Làm rõ cơ sở quy định bắt buộc công chứng viên có chứng chỉ nghề

Chiều 17/6, thảo luận tại tổ 1 về Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội bày tỏ quan tâm tới quy định công chứng viên phải có chứng chỉ đào tạo nghề; quy định về công chứng bản dịch.

Đại biểu Quốc hội Lê Nhật Thành phát biểu thảo luận tại tổ

Đại biểu Quốc hội Lê Nhật Thành phát biểu thảo luận tại tổ

Đại biểu Quốc hội Lê Nhật Thành bày tỏ nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và cho biết, tại điều 9 Dự thảo Luật quy định về đào tạo nghề công chứng đã sửa đổi quy định miễn đào tạo nghề công chứng, tham dự khóa bồi dưỡng 6 tháng với một số đối tượng là người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, luật sư đã hành nghề từ 5 năm trở lên; giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ chuyên ngành luật... như Luật Công chứng hiện hành; thay vào đó là quy định những đối tượng này phải tham gia khóa đào tạo nghề với thời gian 6 tháng.

Đại biểu nghề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ sự cần thiết phải có thay đổi này. Việc miễn đào tạo nghề công chứng với những đối tượng trên trong thời gian qua gặp phải khó khăn, vướng mắc hay phát sinh tiêu cực gì mà đặt ra vấn đề phải thay đổi?.

Quang cảnh thảo luận tại tổ Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội

Quang cảnh thảo luận tại tổ Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội

Góp ý vào điểm c, khoản 2 điều 43 Dự thảo Luật về địa điểm công chứng quy định, việc công chứng có thể thực hiện được ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng nếu người yêu cầu công chứng đang thực hiện các nhiệm vụ, công việc đặc thù mà không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Đại biểu Lê Nhật Thành đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo Luật các nhiệm vụ, công việc đặc thù nào để thống nhất, tránh tùy tiện trong việc áp dụng pháp luật. Ngoài ra đề nghị cân nhắc bổ sung quy định công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp công chứng trực tuyến.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan quan tâm đến việc sửa nội dung công chứng bản dịch được quy định tại khoản 1, điều 2 của Luật Công chứng hiện hành theo hướng không quy định chứng nhận tính chính xác, hợp pháp của bản dịch thuộc phạm vi hoạt động công chứng mà chỉ quy định công chứng viên chứng thực chữ ký của người dịch.

Bày tỏ quan điểm đồng tình với ý kiến giữ nguyên quy định như Luật Công chứng 2014, công chứng viên phải chứng nhận tính hợp pháp của bản dịch, đại biểu cho rằng công chứng viên chứng nhận tính chính xác, hợp pháp của bản dịch là hoàn toàn phù hợp với bản chất của công chứng, phù hợp chức năng xã hội của công chứng viên đang được quy định tại điều 3, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan

Phân tích nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho biết, theo lý giải của cơ quan soạn thảo về một số lý do sửa đổi quy định công chứng viên chỉ chứng thực chữ ký của người dịch để giảm thiểu rủi ro và trách nhiệm của công chứng viên; để tránh việc công chứng viên từ chối công chứng bản dịch do năng lực trình độ ngoại ngữ của công chứng viên chưa đủ để xác định tính chính xác của bản dịch.

"Vấn đề này thực tiễn có thể có nhưng chúng ta phải có giải pháp khắc phục nhược điểm như công chứng viên chưa đủ năng lực về ngoại ngữ cũng như rủi ro khi ký bằng việc nâng cao tiêu chuẩn của công chứng viên lên; nâng cao năng lực cho công chứng viên; đào tạo ngoại ngữ cho công chứng viên, áp dụng công nghệ cũng như có chế độ đãi ngộ tốt hơn; quy định quyền lợi tốt hơn cho công chứng viên khi phải làm công việc khó hơn..." - đại biểu Nguyễn Thị Lan nêu.

Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, cần dung hòa việc chứng thực với bản dịch và chứng thực chữ ký. Không để như quy định hiện nay là có đội ngũ dịch thuật cộng tác thông thường mà đội ngũ dịch thuật phải được thẩm định về khả năng dịch thuật, phải được kiểm tra, có hệ thống ở các tỉnh và đưa vào danh sách. Dựa vào đó cơ quan công chứng lựa chọn hợp tác, người dịch thuật phải chịu trách nhiệm về bản dịch đó.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà phát biểu thảo luận

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà phát biểu thảo luận

Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị quy định bắt buộc công chứng hồ sơ thành lập doanh nghiệp do hiện nay thủ tục thành lập doanh nghiệp còn dễ, chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở để lợi dụng vào các mục đích phi pháp; có tình trạng nâng khống vốn điều lệ, thuê người đứng tên doanh nghiệp, giả mạo hồ sơ doanh nghiệp, thành lập doanh nghiệp để hợp thức hóa hành vi vi phạm pháp luật như trốn thuế, rửa tiền, thao túng giá cả thị trường... Do đó cần có công cụ kiểm soát tính hợp pháp với hồ sơ thành lập doanh nghiệp và các giao dịch trong nội bộ doanh nghiệp, phòng ngừa rủi ro cho các chủ thể thành lập doanh nghiệp.

Đại biểu cũng đề nghị quy định chức danh trợ lý công chứng viên để quy định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ thể này vì hiện nay trợ lý công chứng viên tham gia vào hầu hết các giai đoạn của quy trình công chứng (từ tiếp nhận hồ sơ, tư vấn hồ sơ, soạn thảo văn bản, hỗ trợ ký kết giao dịch...). Nếu không quy định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của trợ lý công chứng viên thì sẽ không có cơ sở để chủ thể này tiếp cận và xử lý công việc theo nguyên tắc bảo mật thông tin công chứng cũng như tư cách của chủ thể này khi giao tiếp với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động công chứng.

Vân Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lam-ro-co-so-quy-dinh-bat-buoc-cong-chung-vien-co-chung-chi-nghe.html