Làng hương truyền thống hoạt động hết công suất phục vụ Tết

Những ngày này, làng hương truyền thống Dưỡng Thái Bắc, thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành (Hải Dương) đang hoạt động hết công suất để phục vụ hương dịp Tết. Công nhân và máy móc của các hộ đang hối hả sản xuất để đáp ứng các đơn hàng cho thị trường.

Các công nhân đóng gói sản phẩm hương để đưa đi tiêu thụ. Ảnh: TTXVN phát

Các công nhân đóng gói sản phẩm hương để đưa đi tiêu thụ. Ảnh: TTXVN phát

Theo các cơ sở sản xuất, dịp giáp Tết lượng hàng tăng 30 - 40% so với ngày bình thường. Các cơ sở sản xuất đã phải chuẩn bị nguyên liệu sản xuất ngay từ đầu năm để đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Làng hương truyền thống Dưỡng Thái Bắc đã tồn tại từ hàng trăm năm trở lại đây. Năm 2006, làng nghề truyền thống này được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương công nhận theo quyết định số 234/QĐ-UB ngày 16/3/2006 với tổng số 36 hộ được công nhận làm nghề. Làng nghề chủ yếu sản xuất hương truyền thống thủ công và tận dụng lao động những lúc nông nhàn của địa phương. Trước đây làng nghề có rất nhiều gia đình tham gia sản xuất nhưng đến nay chỉ còn khoảng hơn chục hộ sản xuất thường xuyên vào dịp Tết, những tháng trong năm chỉ có một vài gia đình sản xuất cầm chừng.

Từ khi được công nhận làng nghề, chính quyền địa phương và người dân đã tích cực duy trì và phát triển làng nghề. Nhiều gia đình đã mạnh dạn vay vốn đầu tư máy móc để sản xuất như máy làm que hương, máy chế biến nguyên liệu, máy trộn,… Vì vậy, đến nay 80% công đoạn đã được thay thế bằng máy. Làng nghề đã giải quyết cho gần 200 lao động nông nhàn ở địa phương với mức lương bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Trung bình mỗi năm làng nghề cũng cấp ra thị trường khoảng 1,2 triệu bó hương các loại, tổng doanh thu ước đạt 36 tỷ đồng. Tuy nhiên một số công đoạn trong sản xuất người thợ vẫn phải làm bằng tay. Ở mỗi công đoạn thủ công đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật, kinh nghiệm, đều tay thì mới đảm bảo các que hương đồng đều không bị bở cũng như khi thắp hương đảm bảo cây hương cháy đều.

Các công nhân lăn thảo dược vào que hương tại làng hương Dưỡng Thái Bắc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Tiến Vĩnh/TTXVN

Các công nhân lăn thảo dược vào que hương tại làng hương Dưỡng Thái Bắc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Tiến Vĩnh/TTXVN

Gia đình anh Trần Văn Nhật, cơ sở sản xuất hương thôn Bắc, thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành đã sản xuất hương từ nhiều đời nay. Anh cho biết vào những dịp gần Tết nhu cầu hương của thị trường tăng gấp 4 - 5 lần so với ngày thường. Hương của gia đình anh đều là hương lăn tay, thủ công, nguyên liệu chủ yếu là thảo dược như hương vuốt, hương bài, hương trám… Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu thị trường cơ sở sản xuất hương của gia đình anh thường sản xuất hương theo đơn đặt hàng, theo mẫu mã, độ dài của cây hương đều theo yêu cầu của các cơ sở tiêu thụ. Chính vì vậy sau mỗi dịp Tết hương của gia đình anh không bị tồn đọng, sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đấy.

Gia đình Bà Trần Thị Liệu ở làng hương Dưỡng Thái Bắc, cũng sản xuất hương từ hàng chục năm trở lại đây. Dịp gần Tết gia đình bà sản xuất khoảng 3 vạn que hương cho thị trường mỗi ngày. Để chuẩn bị đủ nguyên liệu trong sản xuất dịp Tết gia đình bà đã phải chuẩn bị các nguyên liệu ngay từ đầu năm như nhựa trám, tăm, thảo dược…

Những nguyên vật liệu và thảo dược để sản xuất hương được gia đình bà thu mua từ nhiều vùng trong cả nước. Bà Trần Thị Liệu cho biết, nhu cầu thị trường dịp Tết tăng rất cao so với ngày thường, đặc biệt là hương trầm nhu cầu dịp Tết năm nay tăng gấp 10 lần so với ngày thường, tăng cao hơn nhiều lần so với Tết năm trước. Gia đình bà đã phải huy động toàn bộ nhân công trong gia đình và thuê thêm các lao động nhàn rỗi trong và ngoài xã mới sản xuất đủ lượng hàng để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Hương được phơi sau khi sản xuất tại sân nhà của một hộ làm nghề. Ảnh: TTXVN phát

Hương được phơi sau khi sản xuất tại sân nhà của một hộ làm nghề. Ảnh: TTXVN phát

Ông Đỗ Quang Đạo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành chia sẻ, hàng năm, vào dịp gần Tết chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ sản xuất hương truyền thống để phát triển sản xuất. Địa phương đã xây dựng và quy hoạch làng nghề đồng thời mở rộng, cải tạo đường giao thông trong thôn để các hộ sản xuất thuận lợi cho nhu cầu xuất nhập hàng hóa làm nghề.

Tuy nhiên, hiện nay làng nghề còn gặp nhiều khó khăn như quy mô sản xuất vẫn còn mang tính cá thể, nhỏ lẻ, tự phát, nhiều hộ gia đình còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi trong sản xuất. Nhiều hộ gia đình đã ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất, đưa các máy móc thay thế lao động nhưng còn nhiều hạn chế.

Chính quyền địa phương mong muốn nhà nước quan tâm để các hộ sản xuất trong làng nghề được tiếp cận được với nguồn vốn với lãi suất thấp, kỹ thuật hiện đại trong sản xuất. Đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm để mở rộng làng nghề, hỗ trợ các hộ sản xuất xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư vào làng nghề để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm từ đó đẩy mạnh phát triển kinh tế và đời sống người làm nghề hương truyền thống.

Tiến Vĩnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/lang-huong-truyen-thong-hoat-dong-het-cong-suatphuc-vu-tet-20250101175550968.htm