Lan tỏa kiến thức pháp luật về luật sư tới cộng đồng

Cuộc thi trực tuyến 'Tìm hiểu quy định của pháp luật về luật sư và quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư' diễn ra trong tháng 8 do Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh tổ chức. Đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đã tích cực tham gia, góp phần lan tỏa sâu rộng kiến thức pháp luật về luật sư tới cộng đồng.

Dự thi để có thêm kiến thức

Tham gia cuộc thi, Thượng úy Lương Đức Hiếu, cán bộ Phòng Tham mưu (Công an tỉnh) cho hay: “Tôi tranh thủ ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ để nghiên cứu Luật luật sư và các quy định liên quan, sau đó mới làm bài. Do các câu hỏi ở dạng trắc nghiệm nên tôi đọc kỹ, thi nhiều lượt, sau đó mới hệ thống lại theo nhóm câu hỏi để trả lời chính thức 20 câu”.

 Cán bộ Phòng Tham mưu (Công an tỉnh) làm bài dự thi.

Cán bộ Phòng Tham mưu (Công an tỉnh) làm bài dự thi.

Để lan tỏa về cuộc thi này, Công an tỉnh đã phát động toàn thể cán bộ, chiến sĩ hưởng ứng, giao chỉ tiêu cho công an các đơn vị, địa phương, thông tin qua các kênh, nhóm Facebook, Zalo và trang Thông tin điện tử tổng hợp của Công an tỉnh. Định kỳ hằng tuần rà soát, thông báo kết quả, đôn đốc thực hiện.

Đại tá Trần Thế Cường, Phó Giám đốc Công an tỉnh thông tin, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng và quần chúng nhân dân được coi là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên song hành với chuyên môn, nghiệp vụ. Cuộc thi tìm hiểu pháp luật về luật sư cũng là dịp để cán bộ, chiến sĩ nắm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của luật sư, từ đó tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền, nâng cao hiệu quả trong đấu tranh với các loại tội phạm liên quan.

Tại thị xã Việt Yên, cuối tháng 7, Phòng Tư pháp - cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thị xã cùng với Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị triển khai cuộc thi tới cán bộ lãnh đạo, quản lý, giáo viên các trường học trên địa bàn. Hằng tuần, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thị xã thông tin về cuộc thi qua hệ thống loa phát thanh để người dân nắm được. Nhờ đó, thị xã Việt Yên đã có 2.734 người đăng ký với 30.179 lượt bài dự thi, là địa phương có số lượng người đăng ký dự thi cao nhất trong số 10 huyện, thị xã, TP.

Chị Trần Thị Hoa, cán bộ phường Nếnh nói: “Xã hội càng phát triển thì luật sư và nghề luật sư càng trở nên quan trọng. Tham gia cuộc thi cũng là cách nhanh nhất để tôi có thêm kiến thức, hiểu rõ hơn đạo đức nghề nghiệp của luật sư; những lĩnh vực nào cần sự tư vấn, hỗ trợ của luật sư; mức thù lao, chi phí dịch vụ theo hợp đồng mà người dân phải trả cho luật sư. Từ đó có thể tư vấn cho người dân trong giải quyết tranh chấp về đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình…

Đa dạng hoạt động phổ biến pháp luật

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thông tin, luật sư với tư cách là người có kiến thức sâu, rộng về pháp luật, có chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Luật sư đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì kỷ cương pháp luật, góp phần bảo vệ quyền cơ bản hợp pháp của công dân và phát triển xã hội.

Tháng 10 tới, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh tiến hành tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác tổ chức cuộc thi; đồng thời tiến hành trao 16 giải cá nhân, 11 giải tập thể. Trong đó giải Nhất cá nhân trị giá 4 triệu đồng, giải Nhất tập thể trị giá 5 triệu đồng. Tổng giá trị giải thưởng là 50 triệu đồng.

Cuộc thi “Tìm hiểu quy định của pháp luật về luật sư và quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư” lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến, bắt đầu từ ngày 1/8 đến ngày 31/8. Đối tượng dự thi đa dạng từ cán bộ, đảng viên, người lao động ở cơ quan, doanh nghiệp đến những người dân.

Thông qua làm bài thi, cán bộ, người dân có thể hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của luật sư, đạo đức nghề nghiệp của luật sư nói chung và đội ngũ luật sư hành nghề trên địa bàn tỉnh nói riêng. Cuộc thi cũng nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của đông đảo cán bộ, người dân.

Theo Sở Tư pháp - cơ quan thường trực cuộc thi, ngay từ khi mới phát động, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, người lao động và người dân tham gia. Điển hình như: Công an tỉnh có 2.424 người đăng ký với 45.322 lượt dự thi; Sở Tư pháp có 100% cán bộ đăng ký với 14.493 lượt dự thi. Tiếp đó là các đơn vị, địa phương như: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Nội chính Tỉnh ủy; thị xã Việt Yên, huyện Tân Yên… Tổng hợp toàn tỉnh có 79.869 người đăng ký với 333.986 lượt dự thi.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai, phát động cuộc thi ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa tích cực, số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham dự chưa cao. Cá biệt ở một số địa phương, người dân còn chưa biết đến cuộc thi. Việc triển khai, hưởng ứng ở các doanh nghiệp còn hạn chế nên công nhân ở khu, cụm công nghiệp không tham gia.

Trong thời gian thi, hạ tầng kỹ thuật có lúc chưa bảo đảm, vẫn còn xảy ra lỗi. Khắc phục những hạn chế này, nhằm tăng cường hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp tham mưu cho Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), đa dạng hóa và đổi mới các hoạt động tuyên truyền bảo đảm tất cả người dân đều được tiếp cận thông tin pháp luật. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo trong thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới mọi người.

Bài, ảnh: Tuyết Mai

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/lan-toa-kien-thuc-phap-luat-ve-luat-su-toi-cong-dong-090943.bbg