Lắng đọng tháng Bảy

Tháng Bảy chạm nhẹ chiếc lá là khi những cánh hoa phượng mong manh tàn phai rời cành, một vài bông sót lại lưu luyến le lói phai sắc đỏ nhạt. Mùa thi cũng đã khép lại với các em học sinh cuối cấp, có lẽ đây là khoảng thời gian ngơi nghỉ trông mong. Biết bao vui buồn, lo lắng, phấn khích cho những dự định tương lai. Giống như ngưỡng vọng của người nông dân trên cánh đồng bắt đầu cho vụ mùa mới. Khát khao đan xen giữa giấc mơ và hiện thực rồi cũng sẽ như đám mạ non cắm sâu vào lớp bùn, hứa hẹn về một mùa mới tốt tươi.

Tháng Bảy về cùng những nỗi nhớ xưa cũ vọng lại. Với một đất nước dọc dài nơi đâu cũng có nghĩa trang liệt sĩ, những nỗi buồn, ký ức có thể đã theo thời gian lắng đọng, trôi xa nhưng đau thương và mất mát thì chưa bao giờ nguôi ngoai với những người ở lại. Tháng Bảy gọi về với nhiều hoạt động tri ân ở khắp mọi miền Tổ quốc hướng về các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Tuổi trẻ chắc hẳn ai cũng có đôi lần đến các nghĩa trang liệt sĩ, để tưởng nhớ, để tri ân hoặc chỉ là thắp nén hương lên mộ những người đã ngã xuống mà lòng nghẹn ngào không nói nên lời. Thế hệ được sinh ra trong hòa bình chẳng thể nào thấu hiểu hết nỗi đau của sự mất mát, đau thương của người đã ngã xuống. Có chăng nỗi đau đó chỉ hiện diện trên những hình hài đã nhuốm bụi thời gian, khắc khổ như vết chân chim, mái tóc bạc phơ hay đôi mắt trầm buồn.

Không chỉ là tháng Bảy, những tin tức, bài báo và cả chương trình truyền hình được phát đi mỗi ngày về những tấm gương, câu chuyện anh “Bộ đội Cụ Hồ” một thời xông pha lửa đạn như một lời nhắc nhở thế hệ trẻ không được quên đi công lao của những người đã ngã xuống. Người lính áo xanh đội mũ tai bèo năm xưa nay là nhân chứng lịch sử, là những bài học, là niềm tự hào, là tượng đài sống bất diệt để mỗi thế hệ trẻ nhìn vào và soi cuộc đời mình, để sống và cống hiến sao cho xứng với sự hy sinh, chiến công lừng lẫy của những người đã ngã xuống.

Tháng Bảy gọi về với những hoạt động tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Tháng Bảy gọi về với những hoạt động tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Xúc cảm tháng Bảy còn đến từ những cuộc hành trình lưu lạc đồng đội, trải qua mấy chục năm, từ mái đầu xanh tuổi trẻ đến mái tóc bạc, chân yếu, tay run mới tìm gặp lại nhau. Họ ngồi bên nhau và hát cùng nhau những khúc hát hào hùng, để rồi chia tay, những chuyến xe đưa mỗi người đi mỗi ngả như cuộc đời lắng đọng bởi thời gian nhưng phút lắng đọng của ngày tháng Bảy là một nén hương thơm, nén hương ấy phảng phất ký ức cũ, đưa mỗi người nhớ về hành trang thanh xuân gian khổ chiến đấu và nỗi đau thương với những người đã nằm xuống cho quê hương.

Bóng dáng người lính bộ đội đã già, tay cầm bó hương đứng trước hàng ngàn ngôi mộ là một hình ảnh cảm động rất đỗi bình thường khi đến bất cứ một nghĩa trang liệt sĩ nào. Hình ảnh ấy không chỉ lay động thổn thức bao trái tim con người và còn dậy lên nỗi xót xa, giống như nhà thơ, người lính Nguyễn Thái Sơn từng viết trong bài Thăm mộ chiều cuối năm: “Xin được thắp hương nơi đầu gió/Hương khói đừng quên nấm mộ nào”.

Tháng Bảy, chợt lắng đọng bao cung bậc nhớ thương ngậm ngùi. Quá khứ vẫn vẹn nguyên ùa về mỗi độ tháng Bảy, giữa không khí trầm lắng miên man. Dù đã sống thời bình nhưng có ai mà quên được Ngày Thương binh liệt sĩ, ấy là ngày mà mỗi người lại thổn thức một nỗi buồn thương vô ngần. Người mẹ, người vợ ngóng trông con, ngóng trông chồng luôn được nhắc tới khi nhớ về công lao của các anh. Họ vẫn ngóng trông hết tháng rồi hết năm dù biết rằng chẳng có ai về. Những yêu thương vẫn còn bỏ ngỏ, có những lời hứa dù người hứa chẳng còn nhưng vẫn luôn đong đầy niềm tin của người còn sống.

Tựa như một bản hòa âm với đủ đầy xúc cảm, tháng Bảy dệt vào lòng người những nốt lặng trong khoảnh khắc chầm chậm suy tư. Tháng Bảy về thật khẽ nhưng cũng trôi qua thật mau. Nhưng dù thời gian có trôi xa đến đâu, những bài học, những chiến công vẫn luôn còn mãi.

Thủy Tiên

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/lang-dong-thang-bay-3170724.html