Lan tỏa 'Tiếng Anh cộng đồng'
Năm 2015, lần đầu Trường đại học Tây Bắc tổ chức chương trình tình nguyện dạy 'Tiếng Anh cộng đồng' trong khuôn khổ một đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tổng kết chương trình lớp học năm đó, trường đã nhận được sự phản hồi tích cực, nhất là từ những người học.
Mặc dù được đánh giá là rất thành công và cần thiết nhưng chương trình “Tiếng Anh cộng đồng” ở Sơn La lại không được tổ chức rộng rãi trong những năm tiếp theo vì nhiều lý do khác nhau. Trong năm học 2018-2019, Trường đại học Tây Bắc liên tục nhận được những đề nghị từ chính quyền địa phương, con em của người dân trong các cộng đồng dân cư về việc tổ chức dạy tiếng Anh du lịch cộng đồng. Đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, tháng 5-2019, Trường đại học Tây Bắc đã thông qua Kế hoạch số 461/KH-ĐHTB thực hiện chương trình “Tiếng Anh cộng đồng” hè năm 2019 tại các huyện: Mộc Châu, Vân Hồ, Quỳnh Nhai và Mường La, với năm lớp học, gần 200 người tham gia. Trường đã chọn 13 sinh viên tình nguyện tham gia giảng dạy. Đây là những bạn trẻ nhiệt huyết, sẵn sàng nhận công việc với tinh thần tình nguyện vì cộng đồng. Các tình nguyện viên đã sinh hoạt gắn với cơ sở, sinh hoạt tự túc, ở nhà dân và nơi tổ chức lớp học. Chương trình nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn cơ sở về cơ sở vật chất, lớp học và sự giúp đỡ của người dân.
Lớp được thiết kế 20 buổi học, hai giờ/buổi vào tối thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. Cuối chương trình, người học được đi dã ngoại, thăm các cơ sở du lịch cộng đồng, giao tiếp với người nước ngoài. Riêng hai huyện Mộc Châu, Vân Hồ là nơi có hoạt động du lịch phát triển, trường đã mở tại đây ba lớp, gồm lớp học ở hai xã Đông Sang, Tân Lập và Vân Hồ. Để giúp người dân tiếp cận dễ dàng với những kiến thức, kỹ năng về du lịch, các tình nguyện viên đã sử dụng kiến thức ngành quản trị du lịch lữ hành để rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho người học. Chương trình chủ yếu trang bị cho người học kỹ năng giao tiếp, hỏi tên tuổi, hỏi đường, địa chỉ các điểm du lịch… Lớp học tại xã Đông Sang là nơi gắn liền với khu du lịch nổi tiếng Đồi Thông - Bản Áng cho nên không chỉ đông các thanh, thiếu niên đăng ký đến học, mà rất nhiều người lớn tuổi, các chủ nhà hàng, nhà nghỉ homestay đến tham gia rất sôi nổi.
Tư vấn cho chương trình này, một chuyên gia người Ô-xtrây-li-a chuyên nghiên cứu về phát triển cộng đồng thuộc Trường đại học Công nghệ Queensland đã nhận xét: “Đây là mô hình rất phù hợp, chương trình dạy và học gần với thực tế, có sức lan tỏa và ý nghĩa vì cộng đồng cao”.