Lan tỏa hàng ý thức tiêu dùng Việt tới người dân Thủ đô

Cùng với việc nâng cao chất lượng hàng hóa, thời gian qua, Hà Nội còn liên tục mở rộng mạng lưới phân phối nhằm lan tỏa và đưa hàng Việt tới gần hơn với người tiêu dùng.

Nhằm xây dựng văn hóa, thói quen tiêu dùng của người Việt với hàng Việt, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp có ý thức sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh cho thương hiệu…

Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” đã trở thành một trong những hoạt động quan trọng của thành phố Hà Nội. Cùng với việc nâng cao chất lượng hàng hóa, thời gian qua, Hà Nội còn liên tục mở rộng mạng lưới phân phối để đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng.

Người tiêu dùng tham quan mua sắm tại Vincom Plaza Long Biên, khu đô thị Vinhomes Riverside Ảnh: Phương Anh-TTXVN

Người tiêu dùng tham quan mua sắm tại Vincom Plaza Long Biên, khu đô thị Vinhomes Riverside Ảnh: Phương Anh-TTXVN

Ông Nguyễn Văn Tài - Giám đốc Công ty CP Du lịch Vietsense cho biết, sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp được hưởng lợi ích to lớn khi được bình chọn trong chương trình vì được truyền thông, quảng bá.

Không những vậy, nhờ có chương trình mà khách hàng được tiếp cận nhiều sản phẩm, dịch vụ giá tốt và cảm thấy yên tâm khi mua dịch vụ trong chương trình này.

Tương tự, theo ông Nguyễn Minh Hoàng - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Tâm Bình, việc tham gia và hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng như Chương trình bình chọn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp công ty lan tỏa thương hiệu.

Thông qua việc tham gia các hội chợ, tuần hàng Việt, các chương trình bình chọn…, sản phẩm của doanh nghiệp đã được đông đảo người tiêu dùng Thủ đô và cả nước tin tưởng, lựa chọn.

Đánh giá mặt được của việc triển khai chương trình từ góc độ doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội nhấn mạnh, đó là sự tăng trưởng lợi nhuận khi tham gia bình chọn đều tăng từ 10 - 20%; lợi nhuận trên đầu sản phẩm từ 15 - 20%; hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ít đi.

Hơn nữa, qua đây doanh nghiệp còn xác định được phân khúc khách hàng; quy trình sản xuất đầu tư của doanh nghiệp thay đổi nhiều; xác lập được kênh bán hàng; chất lượng sản phẩm khi tham gia đều được thay đổi, được làm mới.

Cùng đó, doanh nghiệp đưa ra mức giá phù hợp; chuỗi liên kết cung ứng giữa doanh nghiệp được xác lập; mua nguyên liệu với giá hợp lý và được hưởng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ tích cực từ Trung ương, thành phố và các sở, ban, ngành.

Người dân mua sắm tại Co.opmart Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Người dân mua sắm tại Co.opmart Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Với phương châm sử dụng nguồn cung ứng sản phẩm có nguồn gốc nội địa, hàng sản xuất trong nước luôn là ưu tiên hàng đầu, cán bộ thu mua của hệ thống đại siêu thị GO!, Big C (thuộc Central Retail Việt Nam) đã chủ động tìm đến nhà cung cấp tại địa phương để đưa các sản vật, đặc sản vùng miền đến với người tiêu dùng cả nước.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam chia sẻ, hiện tại, tỷ lệ hàng Việt tại hệ thống bán lẻ của Central Retail (siêu thị GO!, Big C và siêu thị Tops Market) là trên 90%.

Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội (quận Hà Đông), để hàng Việt có sức lan tỏa và lớn mạnh, ngoài kênh bán lẻ trực tiếp, việc áp dụng số hóa sẽ cung cấp thêm cho người tiêu dùng những trải nghiệm mua sắm mới, hiện đại, tiện lợi hơn…, tạo nên sức mạnh cộng hưởng trong phát triển chuỗi cung ứng, gia tăng nội lực cạnh tranh cho các thương hiệu Việt.

Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, đến nay, hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ trên 90% tại các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước; chiếm 60 - 96% tại hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt Nam tại chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. Xu hướng người Việt dùng hàng Việt đã dần phổ biến.

Theo các chuyên gia, Cuộc vận động ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã giúp hàng Việt ngày càng có sự lan tỏa, được người tiêu dùng cả nước biết đến và hưởng ứng tích cực.

Cùng đó, tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước có mặt trong hệ thống phân phối tăng cao. Đông đảo người tiêu dùng lựa chọn, tin tưởng hàng Việt, nhất là đối với phân khúc hàng Việt Nam chất lượng cao… Đáng lưu ý, siêu thị chính là kênh quảng bá, xúc tiến thương mại quan trọng, đưa các sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

Để hàng Việt tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng, bà Trần Thị Phương Lan- Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định: Thời gian qua, Sở Công Thương đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu.

Đồng thời, vận động, khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp.

Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện Cuộc vận động ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng, quảng bá, phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu cho các sản phẩm hàng Việt.

Cùng đó, phối hợp xây dựng các chương trình và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng để đưa hàng Việt chiếm thị phần tương xứng trong hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn thành phố.

Mặt khác, mở rộng mạng lưới điểm bán hàng cố định, lưu động đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi; giới thiệu và quảng bá sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn,… Các sở, ngành cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng, nguồn gốc… hàng Việt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Nhằm phát huy hiệu quả, bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo cuộc vận động thành phố sẽ tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chú trọng tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh sản phẩm, hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, nhất là sản phẩm, dịch vụ được bình chọn, công nhận ‘Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích’.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các chương trình đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng. Ngoài ra, tiếp tục rà soát, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm có thế mạnh của địa phương; tăng cường giới thiệu, kết nối để hàng Việt có thể đi sâu vào đời sống và tạo thói quen cho người tiêu dùng Việt./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lan-toa-hang-y-thuc-tieu-dung-viet-toi-nguoi-dan-thu-do/301827.html