Lan tỏa 'Không gian văn hóa Hồ Chí Minh' cần chiến lược dài hạn

Việc xây dựng và lan tỏa 'Không gian văn hóa Hồ Chí Minh' không chỉ mang ý nghĩa chính trị hay văn hóa, mà còn là một hành động nhân văn, góp phần quảng bá giá trị Việt Nam ra thế giới.

Mặc dù hành trình xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại nhiều quốc gia đã có được những bước đi ban đầu nhưng trong bối cảnh mới, chúng ta cũng đối mặt với không ít khó khăn.

Về khách quan, sự đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ và thói quen tiếp nhận thông tin đòi hỏi nội dung, thông tin phải được “địa phương hóa” một cách tinh tế, đồng thời ngắn gọn, sinh động và phù hợp với xu hướng truyền thông số.

Về chủ quan, một số cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vẫn gặp hạn chế về nguồn lực cả nhân lực và tài lực, cũng như việc ứng dụng cụ truyền thông hiện đại. Ngoài ra, việc thiếu đồng bộ trong phối hợp, chia sẻ và khai thác hệ thống tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả lan tỏa.

Đặc biệt, để triển khai việc xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” ở nước ngoài một cách hiệu quả, một số câu hỏi cơ bản được đặt ra đòi hỏi những hướng tiếp cận và hình thức lan tỏa mới.

Đầu tiên, chúng ta phải trả lời câu hỏi làm thế nào để thiết kế “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vừa đảm bảo tính biểu tượng, trang nghiêm, vừa gần gũi, sống động, phù hợp với bối cảnh văn hóa, lịch sử và điều kiện cơ sở vật chất của nước sở tại?

Thứ hai là trong các hình thức phi vật thể như triển lãm, phim tư liệu, nghệ thuật trình diễn, đối thoại học thuật… đâu là những hình thức có thể chạm tới công chúng quốc tế một cách hiệu quả nhất khi truyền tải tư tưởng, nhân cách và di sản Hồ Chí Minh?

Thứ ba là trong kỷ nguyên số, đâu là những cách thức tích hợp công nghệ hiện đại - như thực tế ảo, ứng dụng đa phương tiện, nền tảng trực tuyến để nâng cao tính tương tác, khả năng lan tỏa, và thu hút sự tham gia của các đối tượng trẻ tuổi trong và ngoài nước?

Thứ tư là các đại sứ quán nước ngoài có kinh nghiệm nào trong việc quản lý và duy trì các không gian văn hóa tại nước sở tại, và Việt Nam có thể học hỏi những bài học nào từ các mô hình này?

Thứ năm là làm thế nào để “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” không chỉ là điểm đến văn hóa mà còn trở thành nơi kết nối cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời lan tỏa giá trị Việt Nam tới bạn bè sở tại một cách chân thành, thuyết phục và bền vững?

Trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra sâu rộng, việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người và các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư tưởng, nhân cách và di sản vượt thời đại từ lâu đã trở thành biểu tượng kết tinh cho bản sắc và khát vọng của dân tộc Việt Nam. Việc tôn vinh Người không chỉ nhằm tưởng nhớ một lãnh tụ vĩ đại mà còn là một chiến lược văn hóa - đối ngoại mang tầm vóc toàn cầu.

Những năm gần đây, các “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” đã từng bước được hình thành tại một số cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, đóng vai trò như “cửa sổ văn hóa” để bạn bè quốc tế tiếp cận với giá trị Việt Nam qua lăng kính của một con người vĩ đại. Để “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” thực sự trở thành thiết chế mềm có sức lan tỏa, không chỉ trong cộng đồng người Việt mà cả trong lòng bạn bè quốc tế, đòi hỏi một cách làm mới, đồng bộ, sáng tạo và mang tính chiến lược lâu dài.

Thứ nhất, cần phát huy sáng kiến, xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” ở nước ngoài một cách bài bản, có chiều sâu, tổng thể, lộ trình và mục tiêu rõ ràng. Chúng ta cần tiến hành tổng kết, đánh giá việc triển khai trong thời gian qua để đưa nội dung này vào báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 85 ngày 19/8/2020 của Ban Bí thư. Từ đó, kiến nghị Ban Bí thư có văn bản chỉ đạo riêng, tạo sự thống nhất và quyết tâm chính trị cao để tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa.

Thứ hai, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong và ngoài nước, đặc biệt là với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, sơ kết, tổng kết và tổ chức các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Chỉ thị 05. Đồng thời, cần phối hợp hiệu quả với các nước sở tại để tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong việc xây dựng các công trình, tượng đài, khu lưu niệm, điểm sinh hoạt văn hóa về Hồ Chí Minh.

Thứ ba, đa dạng hóa các hình thức tổ chức “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”. Cần phát huy hơn nữa các hình thức tôn vinh phi vật thể - những hình thức có khả năng lan tỏa sâu rộng và lâu dài, đặc biệt là với thế hệ trẻ trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và thế hệ trẻ các nước sở tại, bao gồm: hội thảo, tọa đàm, triển lãm tranh ảnh, phát hành ấn phẩm và phim tài liệu, tủ sách điện tử Hồ Chí Minh bằng nhiều ngôn ngữ, xây dựng mô hình “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại cơ quan đại diện. Đặc biệt cần ứng dụng chuyển đổi số để lan tỏa tư tưởng của Người trên mạng xã hội và các nền tảng số. Theo đó, thay vì tổ chức biểu diễn trực tiếp tốn kém, ta có thể sản xuất các video ngắn, clip sáng tạo, ấn tượng, dễ chia sẻ trên TikTok, YouTube và các nền tảng khác, tập trung hướng đến giới trẻ với ngôn ngữ hiện đại, cô đọng, dễ ghi nhớ.

Thứ tư, cần khuyến khích sáng tạo các hình thức nghệ thuật mới gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là từ thế hệ trẻ, không chỉ dừng lại ở các bài hát, hình thức truyền thống, mà có thể là nhạc rock, rap, các sản phẩm số mang thông điệp mạnh mẽ và cảm xúc. Chính những sản phẩm này mới dễ dàng lan tỏa, chạm tới trái tim công chúng trẻ tuổi trong thời đại số.

Thứ năm, cần từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống tư liệu số hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao gồm hình ảnh, hiện vật, tài liệu nghiên cứu để chia sẻ rộng rãi tới các thư viện, viện bảo tàng, trường học và tổ chức học thuật ở nước ngoài. Việc này không chỉ góp phần gìn giữ và lan tỏa di sản tư tưởng, văn hóa Hồ Chí Minh một cách hệ thống, hiện đại, mà còn tạo ra một nguồn tài nguyên tri thức tin cậy, phục vụ hiệu quả cho công tác giáo dục, nghiên cứu và giới thiệu hình ảnh Việt Nam trong môi trường học thuật và văn hóa quốc tế.

Thứ sáu, tăng cường nguồn lực xã hội, huy động sự đồng hành của doanh nghiệp, trí thức kiều bào và bạn bè quốc tế yêu mến Việt Nam. Chính sự tham gia rộng rãi của cộng đồng sẽ tạo nên nền tảng vững chắc để các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ mang tính biểu tượng, mà còn được triển khai một cách bền vững, có chiều sâu, góp phần lan tỏa giá trị của Người một cách sinh động trong đời sống văn hóa và tinh thần quốc tế.

Thứ bảy, tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài như những “điểm tựa văn hóa” trong công tác lan tỏa bản sắc dân tộc. Trong đó, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh chính là kết tinh tiêu biểu nhất cho hình ảnh một Việt Nam nhân văn, độc lập, khoan dung và hội nhập – góp phần xây dựng cầu nối tin cậy giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế thông qua sức mạnh của văn hóa và trí tuệ.

Việc xây dựng và lan tỏa "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" vừa mang ý nghĩa chính trị - văn hóa, vừa là một hành động nhân văn, góp phần quảng bá giá trị Việt Nam ra thế giới như Tổng Giám đốc UNESCO từng nói: “Cách tốt nhất để tưởng nhớ di sản nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếp tục hợp tác để bảo vệ, giáo dục, gìn giữ văn hóa và di sản như một giá trị chung của nhân loại”. Đó cũng là trách nhiệm và khát vọng của chúng ta hôm nay. Lan tỏa “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” không chỉ vì tri ân quá khứ mà còn để vun đắp cho tương lai.

Tác giả: Kiều Anh, Bích Thuận, Ngọc Diệp, Lê Hoàng, Hùng Cường

Nguồn ảnh: Trần Tuấn, Hồ Hải, Hà Phương

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/lan-toa-khong-gian-van-hoa-ho-chi-minh-can-chien-luoc-dai-han-post1212436.vov