Làn sóng phát hành cổ phiếu để tăng vốn của các nhà băng
Việc ngân hàng tăng mạnh vốn điều lệ là rất cần thiết khi phải đẩy mạnh cung ứng vốn ra nền kinh tế nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 16%, và đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hệ thống. Tuy nhiên, việc tăng vốn cấp tập bằng phát hành cổ phiếu cũng gây ra lo ngại về việc rủi ro pha loãng cổ phiếu.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa có thông báo về việc được tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Đua nhau tăng vốn
Theo đó, nhà băng này sẽ phát hành hơn 197 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ phát hành 8%, có nghĩa cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 8 quyền mua. Mệnh giá cổ phiếu 10.000 đồng/cp, tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là gần 1.973 tỷ đồng.
Nguồn thực hiện là từ vốn chủ sở hữu tại thời điểm ngày 31/12/2024. Nếu hoàn thành đợt phát hành này, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng từ 24.658 tỷ đồng lên hơn 26.630 tỷ đồng.

Việc tăng vốn cấp tập bằng phát hành cổ phiếu của các ngân hàng gây ra lo ngại về việc rủi ro pha loãng cổ phiếu.
Tương tự, ngày 11/7 tới, Nam A Bank (NAB) sẽ thực hiện phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu năm 2025. Theo đó, Nam A Bank dự kiến phát hành hơn 343 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Nguồn phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu, tức lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và các quỹ khác theo quy định. Ngoài ra, Nam A Bank còn được phát hành thêm 85 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP.
Vietbank (VBB) cũng đã chốt danh sách cổ đông hưởng quyền để phát hành hơn 107 triệu cổ phiếu cho cổ đông từ nguồn vốn chủ sở hữu. Giá chào bán là 10.000 đồng/cp. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ dự kiến của Vietbank sẽ tăng thêm gần 1.070 tỷ đồng, lên 8.210 tỷ đồng.
Trong đợt 2, Vietbank phát hành thêm gần 271 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 33% so với vốn điều lệ đã tăng sau đợt 1. Nếu hoàn thành cả 2 đợt phát hành, vốn điều lệ Vietbank sẽ tăng từ 7.139 tỷ đồng lên gần 10.920 tỷ đồng.
Viet A Bank (VAB) cũng tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 2.764 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ tăng lên mức 8.164 tỷ đồng.
Trước đó, Ngân hàng ACB (ACB) được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm gần 6.700 tỷ đồng, từ việc phát hành thêm tối đa gần 670 triệu cổ phần mới để trả cổ tức cho cổ đông. Sau phát hành, vốn điều lệ sẽ tăng từ 44.667 tỷ đồng lên 51.367 tỷ đồng.
Ngân hàng VIB (VIB) cũng được tăng vốn thêm gần 4.300 tỷ đồng từ phát hành gần 417,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 14%, đưa vốn điều lệ tăng thêm gần 4.171 tỷ đồng.
Cùng với đó, VIB còn phát hành 7,8 triệu cổ phiếu ESOP, giúp vốn điều lệ tăng thêm 78 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành 2 cấu phần này, vốn điều lệ sẽ tăng từ hơn 29.791 tỷ đồng lên hơn 34.040 tỷ đồng.
Có đáng lo?
Nhìn chung, cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng thương mại đã “nóng” ngay từ những tháng đầu năm 2025, trong bối cảnh phải đẩy mạnh cung ứng vốn ra nền kinh tế nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 16%, và đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hệ thống.
Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì tiền mặt, không chỉ giúp các ngân hàng tích lũy vốn tự có và cải thiện tỷ lệ CAR, mà còn giúp nhà đầu tư sở hữu thêm cổ phiếu mà không phải bỏ thêm vốn đầu tư.
Tuy nhiên, việc phát hành cổ phiếu với tỷ lệ cao cũng tạo rủi ro pha loãng giá cổ phiếu, vì lượng cung hàng hóa gia tăng đột ngột và dòng tiền trên thị trường không đủ hấp thụ lượng hàng hóa mới. Do đó, nhà đầu tư phải cân nhắc giữa lợi ích trước mắt và tiềm năng tăng trưởng của ngân hàng trong dài hạn.
Chưa kể, trên thị trường, nhóm ngân hàng là nhóm cổ phiếu có tỷ lệ cao, chiếm tỷ trọng 40% của VN-Index, vì vậy việc cấp tập bung ra lượng lớn cổ phiếu, nếu bị giảm giá thì sẽ gây ảnh hưởng kém tích cực tới thị trường chung.
Dù vậy, dưới góc nhìn tích cực, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, mặc dù ồ ạt tăng vốn, song hệ số CAR của các ngân hàng Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với khu vực. Với các ngân hàng thương mại, tăng vốn điều lệ không chỉ để đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn vốn theo Basel III, mà còn để nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng khả năng ứng phó với rủi ro, tăng cường năng lực tài chính…
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, bên cạnh việc tăng vốn để cải thiện năng lực tài chính khi CAR có dấu hiệu suy giảm, một mục tiêu quan trọng của các ngân hàng trong giai đoạn hiện nay là tăng vốn để giải quyết tình trạng nợ xấu đang tăng nhanh.
Theo ông Huân, cách tăng vốn điều lệ bằng nguồn lợi nhuận giữ lại cũng tối ưu hóa lợi nhuận cho cổ đông khi giá cổ phiếu ngân hàng tăng đáng kể trong thời gian qua.
Mặt khác, theo ông Michael Kokalari, CFA, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô, Nghiên cứu thị trường VinaCapital, cổ phiếu ngân hàng ở Việt Nam đang giao dịch ở mức P/B 1,3 lần với dự phóng cho năm 2025, cùng tỷ lệ ROE dự phóng ở mức 16%. Mức P/B này đang thấp hơn gần 2 độ lệch chuẩn so với mức P/B trung bình quá khứ 5 năm của ngành ngân hàng.
Thực tế, với thị giá cổ phiếu của đa phần các ngân hàng niêm yết đang ở mức dưới 30.000 đồng/cp, nhà đầu tư mua vào trong nửa đầu năm nay các cổ phiếu ngân hàng đều đang có cơ hội hưởng lợi kép gồm cổ tức và cơ hội tăng giá.
Cổ tức dù bằng tiền mặt hay cổ phiếu của các nhà băng năm nay phổ biến từ 10-20%, trên nền thị giá thấp được đánh giá là có tỷ suất cao hơn lãi suất tiết kiệm (khoảng 5%/năm), còn về cơ hội tăng giá thì khá rõ nét với dòng tiền đang trở lại và chỉ số VN-Index đã ở đỉnh cao nhất 3 năm. Cơ hội để VN-Index vượt đỉnh lịch sử 1.530 điểm được giới phân tích nhận định sẽ do nhóm cổ phiếu ngân hàng tạo nên. Do đó, nhóm cổ phiếu này còn triển vọng tăng trong thời gian tới.
“Với quan điểm thận trọng, chúng tôi kỳ vọng vùng định giá hợp lý cho VN-Index là quanh 1.380 điểm, tương ứng với P/E 12x và tăng trưởng EPS của các doanh nghiệp niêm yết ở mức 14% trong kịch bản cơ sở. VN-Index được dự báo giao dịch quanh vùng 1.200-1.300 điểm (P/E 11x và tăng trưởng EPS từ 12-14%) trong kịch bản tiêu cực và hướng tới vùng 1.400-1.500 điểm trong kịch bản tích cực (P/E 13x và tăng trưởng EPS từ 14-18%) khi được dẫn dắt bởi những cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ có đóng góp lớn”, bà Bùi Thị Thao Ly, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV) nêu.