Lạm phát năm 2025 có thể ở mức 3,4-4,2%
Ngày 9/7, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Học viện Tài chính tổ chức hội thảo 'Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2025'.
Theo các chuyên gia, với việc các yếu tố tác động chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng, giảm đan xen, có thể nhận định rằng áp lực lạm phát trong nửa cuối năm 2025 không lớn hơn nhiều so với mức trung bình của giai đoạn 2015-2024. Do vậy, tốc độ tăng CPI trong nửa cuối năm 2025 dự báo sẽ không lớn.
TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho biết, có nhiều yếu tố giúp kiềm chế lạm phát, như việc xuất khẩu gặp nhiều thách thức tại thị trường Mỹ (do thuế quan) cũng như tại các thị trường khác (do tăng trưởng kinh tế thấp) sẽ khiến nguồn cung hàng hóa trong nước dồi dào hơn, giúp giảm áp lực lạm phát. Một yếu tố thuận lợi khác là giá các hàng hóa cơ bản có xu hướng giảm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng chậm lại đáng kể do thuế quan. Nói cách khác, những thách thức đối với tăng trưởng của Việt Nam và thế giới cũng sẽ đồng thời là các yếu tố giúp cản đà tăng của giá cả trong nửa cuối năm 2025.
Ông Độ đưa ra giả định CPI trong 6 tháng cuối năm 2025 sẽ tăng trung bình 0,27%/tháng, tương đương mức tăng trung bình trong 6 tháng cuối năm của giai đoạn 2015-2024, lạm phát trung bình cả năm 2025 được dự báo ở mức 3,4%. Trong trường hợp căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn kéo dài và dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, giá các hàng hóa cơ bản giảm mạnh, lạm phát trung bình cả năm 2025 có thể chỉ ở mức 3%. Năm 2025 nhiều khả năng sẽ là năm thứ 11 liên tiếp Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát ở mức dưới 4%.
Mặc dù lạm phát trung bình cả năm 2025 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,4%, song ông Độ cũng lưu ý các áp lực từ tỷ giá và tăng trưởng tín dụng tác động đến lạm phát cần được theo dõi sát sao để có chính sách kiểm soát phù hợp.
TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) dự báo, CPI bình quân 2025 so với năm 2024 sẽ tăng 3,8%-4,2%.
Trong khi đó đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đánh giá, nửa cuối năm 2025 còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây áp lực lên giá cả, đòi hỏi công tác điều hành giá cần linh hoạt, kịp thời và hiệu quả nhằm bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát trong điều kiện các nguồn lực được thúc đẩy mạnh mẽ để đạt tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân; tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý với mức độ và liều lượng phù hợp với diễn biến chỉ số giá tiêu dùng.
Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long nhận định, việc phối hợp chính sách chặt chẽ, linh hoạt chính là cơ sở để kiểm soát lạm phát thành công trong nửa đầu năm 2025. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động và linh hoạt, theo hướng “đi trước một bước” nhưng không thắt chặt quá mức. Giữ ổn định lãi suất điều hành từ cuối năm 2023 đến nay, giúp duy trì chi phí vốn hợp lý và tránh làm tăng giá thành tín dụng. Đồng thời, chính sách lãi suất thực dương vẫn được duy trì, góp phần ổn định kỳ vọng lạm phát.
Ông Long dự báo lạm phát tại Việt Nam trong năm 2025 sẽ dao động từ 4,0-4,5%, phù hợp với mục tiêu Quốc hội đề ra. Để đạt được mục tiêu này, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: tiếp tục điều hành tiền tệ linh hoạt; kiểm soát chi phí đầu vào; giữ ổn định tỷ giá và giá xăng dầu; cải thiện giải ngân đầu tư công...
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lam-phat-nam-2025-co-the-o-muc-3-4-4-2-10309952.html