Làng bánh chưng Tranh Khúc vào vụ phục vụ Tết
Từ lâu, bánh chưng Tranh Khúc đã nổi tiếng thơm ngon và được người dân Hà Nội ưa chuộng. Trong những ngày cuối năm này, người dân làng Tranh Khúc thuộc xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì ngoại thành Hà Nội lại tất bật vào vụ để kịp cung cấp cho thị trường những chiếc bánh chưng thơm ngon phục vụ nhu cầu dịp Tết.
Tới làng bánh chưng Tranh Khúc những ngày cận tết, không khí Tết đã rộn ràng, nhà nào, nhà nấy đều tất bật từ sáng sớm đến tối muộn. Sân nhà của các hộ gia đình trong thôn dường như có phần chật chội hơn ngày thường bởi những cuộn lá rong, bao gạo trắng, những bó lạt, mâm đậu vàng.
Chị Nguyễn Thị Thu, một trong những nhà làm số lượng lớn cho biết, gia đình chị làm nghề gói bánh chưng đến nay gần 30 năm rổi nhưng chị cũng không biết nghề gói bánh chưng tại Tranh Khúc xuất hiện tự bao giờ, trong hoàn cảnh gì, mà chỉ biết rằng do ông cha truyền lại. Cứ như vậy từ đời này qua đời khác, nghề làm bánh chưng vẫn được giữ gìn qua bao thế hệ, tạo nên một thương hiệu nổi tiếng - bánh chưng Tranh Khúc.
Năm nào cũng vậy, để chuẩn bị cho vụ bánh chưng Tết, gia đình chị Thu đều phải đặt mua lá dong từ trước đó hàng tháng trời. Thời điểm vào vụ bắt đầu từ khoảng 20 Tết đến sáng ngày 30, ra Tết thì lại bắt đầu vào khoàng mùng 3 để phục vụ Rằm Tháng Giêng và các lễ hội. Trung bình mỗi năm, gia đình chị gói bán khoảng 10 vạn bánh chưng. Ngày thường, mỗi ngày gia đình chị gói khoảng 100 đến 200 chiếc bánh, nhưng từ Rằm tháng Chạp trở đi, mỗi ngày, gia đình chị gói bán hàng nghìn chiếc. Để kịp đơn hàng, nhà chị Thu mỗi ngày có đến cả chục người làm. Mỗi người một việc, từ chọn lá dong, rửa lá, vo gạo, đãi đỗ, ướp thịt, làm nhân… và gói bánh… Tất bật nhưng không khí cũng hết sức vui vẻ và rộn ràng.
Theo chị Thu, để làm ra chiếc bánh chưng ngon đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo của người làm. Quan trọng nhất là khâu chọn nguyên liệu, lá dong phải là lá dong nếp, to bản, đặc biệt không được rách, được rửa sạch, lau khô, để khi gói, vừa tạo được sắc xanh tự nhiên cho vỏ bánh khi luộc chín, bánh sẽ thơm. Ngoài lá dong, gạo nếp gói bánh của làng cũng phải là gạo nếp cái hoa vàng; thịt lợn phải là thịt ba chỉ, có đủ cả mỡ, nạc làm cho bánh vừa thơm lại ngậy; đậu xanh hạt phải mẩy khi đồ lên thơm phức.
Khác với các nơi, người dân làng Tranh Khúc không cần dùng khuôn gỗ để gói mà họ gói bánh trực tiếp bằng đôi bàn tay khéo léo, một người gói bánh lành nghề chỉ vài phút đã gói xong một chiếc. Theo kinh nghiệm của người làng Tranh Khúc, gói bánh băng tay sẽ chặt hơn và như thế bánh mới được dền, ngon và giữ được hương vị đặc trưng của bánh chưng Tranh Khúc.
Để bánh chưng ngon ngoài gạo nếp dẻo, nhân bánh ngon, thì khâu luộc bánh cũng rất quan trọng. Ở Tranh Khúc, ngày xưa các nhà thường nấu bánh bằng củi khô, nhưng ngày nay người ta nấu bằng nồi điện hoặc nồi hơi, mỗi nồi có thể luộc được tới 700 chiếc bánh, tuy vậy, thời gian nấu vẫn phải đảm bảo tầm 10 - 12 tiếng để các hạt gạo mềm nhừ quyện lấy nhau đem lại hương vị thơm ngon độc đáo. Cứ cuối buổi chiều, các nhà bắc bếp luộc bánh. Bánh chưng sau khi luộc cả đêm, đến gần sáng thì được vớt ra, để ráo nước, rồi ép bánh cho chắc.
Trong mâm cỗ ngày Tết của người Việt không thể thiếu bánh chưng xanh để dâng cúng lên ban thờ tổ tiên. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam từ bao đời nay. Vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, bánh chưng Tranh Khúc đã góp phần làm phong phú thêm danh sách món ăn của người Việt.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/lang-banh-chung-tranh-khuc-vao-vu-phuc-vu-tet-217399.htm