Lâm Đồng chấn chỉnh hoạt động quản lý du lịch sau tai nạn chết người
Chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng sau khi liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn liên quan đến dịch vụ du lịch tại địa phương khiến 5 du khách nước ngoài tử vong, một khách du lịch trong nước bị thương.
Ngày 1/11, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), UBND các huyện, thị trong tỉnh, về tăng cường công tác quản lý điểm đến du lịch trên địa bàn.
Công văn cho biết, triển khai văn bản số 4584/BVHTTDL-DLQGVN ngày 26/10 của Bộ VH,TT&DL về việc tăng cường công tác quản lý điểm đến, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở VH,TT&DL chủ trì, phối hợp với sở, ngành, địa phương liên quan tập thực hiện nghiêm, triệt để các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh trong thời gian qua về tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch (đặc biệt là Công điện số 9543/CĐ-UBND ngày 31/10, các văn bản số 9408/UBND-VX2 ngày 27/10, số 9380/UBND-VX2 ngày 26/10).
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các doanh nghiệp du lịch, ban quản lý các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về du lịch và pháp luật liên quan; chủ động kiểm tra, nâng cấp cơ sở vật chất, quy trình phục vụ, đảm bảo an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch; tuân thủ các quy định về phòng, chống cháy nổ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở kinh doanh du lịch; có biện pháp bảo vệ môi trường du lịch, thu gom, xử lý rác thải, chất thải đúng quy định; thực hiện nghiêm quy định về niêm yết giá công khai, bán đúng giá niêm yết.
Mặt khác, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không đảm bảo điều kiện kinh doanh du lịch, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ du lịch; các hành vi vi phạm pháp luật du lịch và pháp luật liên quan. Kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn, đặc biệt là các dịch vụ lữ hành, lưu trú, vận chuyển khách du lịch, hướng dẫn du lịch, ăn uống và dịch vụ du lịch khác tại các khu, điểm du lịch và các cơ sở vui chơi giải trí.
Ngoài ra, triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu, điểm du lịch. Tổ chức rà soát, chỉ dẫn, phân luồng giao thông, phòng chống tai nạn, ùn tắc, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận các khu, điểm du lịch. Kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý các hành vi gây mất an toàn cho khách du lịch nhất là vận chuyển khách du lịch bằng ô tô, phương tiện thủy nội địa, các dịch vụ du lịch mạo hiểm, cảm giác mạnh... Rà soát, cảnh báo, có phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch tại các khu, điểm du lịch đặc biệt trong mùa mưa bão.
Văn bản cũng lưu ý công tác xúc tiến quảng bá điểm đến, tổ chức các sự kiện thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, thúc đẩy liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa các địa phương và doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền ứng xử văn minh du lịch tại điểm đến. Đảm bảo các trung tâm hỗ trợ du khách, đường dây nóng hoạt động hiệu quả, kịp thời cung cấp thông tin và giải quyết khiếu nại của khách du lịch trên địa bàn.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; xây dựng, vận hành các hệ thống du lịch thông minh nhằm quản lý điểm đến du lịch hiệu quả, an toàn, văn minh, thân thiện.