong số các loài thực, động vật rừng có 220 loại bị đe dọa cấp quốc gia trong sách đỏ Việt Nam; 98 loài bị đe dọa toàn cầu trong danh mục đỏ của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và 115 loài được bảo vệ theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Chính vì vậy, việc bảo tồn đa dạng sinh học ở tỉnh Lâm Đồng luôn được UBND tỉnh quan tâm.

Tỉnh Lâm Đồng luôn chú trọng công tác bảo tồn đa dạng sinh học. (Ảnh: CTV)

Tỉnh Lâm Đồng luôn chú trọng công tác bảo tồn đa dạng sinh học. (Ảnh: CTV)

Từ năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, sẽ nghiên cứu, đề xuất định hướng, mục tiêu, giải pháp, cơ chế, chính sách bảo tồn, phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh.

Bảo tàng sinh học cũng là nơi để giảng dạy là “phòng thí nghiệm” tự nhiên tốt nhất học sinh, sinh viên tham quan, nghiên cứu. (Ảnh: CTV)

Bảo tàng sinh học cũng là nơi để giảng dạy là “phòng thí nghiệm” tự nhiên tốt nhất học sinh, sinh viên tham quan, nghiên cứu. (Ảnh: CTV)

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có một số trung tâm như: Trung tâm giống và vật tư nông nghiệp Lâm Đồng, Trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ Lâm Đồng; Trung tâm nghiên cứu khoai tây, rau và hoa; Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng… và các viện như: Viện nghiên cứu khoa học Tây Nguyên, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên… đang bảo tồn và lưu giữ 781 nguồn gen rau, hoa, cây ăn quả, 74 nguồn gen nấm dược liệu, 81 nguồn gén giống dâu, 47 nguồn gen giống tằm, 74 nguồn gen chè, 100 nguồn gen cây rừng các loại.

Tuy nhiên, phải kể đến Bảo tàng côn trùng của Tiến sĩ Lee Hyun Suk, thầy giáo người Hàn Quốc tại Trường Đại học Đà Lạt. Đến với Việt Nam khi ông 43 tuổi và trải qua một thời gian tìm hiểu các vùng miền Việt Nam lúc dừng chân tại vùng đất Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, ông đã nhận thấy nơi đây là một tiềm năng về tính đa dạng côn trùng cao, nhưng cũng chưa có ai nghiên cứu. Vì vậy, ông đã bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu về tính đa dạng côn trùng và chọn Trường Đại học Đà Lạt là nơi thực hiện đam mê của mình.

Hơn 6 năm qua, Tiến sĩ Lee luôn giữ trong mình một ngọn lửa nhiệt huyết với công việc. Ông đã vào các khu rừng Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng), Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình), Ninh Thuận, Khánh Hòa, Quảng Nam… để tìm và sưu tầm mẫu mang về xử lý mẫu vật và làm tiêu bản trưng bày, bảo quản, từ đó phát hiện ra 185 mẫu là côn trùng mới phát hiện ở Việt Nam và 15 mẫu là côn trùng mới trên thế giới.

Tiến sĩ Lee chia sẻ, việc xây dựng Bảo tàng côn trùng là phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học. Những mẫu côn trùng hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng đã chứng minh về sự đa dạng sinh học không chỉ của tỉnh Lâm Đồng nói riêng mà của Việt Nam nói chung (bảo tàng đang lưu giữ tiêu bản của hơn 2.000 loài côn trùng gồm nhiệu bộ như: Cánh phấn, cánh cứng, chuồn chuồn, ve sầu, cánh thẳng, bọ ngựa, bọ que…; các mẫu vật trưng bày tại bảo tàng đã được xử lý và bảo quản rất tốt. Ngoài ra, hàng năm thầy Lee đã sưu tầm và thu thập thêm được từ 3.000 đến 5.000 mẫu mới để bổ sung vào bảo tàng).

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đánh giá cao Bảo tàng côn trùng của Tiến sỹ Lee; đồng thời cũng nhấn mạnh, đây là bảo tàng côn trùng rất ý nghĩa cần được duy trì, phát triển, nhân rộng để phục vụ công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Hơn thế nữa, bảo tàng cũng là nơi để giảng dạy là “phòng thí nghiệm” tự nhiên tốt nhất để sinh viên khoa sinh học làm thực tập các chuyên đề, luận văn về côn trùng như cách thu mẫu, bảo quản mẫu, định danh mẫu… và sinh viên các nơi đến thăm quan nghiên cứu. Đặc biệt, thông qua bảo tàng côn trùng có thể giáo dục lòng yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường và tuyên truyền nâng cao ý thức bảo tồn đa dạng sinh học cho thế hệ trẻ là nơi gắn kết tăng cường hợp tác quốc tế.

Lê Sơn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lam-dong-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-can-co-nhung-dinh-huong-cu-the-nao-327370.html