Làng bánh đa hàng trăm năm tuổi
Về làng Minh Châu (còn gọi là làng Chòm, xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa) du khách không khỏi choáng ngợp bởi hình ảnh những chiếc bánh đa trắng tròn, trải đều tăm tắp trước hiên nhà, ngoài ngõ hay dọc triền đê...
Là làng nghề có tuổi đời “xưa nay hiếm” bởi những sản phẩm nơi đây đã được người dân làng Chòm tạo ra từ nhiều đời nay.
Những hàng bánh đa trải đều tít tắp, nhuộm đầy nắng là sản phẩm từ chính đôi bàn tay của người dân làng Chòm.
Trải qua bao biến cố, thăng trầm làng nghề vẫn lưu mãi cùng thời gian.
Theo những người làm nghề ở đây, bánh đa làng Chòm được làm theo phương pháp thủ công truyền thống và có phần cầu kỳ hơn các nơi khác.
Từ tờ mờ sáng, khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ thì người dân làng Đắc Châu đã phải thức dậy để phơi những mẻ bánh còn chưa kịp khô hẳn từ hôm trước và cũng là để bắt tay vào chuẩn bị làm mẻ bánh tiếp theo của ngày hôm nay.
Công việc của họ thường bắt đầu từ 3h và kết thúc vào khoảng 13h mỗi ngày.
Những công đoạn làm bánh được người dân thực hiện rất nhịp nhàng, mỗi người thường đảm nhiệm một khâu. Tráng bánh đa rất vất vả, khó nhọc ngoài việc phải ngồi bên bếp lò hàng giờ đồng hồ, người tráng bánh còn phải nhanh mắt, nhanh tay. Người phụ nữ làng Chòm thạo nghề, mỗi ngày có thể tráng được cả nghìn chiếc bánh.
Với những người làm nghề nơi đây, họ chỉ mong những ngày trời trong, mây trắng, nắng to bởi ở làng này mọi không gian đều được dành cho việc phơi bánh. Bánh phơi trên giàn trước nhà, ngoài ngõ, lớp dài trên mái ngói, phơi trên nóc nhà cao tầng...
Đến làng Chòm không khó để tìm được những hộ gia đình có truyền thống làm bánh từ 3-4 đời. Không chỉ làm nghề kiếm kế sinh nhai, với họ làm bánh đa còn là cách để giữ hồn làng, giữ gìn những truyền thống lâu đời của ông cha.
Nét riêng của bánh đa Tân Châu không chỉ bởi từ nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên như: Bột gạo, vừng, muối mà còn bởi độ giòn xốp và hương vị mộc mạc đặc trưng hấp dẫn.
Bánh đa có đẹp hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách người ta quạt than khi nướng bánh. Người thợ phải giữ lửa thật đều tay, lật bánh liên tục để bánh được chín đều và có một màu vàng tự nhiên đẹp mắt.
Để nướng được chiếc bánh ngon, đúng vị, than nướng bánh phải là than hoa gốc.
Bánh đa làng Chòm tròn đều, dày vừa phải, khi nướng lên mùi thơm của gạo mới trộn với vừng làm người ta ngây ngất. Bánh thường được ăn kèm với hến xào ở sông Chu, cũng là một món đặc sản truyền thống của ngôi làng này.