Làm sao để khơi thông du lịch Đắk Lắk sau sáp nhập?
Sau sáp nhập, Đắk Lắk vừa được mở rộng về địa giới, vừa có rừng và biển cùng hội tụ. Những buôn làng trên cao nguyên rộn rã cồng chiêng, thơm ngát hương cà phê, rượu cần được kết nối với những làng chài yên bình và những thuyền cá dập dìu đi khơi đi lộng.
Cùng nhóm bạn chụp ảnh lưu niệm và khám phá vẻ đẹp hoang sơ tại Gành Đá Đĩa, xã Tuy An, tỉnh Đắk Lắk, chị Đào Thị Hiền - khách du lịch đến từ Hà Nội ấn tượng sâu sắc với vẻ đẹp hùng vĩ, độc đáo của công trình kỳ vĩ mà thiên nhiên đã tạo ra.
Chia sẻ về việc lựa chọn Đắk Lắk là điểm đến trong hành trình du lịch hè, chị Hiền cho biết mong muốn khám phá thiên nhiên và trải nghiệm nét mới của một tỉnh mới sáp nhập khi vừa có biển vừa có rừng: “Lần đầu tiên chúng tôi đến với tỉnh Đắk Lắk mới, được ngắm nhìn biển của Đắk Lắk, ngắm Gành Đá Đĩa, chụp ảnh ở đây rất là đẹp. Chúng tôi cũng dự định sẽ tiếp tục hành trình lên tham quan Buôn Đôn để cho trọn vẹn những cảm nhận vừa biển vừa núi. Bây giờ nhắc đến Đắk Lắk thì vừa có thể du lịch núi vừa có thể ngắm biển. Một điều đặc biệt là hải sản ở đây rất tươi ngon và giá cả phải chăng”.

Sau hợp nhất, du lịch Đắk Lắk mở rộng tiềm năng lợi thế khi hội tụ biển - rừng và những câu chuyện văn hóa, lịch sử hấp dẫn.
Thời gian gần đây, không chỉ du khách ngoại tỉnh mà lượng khách nội tỉnh đi lại giữa 2 vùng Đông – Tây Đắk Lắk cũng tăng cao, với các du khách đi theo tour hay nhóm gia đình. Chị Nguyễn Thị Điểm, lễ tân tại Rosa Alba Resort Tuy Hòa, Đắk Lắk cho biết: “Tôi nhận thấy gần đây, sau sáp nhập tỉnh thì du lịch cũng rất nhộn nhịp, khách cũng rất đông. Đơn vị chúng tôi đón khách từ mọi nơi, tuy nhiên những tháng gần đây thì khách Tây Đắk Lắk xuống ở dưới này rất là nhiều. Đang nhịp du lịch sôi nổi như thế này, chúng tôi kỳ vọng lượng khách đến đây đông hơn, nhiều hơn”.

Một số đơn vị đón đầu kết hợp yếu tố rừng - biển trong kinh doanh du lịch.
Bắt nhịp với câu chuyện sáp nhập, các đơn vị làm du lịch cũng đã đón đầu khai thác các yếu tố biển - rừng của Đắk Lắk. Lựa chọn tên gọi được ghép từ tên 2 tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên cũ, anh Trương Tấn Tài - quản lý nhà hàng Đắk Phú (phường Tuy Hòa) cho biết, đơn vị không chỉ đổi một cái tên mang tính kết nối biển - rừng mà thực đơn cũng có sự kết hợp.
“Trước khi khai trương, chúng tôi đã cử bộ phận bếp đi khảo sát từng nhà hàng, khẩu vị, văn hóa trên vùng Đắk Lắk để mang xuống đây những món ăn mang nét đặc trưng như gà nướng, cơm lam, gỏi cà đắng,… Sức tiêu thụ tốt, khách hàng rất hưởng ứng khi tới đây vừa thưởng thức được ẩm thực vùng cao của Đắk Lắk cùng với các hải sản vùng biển”.

Vùng biển Đắk Lắk ghi nhận lượng khách tăng cao.
Sau khi hợp nhất, vùng phía Tây của Đắk Lắk nổi bật với du lịch sinh thái thác, rừng, du lịch cộng đồng, văn hóa cồng chiêng, ẩm thực đặc trưng Tây Nguyên. Còn vùng phía Đông có thế mạnh du lịch biển, làng chài, các loại hải sản. Những câu chuyện về Liệt sĩ Nam tiến ở Buôn Ma Thuột được kể tiếp với chuyện về Vũng Rô và những con tàu “không số”, những bến vượt sông Sê Rê Pốk và Chiến thắng Buôn Ma Thuột.

Các địa điểm du lịch nổi tiếng gắn với các dấu tích lịch sử thu hút đông du khách
Ông Ngô Văn Định - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho rằng, những điểm nổi bật của 2 tỉnh cũ khi hợp lại sẽ trở thành thế mạnh hỗ trợ cho 2 vùng Đông – Tây phát triển tốt hơn: “Chúng tôi sẽ bổ trợ cho nhau những cái trước đây là hạn chế của hai tỉnh để tạo thành sản phẩm, sao cho cả hai khu vực đều luôn luôn có thể phục vụ được khách. Thứ hai là kiến nghị mở rộng, nâng cấp sân bay Tuy Hòa thành sân bay quốc tế để đón khách đến với Tuy Hòa rồi đi Đắk Lắk. Thứ ba là đào tạo đội ngũ nhân lực để phục vụ du lịch Đắk Lắk mới, văn hóa phải có sự hòa nhập, nghiệp vụ phải được nâng cao”.
Việc hợp nhất, sáp nhập tỉnh đã tạo cho du lịch Đắk Lắk cơ hội tái cấu trúc và hướng phát triển mới. Sự kết hợp các sản phẩm du lịch đặc trưng, cùng với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.