Làn sóng FDI lần thứ 4 đang tới

Việt Nam đang đứng trước làn sóng đầu tư thứ 4, với sự chú ý của các 'đại bàng' công nghệ, các 'ông lớn' trong ngành bán dẫn thế giới về xây 'tổ'.

Ngay sau khi ban hành Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên vào năm 1987, Việt Nam đã nhanh chóng bước vào “sân chơi” FDI của thế giới. Cho tới nay, sau 37 năm, Việt Nam vẫn giữ được phong độ là một thị trường đầy tiềm năng dưới góc nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Lê Anh Dũng - Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu đầu tư Quốc tế (ICS) chia sẻ: Việt Nam đang đứng trước làn sóng đầu tư thứ 4, với sự chú ý của các “đại bàng” công nghệ, các “ông lớn” trong ngành bán dẫn thế giới về xây “tổ”.

 Ông Lê Anh Dũng - Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu đầu tư Quốc tế (ICS).

Ông Lê Anh Dũng - Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu đầu tư Quốc tế (ICS).

Làn sóng FDI lần thứ 4 đang tới

+ Sau 37 năm bước vào “sân chơi” FDI, theo ông, Việt Nam đã gặt hái được những thành công gì trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài?

- Thông qua các con số thống kê cho thấy, FDI luôn là một trong những “điểm sáng” của nền kinh tế Việt Nam. Ngay cả trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát, FDI vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng về số dự án và số vốn đăng ký mới. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đã, đang và tiếp tục đặt niềm tin vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, tỷ trọng thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực chế biến, chế tạo được nâng lên.

Nếu 10 năm trước, FDI các ngành chế biến, chế tạo chỉ chiếm khoảng 30% - 35% tổng lượng vốn, thì tới giai đoạn 2019 - 2022 đã tăng đáng kể lên 40% - 50%. Thậm chí, năm 2023, vốn đầu tư chế biến, chế tạo đạt khoảng 55% trên tổng vốn đầu tư lũy kế trong 36 năm qua.

 Việt Nam đang quy hoạch nhiều khu công nghiệp để đưa ra các chính sách ưu tiên khi thu hút vốn đầu tư FDI chất lượng cao. Ảnh: TD

Việt Nam đang quy hoạch nhiều khu công nghiệp để đưa ra các chính sách ưu tiên khi thu hút vốn đầu tư FDI chất lượng cao. Ảnh: TD

+ Một số ý kiến cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội “đón” sóng FDI lần thứ 4. Theo ông, vì sao làn sóng FDI lại tới vào thời điểm này?

- Sau 37 năm, Việt Nam đã ghi nhận 3 làn sóng đầu tư FDI và đang đứng trước cơ hội đón “đợt sóng” lần thứ tư. Mỗi làn sóng sẽ gắn liền với một giai đoạn lịch sử của chúng ta.

Làn sóng đầu tiên bắt đầu từ năm 1991 và kéo dài tới năm 2006. Tại giai đoạn này, Việt Nam đã thực hiện “trải thảm đỏ” với nhiều ưu đãi mời gọi các nhà đầu tư FDI. Đặc biệt, mỗi một địa phương đều có những chính sách thu hút đầu tư riêng biệt.

Điểm nhấn của làn sóng đầu tiên đó là việc công ty hàng đầu Nhật Bản - Honda đã lựa chọn Vĩnh Phúc để xây dựng nhà máy, đặt những nền móng đầu tiên cho ngành chế biến, chế tạo tại Việt Nam.

Làn sóng thứ hai bắt đầu từ năm 2007 đến hết năm 2014, bắt đầu với sự hợp nhất Luật Đầu tư trong nước và Luật Đầu tư nước ngoài tạo thành Luật Đầu tư “thống nhất”.

Trong Luật Đầu tư mới, Việt Nam đưa ra mục tiêu đẩy mạnh quá trình cải cách, thúc đẩy các luồng đầu tư có giá trị cao. Việc Samsung quyết định đầu tư tại Việt Nam chính là điểm nhấn trong làn sóng thứ hai. Tuy nhiên, do khủng hoảng tài chính toàn cầu, dòng vốn FDI có xu hướng sụt giảm trong những năm kế tiếp.

Làn sóng thứ ba bắt đầu từ năm 2015 bằng việc vốn FDI có xu hướng tăng trở lại, trung bình 20 - 25 tỷ USD/năm.

Điểm nhấn của làn sóng thứ ba chính là Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Nghị quyết 50 được ban hành vào năm 2019.

Trong Nghị quyết này, Bộ Chính trị đã đưa định hướng thu hút FDI 2.0 thế hệ mới, có sự chọn lọc và đưa ra các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư. Nghị quyết 50 cũng định hướng chiến lược thu hút đầu tư, đặt trọng tâm phát triển theo xu hướng công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và sản xuất hàng hóa dịch vụ có hàm lượng tri thức.

Những định hướng này đã tạo ra các vận hội mới cho Việt Nam. Đặc biệt, trong giai đoạn này, nền kinh tế thế giới xoay chuyển do tác động của đại dịch COVID-19.

Thay vì sản xuất tập trung như trước, sau đại dịch, các doanh nghiệp FDI đã lựa chọn sản xuất phân tán ra nhiều quốc gia khác nhau. Điều này dẫn tới sự thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong khi đó, làn sóng thứ tư nhen nhóm hình thành dựa trên những điểm nhấn quan trọng mới đây của nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể, yếu tố quan trọng đầu tiên cần được đề cập tới, đó là việc Việt Nam trở thành đối tác chiến lược toàn diện của Mỹ.

Nhờ đó, nhiều “ông lớn” trong ngành bán dẫn của xứ “cờ hoa” nói riêng và cả thế giới nói chung đã tìm tới Việt Nam để nghiên cứu, thăm dò môi trường đầu tư.

Chưa hết, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghệ của hàng không, vũ trụ nổi tiếng như Boeing, Airbus cũng đang rất quan tâm đến Việt Nam. Hiện tại, họ vẫn tiếp tục xem xét việc điều chuyển các cơ sở sản xuất linh kiện cho hàng không sang nước ta.

Như vậy, Việt Nam có cơ hội rất lớn trước các nhu cầu trở thành cứ điểm sản xuất bán thành phẩm và hoàn thiện sản phẩm thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu đó. Đây chính là giai đoạn báo hiệu làn sóng FDI lần thứ 4 đang tới.

 Samsung quyết định đầu tư tại Việt Nam chính là điểm nhấn trong làn sóng thứ hai. Ảnh: TT

Samsung quyết định đầu tư tại Việt Nam chính là điểm nhấn trong làn sóng thứ hai. Ảnh: TT

Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế để thu hút FDI

+ Việt Nam được các nhà đầu tư FDI đánh giá cao nhờ vào yếu tố chính trị ổn định, nhân công trẻ có trình độ cao. Đồng thời, Việt Nam cũng có nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn. Theo ông, ngoài những yếu tố nêu trên, Việt Nam còn lợi thế nào để thu hút FDI trong bối cảnh làn sóng thứ 4 đang tới?

- Trước đây, Việt Nam có điểm yếu là tỷ lệ nội địa hóa thấp, yếu tố này ảnh hưởng không nhỏ tới quyết định đầu tư của nhiều đối tác lớn. Tuy nhiên, đến nay điểm yếu này thực chất vẫn còn, nhưng được cải thiện rất nhiều.

Ví dụ trường hợp của Honda, sau khi vào Việt Nam hơn 20 năm đã nội địa hóa gần như hoàn toàn. Tương tự, với lĩnh vực điện tử, những năm gần đây, Samsung Việt Nam đã xây dựng được một mạng lưới nhà cung cấp thuần Việt, tuy rằng tỷ lệ vẫn còn khiêm tốn.

Tất nhiên, Việt Nam vẫn còn rất nhiều lợi thế khác, như có vị trí chiến lược, nằm dọc theo các tuyến đường vận chuyển giáp với Nam Trung Quốc và tập trung dọc theo Đông Á. Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển rất nhanh và có nhiều triển vọng trở thành “con hổ” mới của châu Á.

Việt Nam cũng quy hoạch nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế trên lãnh thổ để đưa ra các chính sách ưu tiên khi thu hút vốn đầu tư FDI chất lượng cao.

Ngoài ra, Việt Nam còn ký kết hơn 18 Hiệp định thương mại tự do, mang lại lợi thế thương mại thông qua các nước trong khu vực APAC, ASEAN, Châu Âu, Châu Mỹ,....

Trước những lợi thế nêu trên, Chính phủ, các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ và cả các doanh nghiệp thương mại đều có nhận thức rất rõ, thách thức lớn nhất của làn sóng FDI lần thứ 4 chính là nguồn nhân lực.

Vì vậy, Chính phủ đã tập trung mọi nguồn lực để mời gọi các “đại bàng công nghệ” về đầu tư bằng cách mở cửa chính sách thông thoáng, đồng thời đề nghị họ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ cho Việt Nam.

Song song với đó, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư, như giảm thiểu các thủ tục hành chính, giảm thiểu số lượng giấy phép con tạo hành lang thông thoáng cho triển khai đầu tư.

Hoặc có thể nới rộng mức ưu đãi đầu tư cho các địa bàn ưu đãi đầu tư, thời gian đầu tư như trước những năm 2009. Tôi cho rằng, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ tài chính, nguồn vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, các doanh nghiệp thuộc các hiệp hội sản xuất chuyên biệt.

+ Xin cảm ơn ông!

Hạ An (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lan-song-fdi-lan-thu-4-dang-toi-post299910.html