Làm rõ điểm nghẽn, chỉ rõ trách nhiệm cụ thể
Tuần tới, Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn với 'tư lệnh ngành' nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài chính, giao thông vận tải và ngân hàng nhà nước. Đây là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 - Nghị quyết đặc biệt được Quốc hội ban hành tại Kỳ họp bất thường để hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội nhưng tiến độ thực hiện đến nay quá chậm, trong khi thời gian không còn nhiều. Do đó, các đại biểu Quốc hội mong muốn qua chất vấn phải làm rõ 'địa chỉ' chịu trách nhiệm cụ thể, qua đó đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả thực hiện trong thời gian tới.
ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội): Làm rõ trách nhiệm chậm triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội
Ảnh: Hồ Long
Tôi dành sự quan tâm đến nhóm chất vấn thuộc lĩnh vực tài chính, nhất là việc đẩy nhanh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác làm ảnh hưởng tới thị trường... Đây đều là những nội dung nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.
Trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước vừa qua, các đại biểu cũng đã phân tích rất kỹ, thị trường chứng khoán là kênh quan trọng để huy động nguồn lực đầu tư, phát triển đất nước. Tuy nhiên, thời gian qua có những vướng mắc trong thực hiện quy định pháp luật đối với thị trường chứng khoán, rất cần Bộ Tài chính với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước được Chính phủ giao phụ trách phải làm rõ những hạn chế này. Đồng thời đánh giá kỹ những nguyên nhân do tổ chức thực hiện để đưa ra những giải pháp xây dựng, phát triển thị trường tài chính lành mạnh, bảo đảm an toàn, bền vững trong thời gian tới.
Với nhiều kinh nghiệm trên nghị trường Quốc hội với trách nhiệm ở hai "vai" - thành viên Chính phủ và đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chắc chắn nắm rất rõ tâm tư, nguyện vọng của cử tri và những kỳ vọng của đại biểu đặt ra đối với mình và ngành mình. Nhiều đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu. Đây là Nghị quyết quan trọng, chưa từng có tiền lệ, được Quốc hội tổ chức một kỳ họp bất thường để xem xét, ban hành, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ đối với việc phục hồi và phát triển kinh tế. Nhưng rõ ràng, việc tổ chức thực hiện còn chậm.
Chúng tôi rất mong Bộ trưởng sẽ làm rõ điểm nghẽn do nguyên nhân chủ quan, địa chỉ trách nhiệm như thế nào để có giải pháp khắc phục. Bởi lẽ thời gian để thực hiện Nghị quyết 43 không còn nhiều, chỉ chưa đầy một năm rưỡi nữa. Trong khi đó, theo Báo cáo của Chính phủ, đến nay mới giải ngân được hơn 10% trong tổng số nguồn lực gần 350 nghìn tỷ đồng được Quốc hội thông qua. Đây là điều rất đáng quan ngại. Có những nội dung, nếu chạy theo tiến độ thời gian thì sẽ không bảo đảm về mặt chất lượng, không làm cẩn thận sẽ xảy ra sai sót. Thậm chí, trong tổ chức thực hiện, nếu để xảy ra thất thoát, sai phạm còn làm suy giảm lòng tin của nhân dân, đó mới là mất mát lớn nhất. Vì vậy, ngay tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, không chỉ riêng Bộ trưởng Bộ Tài chính, mà những vị trưởng ngành có liên quan như: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cần giải trình trước Quốc hội để làm rõ những giải pháp cụ thể nhằm thực hiện tốt yêu cầu Nghị quyết 43, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân cả nước đặt ra.
ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai): Truy trách nhiệm để đẩy nhanh tiến độ phục hồi kinh tế
Ảnh: Hồ Long
Các nhóm vấn đề được các đại biểu Quốc hội lựa chọn để tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Ba rất đúng và trúng. Bốn nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải đều liên quan trực tiếp đến triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội.
Chắc chắn, khi chất vấn về các nhóm vấn đề này, các đại biểu Quốc hội sẽ không dừng ở truy trách nhiệm, mà sẽ còn đốc thúc, gợi mở cho Chính phủ, các bộ, ngành một số giải pháp thiết thực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tôi mong muốn, khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và các thành viên Chính phủ cùng tham gia trả lời sẽ làm rõ các giải pháp để giải ngân một phần vốn rất lớn thuộc Chương trình này.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thông báo tổng mức vốn, chi tiết danh mục và mức vốn dự kiến cho từng nhiệm vụ, dự án của từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải, cũng như nhiều lĩnh vực khác thuộc Chương trình này. Quan trọng là, khi Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư một công trình quan trọng quốc gia thì đã bố trí nguồn lực thực hiện. Vốn đầu tư cho các công trình giao thông vận tải như vậy đã có rồi, từ vốn thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn…
Nghị quyết số 43 của Quốc hội cũng đã tháo gỡ về cơ chế thực hiện các dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tất nhiên, khi chúng ta đồng thời triển khai một lúc nhiều dự án công trình giao thông quan trọng thì phải chú ý chọn tư vấn thế nào, nhà thầu ra sao, tính toán phương án cung ứng nguyên vật liệu. Do vậy, cần có sự quyết liệt, vào cuộc triệt để của ngành giao thông vận tải, cũng như sự phối hợp của Bộ với các bộ, ngành khác, với các địa phương. Nếu ngành giao thông vận tải không thay đổi cung cách thực hiện mỗi dự án thì sẽ khó đẩy nhanh tiến độ thi công những công trình quan trọng này.
Với Ngân hàng Nhà nước, tôi mong muốn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng sẽ cho biết cụ thể về phương án phân bổ khoản ngân sách được sử dụng để hỗ trợ lãi suất 2%. Khoản ngân sách này sẽ được sử dụng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại để hỗ trợ cho vay với doanh nghiệp thuộc một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua, ngân hàng. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thời gian qua đã phát sinh một lượng nợ xấu mới, đòi hỏi phải có hướng dẫn, đốc thúc cho ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết lượng nợ xấu mới phát sinh này.
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai): Cần đưa ra những giải pháp trước mắt và lâu dài
Ảnh: Hồ Long
Tôi hoàn toàn đồng tình với 4 nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV. Việc tìm ra được giải pháp cho 4 lĩnh vực này là động lực vô cùng quan trọng để đất nước hồi phục và phát triển sau đại dịch Covid-19.
Là đại biểu Quốc hội thuộc địa bàn còn nhiều khó khăn như Gia Lai, tôi đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Như chúng ta đã biết, trong 2 năm đất nước trải qua đại dịch, ngành nông nghiệp vẫn thể hiện vai trò "bệ đỡ" của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân.
Tuy nhiên, qua theo dõi, chúng ta vẫn thấy còn đó những thách thức của lĩnh vực nông nghiệp như: điệp khúc được mùa - mất giá; giá vật tư tăng làm cho chi phí sản xuất tăng cao; việc thâm nhập, mở rộng thị trường còn nhiều khó khăn… Đây không phải những vấn đề mới mà gần như nhiệm kỳ Quốc hội nào cũng được các ĐBQH đưa ra chất vấn, thảo luận nhưng sự thay đổi là không nhiều.
Tôi kỳ vọng rằng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như các thành viên Chính phủ giải trình liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp sẽ đưa ra được câu trả lời xác đáng, thể hiện rõ được trách nhiệm của từng vấn đề là do đâu trước cử tri và nhân dân. Đồng thời, đề ra được các giải pháp trước mắt và lâu dài đối với ngành nông nghiệp.
Cử tri và Nhân dân sẽ theo dõi phiên chất vấn và những người nông dân cũng rất kỳ vọng và gửi gắm niềm tin vào những đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp, để làm sao thu nhập được tăng lên, người dân có thể sống dựa vào mảnh đất của chính mình và xa hơn, không còn những hình ảnh sản phẩm làm ra bị ùn ứ, mất giá, người nông dân phải phá bỏ đi những gì mà họ gửi gắm, kỳ vọng vào đó.