Làm gì để nông sản Việt có được chuỗi giá trị bền vững hơn?
Làm thế nào để nông sản Việt có được chuỗi giá trị bền vững hơn nữa vẫn là 'bài toán' đang được đặt ra với nền nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, điều quan trọng là phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia chuỗi trước xu hướng 'xanh hóa', củng cố vai trò của các HTX trong hình thành vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu lớn, xác định lợi ích của chuỗi sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vai trò tiên phong của doanh nghiệp.
Theo cập nhật mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 8/2024 (1/8 - 15/8), kim ngạch xuất khẩu (XK) các mặt hàng nông lâm thủy sản của cả nước đạt 1,09 tỷ USD, tăng mạnh 40,6% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn từ lợi ích lâu dài cho ngành rau quả
Trong đó, riêng rau quả là mặt hàng có kim ngạch XK cao nhất trong nửa tháng 8 với 350 triệu USD, tăng tới 96% so với cùng kỳ năm trước. Theo ước tính trong tháng 8/2024 XK rau quả có thể sẽ đạt 700 triệu USD (tăng 51% so với cùng kỳ năm 2023).
Nếu tính chung 8 tháng đầu của năm 2024, XK rau quả có thể đạt 4,6 tỷ USD (tăng hơn 1 tỷ USD, tương đương tăng khoảng 29% so với cùng kỳ năm 2023). Như nhận định của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, với tình hình thuận lợi về mặt thị trường và giá cả như hiện tại thì kim ngạch XK rau quả trong năm nay có thể lập thêm đỉnh mới là đạt 7 tỷ USD (tăng 1,4 tỷ USD so với năm 2023).
Với thành quả của XK rau quả như hiện nay sẽ thấy vai trò cực kỳ quan trọng của chuỗi giá trị ngày càng bền vững hơn ở ngành hàng rau quả Việt. Trao đổi với VnBusiness, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng con số XK ngày càng tăng đang nói lên rằng chúng ta đã và đang đi vào hướng “xanh”. Tức là người nông dân, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp (DN) biết cách để sản xuất theo tiêu chuẩn xanh, đáp ứng được nhu cầu của thế giới.
Theo ông Nguyên, để ngành hàng rau quả Việt phát triển bền vững lâu dài thì phải mang lại lợi ích hài hòa cho các chủ thể tham gia (gồm nông dân, HTX, DN, nhà khoa học) trong chuỗi giá trị. Còn nếu như chỉ có một bên hưởng lợi, chắc chắn chuỗi đó sẽ “gãy”, sẽ gập ghềnh và không phát triển bền vững.
Chẳng hạn như trước đây có một số trường hợp nhà vườn, HTX trồng sầu riêng chạy theo lợi nhuận, thấy có thương lái, DN mới thu mua giá cao là lập tức bỏ cọc, phá vỡ hợp đồng với DN cũ của mình. Thế nhưng, như băn khoăn của ông Nguyên, chắc gì những DN mới sẽ thu mua lâu dài, chắc gì đã trung thành với nhà vườn và HTX?
“Có khi DN mới chỉ thu mua đợt đó rồi thôi, đợt tới lại thay đổi sang đơn vị khác, mua ở thị trường khác hoặc đổi sang lĩnh vực khác. Như vậy sẽ không bền vững, trong khi đó với những DN thu mua cũ (vốn dĩ đã đầu tư cho nhà vườn, HTX về chi phí ban đầu, xin mã số vùng trồng và những vấn đề hỗ trợ khác), một khi không mua được hàng, bị phá vỡ hợp đồng, rồi bị lỗ, phá sản, có thể dẫn tới đợt sau không làm nữa, cũng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà vườn, HTX”, vị tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chỉ rõ thực trạng.
Ngoài ra, ông Nguyên cũng nhấn mạnh HTX có một vai trò rất quan trọng trong thành quả XK rau quả như hiện nay. Từ những HTX phát triển mạnh sẽ hình thành vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu lớn đạt chất lượng và số lượng theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Hơn nữa, những nhà thu mua quốc tế cũng không bao giờ đi quan hệ làm ăn với vài nông dân nhỏ lẻ, thay vào đó, ít nhất trong mối liên kết lâu dài của họ là từ các HTX trở lên.
Cho nên, trên con đường hướng tới hiện thực hóa giấc mơ “cường quốc XK rau quả” cho Việt Nam thì HTX chính là hạt nhân, là tế bào rất quan trọng trong hoạt động XK. Vì vậy, việc củng cố vai trò hoạt động của các HTX trong chuỗi giá trị ngành hàng rau quả Việt là rất cần thiết.
Đến những vấn đề cần giải quyết nhanh
Bên cạnh việc tạo chuỗi giá trị vững chắc cho ngành rau quả nói riêng thì với ngành nông sản Việt nói chung, làm thế nào để có được chuỗi giá trị bền vững hơn nữa vẫn là “bài toán” đang được đặt ra với nền nông nghiệp của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Còn nhiều vấn đề cần giải quyết nhanh để ngành hàng nông sản Việt có được chuỗi giá trị bền vững hơn nữa.
Nhóm nghiên cứu Nguyễn Phú Son, Lê Thị Thanh Hiếu, Lê Bửu Minh Quân (thuộc trường Đại học Cần Thơ và trường Đại học Kỹ thuật-Công nghệ Cần Thơ) cho rằng đứng về khía cạnh kinh tế, một chuỗi giá trị nông sản được coi là bền vững nếu các hoạt động do các tác nhân tham gia trong chuỗi, cũng như các tổ chức/đơn vị hỗ trợ/thúc đẩy chuỗi thực hiện có tính khả thi về mặt thương mại hoặc về mặt tài chính đối với các dịch vụ công.
Nói cách khác, nhóm nghiên cứu này chỉ rõ mọi nỗ lực chính bản thân của các tác nhân và của các tổ chức/đơn vị hỗ trợ/thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản đều hướng đến kết quả làm tăng giá trị kinh tế - kể cả giá trị gia tăng và lợi nhuận của toàn chuỗi. Điều này dựa vào việc nhận diện và khai thác những tiềm năng, cơ hội, cũng như việc nhận diện và khắc phục những hạn chế, thách thức của ngành hàng nông sản.
Đơn cử như với chuỗi giá trị ngành dừa, theo Hiệp hội DN tỉnh Bến Tre, có 3 vấn đề quan trọng cần giải quyết nhanh trong thời gian tới để có thể bền vững hơn. Thứ nhất là xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị dừa. Thứ hai là xây dựng cơ chế hợp tác giữa DN với nông dân và HTX. Thứ ba là tạo sự ổn định giá dừa cho người nông dân và HTX trồng dừa có thu nhập cao, hợp tác với DN quản lý vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm với giá thỏa thuận 6 tháng – 1 năm, tránh trình trạng được mùa mất giá. Đặc biệt là cần tránh tình trạng DN không có trách nhiệm với người nông dân khi thị trường giá dừa xuống thấp và khi giá dừa lên cao thì người nông dân và HTX không tuân thủ cam kết.
Còn đứng ở góc độ quản lý về mặt khoa học công nghệ trong ngành nông nghiệp, để nông sản Việt có được chuỗi giá trị bền vững hơn nữa trong thời gian tới, ông Nguyễn Trường Duy - Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh đến 4 lợi ích của việc hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với đặc thù ngành nông nghiệp Việt Nam.
Thứ nhất là nâng cao hiệu quả sản xuất (giảm lãng phí, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm). Thứ hai là bảo vệ môi trường (giảm sử dụng nước, phân bón và thuốc trừ sâu nhờ vào việc quản lý chính xác hơn). Thứ ba là cải thiện quản lý (sử dụng dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo để đưa ra các quyết định chính xác và kịp thời). Thứ tư là tăng cường khả năng cạnh tranh (đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, mở rộng thị trường và nâng cao giá trị thương hiệu).
Ông Duy cũng đề xuất cần thí điểm một số mô hình thể chế phát triển chuỗi nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới, hiệu quả hơn như cụm liên kết ngành, tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao, công viên nông nghiệp công nghệ cao, vườn ươm khởi nghiệp sáng tạo dựa trên cơ chế đối tác công - tư và phù hợp với lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, từng nhóm sản phẩm nông sản (chủ lực quốc gia, chủ lực cấp tỉnh, sản phẩm đặc sản, OCOP). Nhất là cần phát triển các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hay các trang trại, hộ nông dân ứng dụng công nghệ cao. Hơn nữa, nên có DN đóng vai trò tiên phong, để các HTX, trang trại, hộ nông dân làm vệ tinh sản xuất theo đặt hàng của DN.