Làm gì khi bị ngộ độc thịt cóc?

Vừa qua, Khoa Hồi sức cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) tiếp nhận 3 anh em ngộ độc do ăn thịt cóc và trứng cóc, nhưng 2 trẻ tử vong và 1 trẻ cấp cứu.

Ai cũng biết thịt cóc có nhiều chất độc như Bufotoxin, Bufagin, Bufotalin, Bufotenin, các chất độc này tập trung ở nhiều bộ phận của con cóc gồm da cóc có bufotoxin, được tiết ra từ các tuyến dưới da của cóc, đặc biệt là ở phần gáy và cổ; gan là bộ phận chứa nhiều chất độc bufotoxin nhất; trứng cóc cũng chứa chất độc bufotoxin; tuyến tiết nọc là một tuyến nhỏ nằm ở hông và đùi của cóc. Tuyến này chứa một lượng lớn chất độc bufotoxin.

Tác dụng của các chất độc trong thịt cóc gần giống triệu chứng của ngộ độc thuốc rầy (trong chuyên môn gọi là tác động lên thụ thể adrenergic và muscarinic), nhưng độc tố thịt cóc còn nặng hơn ngộ độc thuốc rầy, vì nó còn gây kích thích hệ thần kinh trung ương, dẫn đến các triệu chứng như lo lắng, bồn chồn, ảo giác và co giật (trong chuyên môn gọi là tác động lên hệ thần kinh trung ương với các thụ thể, serotonin, dopamin và GABA). Đối với tim mạch nó gây tăng nhịp tim, tăng lực co bóp của tim và tăng sức co bóp của cơ tim. Tuy nhiên, khi nồng độ của bufotalin quá cao, nó có thể gây ra rối loạn nhịp tim, rung thất dẫn đến ngưng tim. Ở phổi bufotoxin có thể gây co thắt phế quản, dẫn đến khó thở và suy hô hấp, ở đường ruột, bufotoxin gây buồn nôn, nôn mửa, và tiêu chảy. Ở thận, bufotoxin có thể gây suy thận cấp do nó tổn thương tế bào thận. Triệu chứng ngộ độc bufotoxin thường xuất hiện trong vòng 1 - 2 giờ sau khi ăn, có thể sớm hơn nếu người bệnh uống rượu, bia. Tỷ lệ tử vong do ngộ độc bufotoxin có thể lên tới 50%. Do đó, việc phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời là rất quan trọng.

Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được công bố vào tháng 10-2022, về xử trí ngộ độc thịt cóc được xây dựng dựa trên các bằng chứng khoa học mới nhất và được cập nhật để phù hợp với tình hình thực tế, bao gồm: Phải nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay lập tức khi có triệu chứng ngộ độc; điều trị triệu chứng là ưu tiên hàng đầu; cần theo dõi chặt chẽ người bệnh trong ít nhất 24 giờ sau khi được điều trị.

Khi phát hiện người ngộ độc thịt cóc: Nếu người bị ngộ độc còn tỉnh táo thì gây nôn chủ động bằng cách cho uống 200 - 300 ml nước lọc, sau đó dùng ngón tay kích thích vùng đáy lưỡi; nếu có than hoạt tính sẽ dùng 1g/kg thể trọng, pha với nước ấm, uống 2 - 3 lần/ngày; nếu người bệnh hôn mê sẽ đặt người bệnh nằm nghiêng, đầu thấp, nới lỏng quần áo, cho người bệnh tiếp hơi bằng oxy.

Tại cơ sở y tế: Rửa dạ dày, dùng ống thông bơm nước muối loãng vào dạ dày, sau đó hút ra. Thụt tháo, dùng ống thông để bơm nước muối loãng vào trực tràng, sau đó hút ra. Lọc máu, loại bỏ độc tố ra khỏi máu bằng chạy thận. Điều trị triệu chứng, chống co giật sử dụng thuốc chống co giật. Điều trị nhịp tim bất thường sử dụng thuốc chống loạn nhịp tim. Điều trị suy hô hấp: sử dụng máy thở. Điều trị suy thận cấp lọc máu, chạy thận nhân tạo.

Đặc biệt mọi người cần lưu ý phòng ngừa ngộ độc thịt cóc bằng cách không ăn thịt cóc, đặc biệt là trẻ em. Nếu muốn ăn thịt cóc, cần bỏ hết da, nội tạng, và tuyến tiết nọc; không uống rượu bia khi ăn thịt cóc.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202401/lam-gi-khi-bi-ngo-doc-thit-coc-1002273/