Tiền triều Lê sơ (1428 - 1527) - Kỳ IX: Tiền đời vua Lê Chiêu Tông (1516 - 1522)
Vua Lê Tương Dực cuối đời lao vào con đường ăn chơi trụy lạc, làm cho đời sống nhân dân lầm than. Tháng 4 năm Bính Tý (1516), quan đại thần Trịnh Duy Sản cùng một số quần thần vào cung giết vua Lê Tương Dực, đưa Lê Ỷ lên ngôi (tức vua Lê Chiêu Tông)...
Tiền đời vua Lê Chiêu Tông (1516 - 1522)
Vua Lê Tương Dực cuối đời lao vào con đường ăn chơi trụy lạc, làm cho đời sống nhân dân lầm than. Tháng 4 năm Bính Tý (1516), quan đại thần Trịnh Duy Sản cùng một số quần thần vào cung giết vua Lê Tương Dực, đưa Lê Ỷ lên ngôi (tức vua Lê Chiêu Tông), đặt niên hiệu là Quang Thiệu (1516 - 1522) và đúc tiền Quang Thiệu thông bảo.
Tiền đúc bằng đồng. Mặt tiền đúc nổi 4 chữ “Quang Thiệu thông bảo”- 光紹通寳 theo kiểu chữ Hoa áp, đọc chéo. Khổ chữ to, nét chữ rõ ràng, nổi cao và sắc nét. Lưng tiền để trơn. Biên tiền trước và sau đều nổi cao. Đường kính 25,8mm, dày 1,7mm, nặng 4,2gr.

Ảnh 1.6.15.Tiền Quang Thiệu thông bảo 光紹通寳, kiểu chữ Hoa áp, lưng tiền trơn, đường kính 25,8mm
Như vậy, tiền thời Lê sơ có tất cả 12 tên gọi: Thuận Thiên nguyên bảo, Thiệu Bình thông bảo, Đại Bảo thông bảo, Đại Hòa thông bảo, Diên Ninh thông bảo, Thiên Hưng thông bảo, Quang Thuận thông bảo, Hồng Đức thông bảo, Cảnh Thống thông bảo, Đoan Khánh thông bảo, Hồng Thuận thông bảo và Quang Thiệu thông bảo.
Các đồng tiền dưới triều Lê sơ dày dặn và đạt trình độ mỹ thuật cao. Đến cuối thời kỳ Lê sơ chữ viết có thay đổi rõ rệt và thống nhất kéo dài đến đầu nhà Mạc, đây là một dạng chữ cải cách được kết hợp giữa hành thư và khải thư, các chữ viết trên tiền để đúc là các quan có phẩm hàm thực hiện. Chữ theo kiểu chân thư, đạt vẻ tự nhiên, rõ ràng, đẹp mắt. Chữ viết trên tiền triều Lê sơ có một số đặc điểm như sau:
- Thục loan câu: Sổ thẳng, nét móc cao, rất giống nhau, như trong chữ Nguyên trên tiền Thuận Thiên nguyên bảo hay chữ Quang trên tiền Quang Thuận thông bảo hoặc chữ Thống trên tiền Cảnh Thống thông bảo.
- Nét Thiêu điểm, trên bộ thủy ở đồng Hồng Đức thông bảo, Hồng Thuận thông bảo, nét đá từ dưới kéo lên, cao ngang với nét chấm trên.
- Nét đới câu điểm, tức nét chấm dưới của các chữ Hồng, chữ Bảo, chữ Thuận, chữ Cảnh, đều đá vào trong, không hất ra ngoài.
- Nét tả nại ở chữ Thiên, chữ Khánh, chữ Diên, chữ Đại được kéo dài sang phải, tựa như cánh chim.
Tiền thời Lê sơ còn tìm thấy loại tiền được gọi là chữ kép: Thuận Thiên nguyên bảo, Hồng Đức thông bảo, Diên Ninh thông bảo, Quang Thuận thông bảo, Hồng Thuận thông bảo, Đại Hòa thông bảo. Những đồng tiền này có 4 chữ chồng dịch lên nhau.

Các đồng tiền chữ kép; 1.Thuận Thiên nguyên bảo; 2. Hồng Đức thông bảo; 3. Diên Ninh thông bảo; 4. Quang Thuận thông bảo, 5; Hồng Thuận thông bảo, 6; Đại Hòa thông bảo
Nhìn chung, vua Lê Thái Tổ - vị vua đầu tiên thời Lê sơ là người hết sức chăm lo đến sự phát triển tiền tệ, coi tiền tệ là huyết mạch của dân và các đời vua Lê sau đó cũng quan tâm đến việc đúc tiền. Vì thế tiền được đúc rất đẹp, có thể nói là đẹp nhất trong các loại tiền tệ trong lịch sử phong kiến nước ta.
Nguồn: Tác phẩm: ''Lịch sử đồng tiền Việt Nam'' của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Biên tập: Mạnh - Thắng | Đồ họa: Văn Lâm