Làm sống dậy vùng sen hồ Tây nức tiếng

Để khôi phục, gìn giữ giống sen Bách Diệp hồ Tây nổi tiếng gắn với phát triển du lịch sinh thái, hai hồ Đầu Đồng và Thủy Sứ (phường Quảng An, quận Tây Hồ) đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, UBND quận Tây Hồ lựa chọn thí điểm triển khai thực hiện Đề án khôi phục, phát triển trồng cây sen trên một số hồ nhỏ khu vực xung quanh hồ Tây.

Bảo tồn giá trị sen Bách Diệp

Là một trong những thắng cảnh đẹp nổi tiếng ở Thủ đô Hà Nội, hồ Tây - nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Hè về, hồ Tây không chỉ đẹp bởi mặt nước xanh mênh mông, quanh năm dập dềnh, lượn sóng, mà còn mang vẻ đẹp thơ mộng bởi sắc hồng thơm ngát của hoa sen.

Ảnh: Vương Lộc

Ảnh: Vương Lộc

Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ Trần Gia Hùng cho biết: hiện quanh hồ Tây có khoảng 30ha diện tích trồng sen. Năm 2024, quận đã chọn hai hồ Đầu Đồng và Thủy Sứ Trên (tổng diện tích 7,5ha) thí điểm thực hiện Đề án bảo tồn sen Bách Diệp. Theo đó, mỗi hồ được hỗ trợ trồng 10.000 cây giống. “Việc trồng sen tại các hồ trên địa bàn quận triển khai đúng tiến độ, các hồ sen đang nở rất đẹp, tạo tiền đề cho Lễ hội Sen Hà Nội lần 1 năm 2024 trên địa bàn, tiến tới thực hiện đề án trồng sen cho các năm tiếp theo”, ông Trần Gia Hùng cho biết thêm.

Là một trong những chủ đầm trồng sen Bách Diệp ở hồ Tây, ông Nguyễn Đức Chung cho biết: sen Bách Diệp là giống sen được trồng từ lâu đời ở khu vực hồ Tây. Đây là giống hoa cánh kép, bông to, màu hồng thắm và mỗi bông có từ 100 - 120 cánh, có mùi thơm đặc trưng, thơm lâu và giữ được lâu, hầu như chỉ có ở hồ Tây. Tuy nhiên, hiện nay nhiều hộ chủ đầm đã và đang trồng nhiều loại hoa sen khác nên số lượng Bách Diệp ngày càng giảm. Đầm nhà ông là một trong ít đầm còn trồng giống sen này. Ông Chung cũng cho biết: quận triển khai đề án trồng và nhân rộng giống hoa này tại các hồ trên địa bàn không chỉ giúp cho việc bảo tồn giống, mà còn hỗ trợ, tạo động lực để các hộ trồng Sen Tây Hồ tiếp tục gìn giữ nghề. "Hiện, tại đầm Hương Chung nhà tôi mỗi ngày thu hoạch từ 800 - 1.600 bông. Hoa sen sẽ được bán cho hàng hoa, bán cho khách đến thưởng sen. Số hoa còn lại chủ yếu dùng để ướp chè sen Tây Hồ, một loại đặc sản trứ danh của Hà Nội" - ông Chung cho biết.

Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết: xung quanh khu vực hồ Tây có 18 hồ nhỏ, trong đó khoảng 20,5ha diện tích mặt nước có thể trồng sen. Năm 2024, quận Tây Hồ thí điểm trồng sen trên 7,5ha, 13ha còn lại sẽ được triển khai ở những năm tiếp theo (do một số hồ đang cải tạo). Tham gia dự án "Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ - Hà Nội", các hộ dân sẽ được hỗ trợ hướng dẫn áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong khâu chọn giống, canh tác, thu hoạch và bảo quản các sản phẩm từ sen…

Bên cạnh đó, để bảo đảm nguồn nước và sen không bị sâu bệnh, UBND quận Tây Hồ đã mời chuyên gia Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương và Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp thực hiện dự án; tiến hành rắc vôi khử khuẩn làm sạch nước hồ nhằm cải tạo chất lượng nước. "Việc trồng sen quanh các hồ nhỏ ở khu vực hồ Tây phần nào giúp tăng cảnh quan đô thị, giúp điều hòa hệ sinh thái Hồ Tây; đồng thời, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân khi khai thác được các sản phẩm có giá trị" - ông Khuyến chia sẻ.

Phát triển tiềm năng du lịch sinh thái

Năm 2024, ngành du lịch Hà Nội chú trọng phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với du lịch, xây dựng hình ảnh Hà Nội "văn hiến - văn minh - hiện đại", "Thành phố vì hòa bình", " Thành phố sáng tạo - hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn dựa trên các lợi thế sẵn có là kết tinh, hội tụ của các giá trị tài nguyên, văn hóa, lịch sử, con người Hà Nội. Đồng thời, nghiên cứu đầu tư phát triển các loại hình sản phẩm mới gắn với lợi thế của từng địa phương.

Theo đó, nhằm kết hợp giữa khai thác các sản phẩm từ sen kết hợp phục vụ du lịch, hầu hết các đầm sen ở hồ Tây đều có các dịch vụ cho thuê quần áo, đạo cụ để chụp ảnh. Để tạo nhiều không gian, các chủ đầm đóng cọc tre làm đường ra giữa đầm để du khách tiện di chuyển và ngắm sen; các đầm đều phục vụ trà sen, một số đầm còn có thêm các dịch vụ ăn uống...

Được biết, để khôi phục và phát triển nghề trồng sen, bên cạnh xây dựng, thực hiện dự án xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị, chính quyền địa phương đã tích cực hỗ trợ người dân kết nối tiêu thụ và quảng bá hình ảnh sen Tây Hồ. Đến nay, sen Bách Diệp hồ Tây đã được công nhận sở hữu trí tuệ.

Có thể nói, người Hà Nội yêu sen, sen cũng thích nghi với thổ nhưỡng với nhiều vùng đất, trong đó có Tây Hồ. Tuy nhiên, để những đầm sen ở Hồ Tây thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch Thủ đô, cũng như tạo điều kiện cho người dân địa phương có thể làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, nên chăng Hà Nội cần hình thành những vùng, làng nghề trồng sen như nhiều ngành, nghề truyền thống khác, kết hợp giữa sản xuất và du lịch để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị trên đơn vị canh tác.

Thông qua Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024 diễn ra ngày 12 đến hết ngày 16.7 được tổ chưc quy mô, bài bản đã quảng bá, tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hóa của Thăng Long Hà Nội, của vùng đất Tây Hồ, của “Sen” - loài hoa tượng trưng cho khí phách, bản sắc tâm hồn Việt. Thông qua lễ hội, giới thiệu những giá trị độc đáo của nghề “ướp trà sen”. Đây là dịp quảng bá hình ảnh sen Tây Hồ tới nhiều du khách trong và ngoài nước, từ đó tăng sự lan tỏa giá trị sen Tây Hồ; đồng thời, nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường xung quanh hồ Tây, tạo điểm nhấn cho phát triển du lịch...

Bài và ảnh: Thanh Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/lam-song-day-vung-sen-ho-tay-nuc-tieng-i381668/