Lan tỏa dấu ấn văn học Việt

Ngày 18/7 vừa qua, Hiệp hội Văn bút Anh (English PEN) đã công bố 16 tác phẩm đoạt giải dịch thuật 'PEN Translates', được viết bằng 10 ngôn ngữ khác nhau, gồm nhiều thể loại: Tiểu thuyết, tập truyện ngắn, sách phi hư cấu, kịch thơ, văn học trẻ... Điều bất ngờ, trong số đó có 2 tựa sách được dịch từ tiếng Việt lần đầu xuất hiện trong danh sách giải thưởng này, đó là 'Elevator in Saigon' (Thang máy Sài Gòn) của tác giả Thuận và 'Water: A Chronicle' (Biên sử nước) của Nguyễn Ngọc Tư, đều do dịch giả Nguyễn An Lý thực hiện.

Những tín hiệu vui từ văn học dịch

Theo trang web của English PEN, các cuốn sách đoạt giải thưởng còn lại đến từ 11 khu vực, dịch từ 10 ngôn ngữ như tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Arab, Kannada, Greenland... Giải thưởng “PEN Translates” ra đời năm 2012 với hỗ trợ từ Hội đồng Nghệ thuật Anh nhằm khuyến khích các nhà xuất bản tại Anh tìm kiếm và giới thiệu sách từ nhiều ngôn ngữ khác. Những dự án thắng giải sẽ nhận tài trợ lên đến mức 75% chi phí dịch thuật của cuốn sách. Với những nhà xuất bản doanh thu nhỏ hơn 500.000 bảng Anh, mức hỗ trợ có thể được cân nhắc lên đến 100% và mỗi năm có 2 đợt để nộp tác phẩm: tháng 4-5 và tháng 10-11.

Việc 2 tác phẩm văn học dịch đến từ Việt Nam do người Việt thực hiện lọt vào danh mục giải thưởng này đem đến cho người đọc, người viết không chỉ sự bất ngờ mà còn là niềm hy vọng về sự lan tỏa của dấu ấn văn học Việt Nam ở nước ngoài sẽ dần trở nên rõ nét hơn.

Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai (bìa phải) trong buổi giao lưu cùng độc giả nước ngoài với tác phẩm “Dust Child”.

Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai (bìa phải) trong buổi giao lưu cùng độc giả nước ngoài với tác phẩm “Dust Child”.

Nguyễn An Lý là một dịch giả chuyên nghiệp, hiện sống tại TP Hồ Chí Minh. Chị đã dịch nhiều tác phẩm văn học từ tiếng Anh sang tiếng Việt như “Chuyện người tùy nữ” và “Tay sát thủ mù” của Margaret Atwood, “Con sẻ vàng” của Donna Tartt tới “Tàn ngày để lại” của Kazuo Ishiguro, “Truyện hư cấu” của J. L. Borges...

Tháng 11/2023, dịch giả Nguyễn An Lý được vinh danh tại Giải thưởng Dịch thuật quốc gia về văn xuôi của Hiệp hội Dịch giả văn học Mỹ với bản dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh đầu tay với tác phẩm “Chinatown” (Phố Tàu) của tác giả Thuận. Bản dịch này sau đó tiếp tục mang lại cho cô Giải dịch thuật cho bản dịch tiếng Anh đầu tay TA của Hiệp hội Tác giả Anh. Như vậy là, với “Elevator in Saigon” và “Water: A Chronicle” được xướng tên tại giải dịch thuật “PEN Translates” của Hiệp hội Văn bút Anh, đây là lần thứ hai dịch giả Nguyễn An Lý được vinh danh ở hệ thống giải thưởng văn chương tại Anh.

“Biên sử nước” (Water: A Chronicle) là tiểu thuyết thứ hai của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được phát hành vào năm 2020, sau tiểu thuyết “Sông” ra đời năm 2012. Trong thế giới của nước mà Nguyễn Ngọc Tư tạo nên, con người nhỏ bé và dễ dàng biến mất trên cuộc đời này. Những gì còn sót lại của họ chỉ là những chuyện kể, một vài nét phác họa mờ, đến cuối cùng cả danh tính cũng không và dường như tất cả bị vây chặt trong không gian mênh mông của nước. Đây là tác phẩm kết tinh những đặc sắc trong những tìm tòi sáng tạo của Nguyễn Ngọc Tư về nội dung lẫn bút pháp.

Tiểu thuyết vừa quen thuộc, vừa lạ lẫm, cho phép người đọc tái khám phá một Nguyễn Ngọc Tư điêu luyện trong việc khắc họa thân phận con người nhưng cũng đầy mới mẻ. Bản tiếng Anh của “Biên sử nước” sẽ ra mắt vào tháng 10 tới đây do Major Books xuất bản. (Major Books là đơn vị xuất bản tại Anh do người Việt thành lập và vận hành, mang những tác phẩm văn học Việt đến với các nước nói tiếng Anh và cộng đồng sử dụng tiếng Anh trên thế giới).

Còn “Thang máy Sài Gòn” lấy bối cảnh năm 2004, một thiếu phụ trẻ gốc Việt, sau cái chết của mẹ trong thang máy, quyết định tìm người đàn ông có tên Paul Polotski mà bà từng yêu trong Nhà tù Hỏa Lò ngay đêm trước chiến dịch Điện Biên Phủ. Tác phẩm từng được trao tặng Giải Sáng tạo (Bourse de Creátion) năm 2013 của Trung tâm Sách quốc gia Pháp (Centre National du Livre). “Elevator in Saigon” do Tilted Axis Press xuất bản. (Tilted Axis Press là đơn vị xuất bản độc lập chuyên về văn học đương đại và hướng đến khám phá những địa vực văn học còn xa lạ với công chúng nói tiếng Anh).

Tác giả Việt thành công khi sáng tác bằng tiếng Anh

Có thể thấy, sự ra đời của những đơn vị đầu tư xuất bản tác phẩm tiếng Việt (và các ngôn ngữ ít thông dụng) dịch sang tiếng Anh và sự hỗ trợ đáng kể từ hiệp hội văn học của các nước nói tiếng Anh đang tạo những điều kiện thuận lợi để giới thiệu văn học Việt với cộng đồng độc giả trên thế giới. Bên cạnh các tác phẩm viết bằng tiếng Việt được dịch sang tiếng Anh, có thể kể thêm một số tác phẩm của tác giả Việt Nam viết bằng tiếng Anh cũng có được thành công đáng kể.

Thời gian qua, một cuốn tiểu thuyết của nhà văn người Việt gây được sự chú ý với quốc tế, đó chính là cuốn “The Mountains Sing” của Nguyễn Phan Quế Mai. Tác giả viết bằng tiếng Anh và xuất hiện lần đầu tại Mỹ vào tháng 3/2020, đã được dịch ra trên 20 ngôn ngữ khác nhau như tiếng Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Hà Lan, Italy, Thụy Điển, Croatia, Bồ Đào Nha, Phần Lan...

Bất ngờ hơn là đến nay cuốn sách đã được trao những giải thưởng uy tín như: Giải thưởng BookBrowse năm 2020 dành cho tiểu thuyết đầu tay xuất sắc nhất; Lannan Literary Award Fellowship năm 2020 vì “đóng góp cho hòa bình và hòa giải”; Bloggers Book Prize năm 2021; Sách quốc tế năm 2021 ở 2 hạng mục Đa văn hóa và Văn học hư cấu; PEN Oakland/ Josephine Miles Literary Award Fellowship năm 2021; Giải Nhì giải thưởng Văn học Dayton vì hòa bình năm 2021...

Bìa cuốn “Thang máy Sài Gòn” của tác giả Thuận và “Biên sử nước” của Nguyễn Ngọc Tư do Nguyễn An Lý dịch.

Bìa cuốn “Thang máy Sài Gòn” của tác giả Thuận và “Biên sử nước” của Nguyễn Ngọc Tư do Nguyễn An Lý dịch.

Có thể nói, trong vòng 10 năm qua, đây là cuốn sách của một tác giả người Việt gây được sự chú ý nhiều nhất, rộng rãi nhất khi chỉ trong một thời gian ngắn đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới và được vinh danh bằng những giải thưởng danh giá. Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai chia sẻ rằng, chị đã mất tới 7 năm để hoàn thành tiểu thuyết “The Mountains Sing”. Đến với văn chương bằng thơ, “The Mountains Sing” là cuốn tiểu thuyết đầu tay của chị, nhưng lại được viết bằng tiếng Anh là thử thách đối với chính tác giả, đồng thời cũng là điều khiến độc giả Việt tò mò vì cho đến nay phiên bản tiếng Việt của tiểu thuyết vẫn chưa xuất hiện tại Việt Nam.

Năm 2023, tiểu thuyết thứ hai viết bằng tiếng Anh có tên “Dust Child” (Bụi đời) của chị tiếp tục được Nhà xuất bản Algonquin Books ấn hành và đến nay đã được dịch ra gần 10 thứ tiếng như Pháp, Đức, Italy, Croatia, Czech, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Phần Lan... Đồng thời, tiểu thuyết “Dust Child” cũng đã đoạt một số giải thưởng quốc tế như: Giải thưởng tiểu thuyết lịch sử xuất sắc nhất năm 2023 do bạn đọc Tạp chí She Reads bình chọn; được vinh danh là Tiểu thuyết quốc tế hay nhất của năm tại Apple Books Canada; được Star Tribune vinh danh là Cuốn sách hay nhất năm 2023.

Chia sẻ về lý do tại sao chọn cách viết tiểu thuyết bằng tiếng Anh thay vì viết bằng tiếng Việt sau đó dịch sang tiếng Anh, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai chia sẻ: “Theo quan sát của tôi, có rất nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Anh về Việt Nam đã được xuất bản, còn tác phẩm do người Việt viết rất ít. Những bộ phim, tiểu thuyết của các tác giả người Mỹ hay phương Tây thường diễn đạt về nước Việt Nam, người Việt Nam theo cách thứ yếu, cốt để làm nền cho câu chuyện của họ. Chính vì thế, tôi muốn viết bằng tiếng Anh để phản kháng lại sự “đô hộ” của phương Tây trong văn học viết về Việt Nam... Khi người Việt chúng ta góp được tiếng nói của mình vào dòng văn học tiếng Anh, ở đó con người Việt Nam được đặt ở vị trí trung tâm, là cách thức chúng ta chống lại sự “đô hộ” đó! Vì thế, tôi đề nghị nhà xuất bản phải giữ nguyên tên riêng các nhân vật có dấu như trong tiếng Việt. Tôi mong muốn mời độc giả phương Tây vào với văn hóa Việt Nam, tìm hiểu văn hóa Việt Nam...”.

Tuy nhiên, như dịch giả Nguyễn An Lý từng chia sẻ thì, tất cả những điều này vẫn đang chỉ dừng ở những “nỗ lực cá nhân” chứ chưa có được sự đầu tư có tính chiến lược, lâu dài từ chính sách. Từ góc độ cá nhân, dịch giả Nguyễn An Lý cho rằng: “Sách dịch Việt Nam hiện giờ chủ yếu đến từ các nhà nghiên cứu, vận động cá nhân của các nhà văn, sự yêu mến của một vài người bạn, hoặc ngẫu nhiên may mắn như tôi. Mọi nỗ lực riêng lẻ đều đáng quý, nhưng sẽ èo uột và chết yểu nếu không có sự đầu tư chính thức, bền vững, kiên trì. Rất nhiều nơi sẵn lòng tạo điều kiện về tổ chức, có nhiều nhà xuất bản sẵn lòng tạo không gian cho sách dịch Việt, nhưng chiến lược lâu dài chỉ có thể trông vào Nhà nước hoặc các đại doanh nghiệp, chứ không thể nhờ các dịch giả tài hèn sức mỏng hay nhà xuất bản trong nước vốn đã đau đầu với bài toán kinh tế...”.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/lan-toa-dau-an-van-hoc-viet-i738528/