Lan tỏa vẻ đẹp của sen Tây Hồ

Chỉ còn ít ngày nữa, Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024 và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ chính thức diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn. Lần đầu tiên Hà Nội tổ chức Lễ hội Sen, cho thấy nếu biết cách khai thác những giá trị văn hóa gắn bó với vùng đất thì hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm du lịch mới, độc đáo.

Cây sen đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống hằng ngày. Ngoài ý nghĩa về mặt tâm linh, sen còn có giá trị về mặt ẩm thực, đặc biệt vừa cung cấp dinh dưỡng, vừa là nguồn dược liệu quý. Hiện Hà Nội có khoảng 600 ha trồng sen và đang phấn đấu năm 2025 sẽ mở rộng diện tích trồng sen lên 900 ha.

Khi biết tin Hà Nội sẽ tổ chức Lễ hội Sen lần đầu tiên, các chủ đầm sen ở Tây Hồ đều phấn khởi vì đây là cơ hội lớn để quảng bá rộng rãi sen Hà Nội với du khách. Sen Tây Hồ đã rất nổi tiếng, những năm qua đã thu hút hàng nghìn lượt người tới check-in chụp ảnh, thưởng trà. Tuy nhiên, để nâng giá trị hoa sen cũng như giá trị của cây sen lên một tầm mới thì đây là lần đầu. Nghệ nhân Lưu Thị Hiền - người gắn bó với nghề làm trà sen ở Tây Hồ cho biết, bà từng đi du lịch Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và được hướng dẫn viên đưa đến nhiều cơ sở giới thiệu sản phẩm địa phương, khách du lịch mua rất nhiều sản phẩm sau khi nghe câu chuyện của họ. Sau mỗi chuyến du lịch, bà luôn khao khát sản phẩm trà sen cũng được giới thiệu như các nước bạn. “Tôi rất phấn khởi khi Hà Nội tổ chức Lễ hội Sen. Gia đình tôi đã chuẩn bị những loại chè ngon nhất. Chúng tôi sẽ mang đến những ấm trà ngon đặc biệt giới thiệu cho du khách tại lễ hội. Hy vọng, với việc tích cực quảng bá, sản phẩm trà sen sẽ được bay xa”, nghệ nhân Lưu Thị Hiền bày tỏ.

Đánh giá tầm quan trọng của biểu tượng hoa sen trong đời sống văn hóa, tâm linh người Việt, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội chia sẻ, trong văn học nghệ thuật, hoa sen đi vào nhiều tác phẩm văn học, là một biểu tượng vô cùng ý nghĩa trong đời sống tinh thần. Không chỉ là biểu tượng, sen còn có giá trị trong đời sống. Hoa có thể dùng để ướp trà, thân sen làm tơ hay hạt sen sử dụng làm vị thuốc với dược tính cao… “Với những giá trị trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt, tôi mong muốn hoa sen được tôn vinh giá trị nhiều hơn nữa”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Vẻ đẹp của sen Tây Hồ (Hà Nội)

Vẻ đẹp của sen Tây Hồ (Hà Nội)

Bày tỏ ấn tượng về nỗ lực tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội lần thứ nhất, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đưa ra một số gợi ý trong việc quảng bá thương hiệu sen Tây Hồ cũng như hình ảnh của Hà Nội, của Việt Nam với du khách trong và ngoài nước.

Ông Sơn cho biết: "Hà Nội đang tập trung phát triển công nghiệp văn hóa và đây là hoạt động đóng góp tích cực, tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo của Thủ đô, của Tây Hồ, làm gia tăng giá trị của sen trong đời sống. Về Lễ hội Sen Hà Nội phải hướng lễ hội trở thành sự kiện mang tính quốc gia và quốc tế".

Muốn làm được điều này, theo ông Sơn, cần lan tỏa sự kiện rộng rãi đến người dân và du khách, đồng thời liên kết với các địa phương, tổ chức quốc tế. Ngoài ra, cần mời thêm nghệ nhân, nghệ sĩ, doanh nghiệp để hoạt động phong phú, hấp dẫn, có sức hút hơn và mỗi năm có sự thay đổi. Đặc biệt, cần có sự liên kết với các địa phương nổi tiếng về hoa sen để tạo giá trị gia tăng cho hoạt động và câu chuyện về sen trong lễ hội, thậm chí có thể liên kết với các nước châu Á để xây dựng mạng lưới quảng bá, giới thiệu, làm tăng giá trị của sen trong đời sống.

Sau gần 1 năm chuẩn bị, đến thời điểm này, các hoạt động của Lễ hội Sen Hà Nội lần thứ nhất đã sẵn sàng để phục vụ người dân và du khách. Bên cạnh các hoạt động chính của lễ hội còn có các hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam; Lễ khánh thành Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP quận Tây Hồ - Phố Trịnh Công Sơn; khai mạc Triển lãm không gian nghệ thuật sắp đặt sen, Triển lãm ảnh sen trong đời sống Việt; chương trình Khảo sát - Hội nghị “Nâng cấp chất lượng dịch vụ và kết nối điểm đến du lịch của quận Tây Hồ với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024”; Đêm nhạc “Trịnh Công Sơn và những người bạn”; các khu trải nghiệm workshop cho du khách.

Lễ hội Sen Hà Nội lần thứ nhất được tổ chức trong 5 ngày, từ ngày 12 đến 16/7, tại Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ (ngõ 612, Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội). Lễ Khai mạc Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024, diễn ra từ 20h - 21h30 ngày 12/7. Trong chương trình khai mạc diễn ra vào tối 12/7, du khách được trải nghiệm chương trình nghệ thuật bán thực cảnh với sự tham gia của hơn 200 diễn viên quận Tây Hồ; sử dụng công nghệ ánh sáng mapping hiện đại…

Một trong những điểm nhấn của lễ hội là Ngày hội đạp xe hành trình sắc xanh Tây Hồ với sự tham gia của 7.000 người, có sự ủng hộ của các quận, huyện, thị xã, các câu lạc bộ thể thao. Đây là hoạt động cộng đồng ý nghĩa nhằm lan tỏa tinh thần thể thao và quảng bá vẻ đẹp của sen Tây Hồ. Ngoài ra, trong chuỗi sự kiện còn có kỷ lục số người mặc áo dài có họa tiết về sen đông nhất, dự kiến có 1.000 người tham gia; kỷ lục tranh Đức mẫu Liễu Hạnh với 50.000 bông sen.

Khẳng định Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024 và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc là sự kiện rất được trông chờ, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho biết, với các doanh nghiệp lữ hành, đây là hoạt động cần thiết để gợi mở xây dựng các tour, tuyến du lịch mới cho Hà Nội. Quận Tây Hồ với hơn 70 di tích, lại có không gian sen độc đáo vào mùa hè, là tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch văn hóa, trải nghiệm. Lễ hội Sen Hà Nội có thể phát triển thành sản phẩm du lịch độc đáo, trở thành điểm hẹn cho du khách vào mùa hè, góp phần gia tăng lượng khách trong nước và quốc tế đến với Thủ đô. Tuy nhiên, để lan tỏa giá trị của sen Tây Hồ - Hà Nội cũng như để Lễ hội Sen trở thành điểm đến văn hóa, du lịch hằng năm cho du khách, theo ông Thắng, quận Tây Hồ cần phải có chính sách liên kết các điểm du lịch trên địa bàn; xây dựng thêm những hoạt động đặc sắc khi vào mùa sen chẳng hạn như giới thiệu ẩm thực với những món ngon về sen; các chương trình nghệ thuật gắn với mùa sen...

Hà Thư

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/lan-toa-ve-dep-cua-sen-tay-ho-153405.html