Lâm Đồng đăng ký xóa gần 2.000 nhà tạm và nhà dột nát

Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã có công văn gửi Bộ Xây dựng về việc đăng ký nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh hai năm 2024 và 2025.

Lễ phát động phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Lễ phát động phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Theo đó, tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2024 và 2025 là 1.972 hộ. Cụ thể, năm 2024 là 1.006 hộ; trong đó, số hộ có nhu cầu xây dựng mới nhà ở là 840 hộ (407 hộ nghèo, 433 hộ cận nghèo) và số hộ có nhu cầu cải tạo nhà ở là 166 hộ (64 hộ nghèo, 102 hộ cận nghèo). Năm 2025, 966 hộ có nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát; trong đó, 740 hộ (323 hộ nghèo, 417 hộ cận nghèo) có nhu cầu xây dựng mới nhà ở và 226 hộ (101 hộ nghèo, 125 hộ cận nghèo) có nhu cầu cải tạo nhà ở. Đến đầu năm 2024, tỉnh Lâm Đồng còn 3.912 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,09%; 7.433 hộ cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 3,16%, tương ứng 11.345 hộ.

Gia Lai phấn đấu có thêm 171 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2025. Theo đó, tỉnh Gia Lai phấn đấu giai đoạn 2024-2025 có thêm 171 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới. Cụ thể, năm 2024 có 96 thôn, làng và năm 2025 có 75 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn.

Để đạt mục tiêu này, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra các giải pháp thực hiện cho từng nhóm tiêu chí; quy định mục tiêu đạt được của từng lĩnh vực như về quy hoạch, kinh tế và tổ chức sản xuất, lĩnh vực văn hóa-xã hội, khoa học-công nghệ...; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, huy động người dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đội chiêng nữ thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana luyện tập diễn tấu cồng chiêng để tham gia liên hoan.

Đội chiêng nữ thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana luyện tập diễn tấu cồng chiêng để tham gia liên hoan.

Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ 3-năm 2024

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ 3-năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 31/8-1/9 với chủ đề “Âm vang đại ngàn”. Đây là hoạt động hướng tới chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904-22/11/2024); là dịp để các nghệ nhân, diễn viên quần chúng trên địa bàn tỉnh gặp gỡ, giao lưu, học tập kinh nghiệm, tăng cường tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, cùng chung tay, góp sức trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, nhất là Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Liên hoan lần này diễn ra với chuỗi hoạt động đặc sắc như: Trình diễn các bài chiêng truyền thống trong các nghi lễ, lễ hội của các dân tộc Tây Nguyên; các loại nhạc cụ dân tộc độc tấu hoặc hòa tấu; dân ca, dân vũ, khuyến khích phần đệm sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc như: đing năm, đing tút, đàn T’rưng, đàn Goong...; trình diễn giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống có giá trị đặc sắc tiêu biểu gắn với Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Tuyên dương các tập thể, cá nhân tham gia xây dựng đường dây 500 kV mạch 3

Thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc tăng cường hỗ trợ thi công, xây dựng dự án đường dây 500 kV mạch 3, từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên), Công ty Điện lực Kon Tum đã cử hai đợt tăng cường với tổng số 31 lượt cán bộ, công nhân viên lên đường nhận nhiệm vụ lắp dựng cột tại vị trí 374, thuộc xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An và vị trí 177, xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao độ, đội xung kích Công ty Điện lực Kon Tum là một trong những đội thường xuyên có mặt trong tốp những đơn vị dẫn đầu về tiến độ thi công trên đại công trường đường dây 500 kV mạch 3.

Tại vị trí cột 374, do điều kiện địa hình phức tạp, toàn bộ 54 tấn thép đều được lắp dựng thủ công trong vòng 17 ngày. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, đội xung kích thường bắt đầu làm việc từ 5 giờ sáng; có những ngày, cả đội phải thắp đèn làm việc đến 20 giờ để lắp ráp, tổ hợp thanh cột chuẩn bị cho công việc ngày tiếp theo. Tại vị trí cột 177, đội xung kích Công ty Điện lực Kon Tum đã phối hợp cùng Công ty Dịch vụ điện lực Miền Trung và Công ty Điện lực Quảng Ngãi hoàn thành lắp dựng cột trong vòng 15 ngày.

Tại lễ gặp mặt và tuyên dương các tập thể, cá nhân tham gia hỗ trợ xây dựng đường dây 500 kV mạch 3, Công ty Điện lực Kon Tum đã khen thưởng tập thể đội xung kích và 24 cá nhân là thành viên đội xung kích cùng 11 tập thể có cán bộ, công nhân viên tham gia đội xung kích và khối hậu cần.

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/lam-dong-dang-ky-xoa-gan-2-000-nha-tam-va-nha-dot-nat-227325.html