Làm rõ thêm vị thế Việt Nam qua những lần thay đổi quốc hiệu
Các nhà khoa học tập trung làm rõ thêm về quốc hiệu đất nước qua các thời kỳ.
Khẳng định vị thế của một đất nước độc lập và thống nhất
Ngày 23/4, Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học: 220 năm quốc hiệu Việt Nam - Những chặng đường lịch sử (1804 - 2024). Đại biểu tham gia tập trung vào các vấn đề về ý nghĩa quốc hiệu đất nước qua các thời kỳ; vị thế của Việt Nam qua những lần thay đổi quốc hiệu; quốc hiệu gắn với sự phát triển của đất nước.
Theo TS Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên Huế, Quốc hiệu là tên chính thức của một quốc gia, vừa biểu thị chủ quyền lãnh thổ, lại vừa thể hiện các yếu tố hợp pháp về chính trị, luật pháp, quân sự, văn hóa, ngoại giao.
Dưới triều Nguyễn, quốc hiệu Việt Nam được duy trì gần 4 thập kỷ qua 2 đời vua Gia Long và Minh Mạng. Đến năm Minh Mạng thứ 19 (1838), nhà vua đổi quốc hiệu từ Việt Nam sang Đại Nam.
“Cách mạng tháng Tám thành công, triều Nguyễn kết thúc. Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập đã tuyên bố thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nay là Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trải qua các thời kỳ lịch sử, quốc hiệu Việt Nam đã khẳng định vị thế của một đất nước độc lập và thống nhất” - TS Phan Tiến Dũng nói.
Còn theo ThS. Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội KHLS thành phố Đà Nẵng, qua 220 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc, quốc hiệu Việt Nam đã chứng kiến nhiều biến thiên chính trị của nước ta, chẳng hạn đã hai lần chứng kiến đất nước thống nhất - một lần vào năm 1804 khi chính thức trở thành quốc hiệu và một lần vào năm 1976 khi đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, và hiện nay đang chứng kiến vị thế ngày càng được khẳng định của Việt Nam trên chính trường và thương trường quốc tế.
Biểu thị lãnh thổ đất nước thống nhất trên đất liền và biển đảo
Cung cấp các tư liệu lịch sử trong các ấn bản quốc tế thời hai vua Gia Long và Minh Mạng công nhận một đế chế có chủ quyền lãnh thổ thống nhất bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà lúc đó gọi chung là Hoàng Sa. NNC Nguyễn Quang Trung Tiến khẳng định, Quốc hiệu Việt Nam được đề cập trong các ấn phẩm quốc tế thời hai vua Gia Long và Minh Mạng tuy khá ít ỏi, nhưng luôn nổi bật lên nội dung chính với sự công nhận An Nam hay Việt Nam là một đế chế thống nhất từ nhiều vùng lãnh thổ trước đó, trải khắp bán đảo Đông Dương và vùng Biển Đông, với quần đảo Hoàng Sa, lúc đó còn bao gồm Trường Sa nằm trên lãnh hải của xứ Đàng Trong cũng là một bộ phận thuộc đế chế này.
“Việc công nhận lãnh thổ thống nhất bao gồm các quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa thuộc “Đế chế An Nam hay Việt Nam” trong các ấn bản quốc tế thời hai vua Gia Long và Minh Mạng mang ý nghĩa và giá trị lịch sử sâu sắc: Hai chữ Việt Nam từ đó trở thành biểu trưng cho một quốc gia có chủ quyền lãnh thổ rộng lớn và thống nhất cả trên đất liền và trên biển, trong đó bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” - ông Tiến chia sẻ.
PGS. TS Nguyễn Văn Đăng cho rằng, ý nghĩa của các quốc hiệu là rất to lớn và toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh. Quốc hiệu thể hiện chủ quyền lãnh thổ quốc gia, tính văn hóa, tính độc lập dân tộc; tính chính trị của vùng đất hay cư dân chủ thể. Quốc hiệu được đặt ra còn thể hiện sự tự tôn dân tộc, ý muốn ngang bằng, bình đẳng với nước láng giềng phương Bắc trong thời quân chủ; thể hiện thể chế chính trị và ước muốn chính trị của quốc gia trong thời hiện đại.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lam-ro-them-vi-the-viet-nam-qua-nhung-lan-thay-doi-quoc-hieu.html