Làng mình cũng làm du lịch

Xã có chủ trương biến vùng lúa hữu cơ, kết hợp nuôi rươi, cáy của làng mình thành điểm du lịch nông thôn, đúng là lợi cả đôi đường.

Nông dân Tứ Kỳ có thể khai thác đồng đất quê mình để phát triển du lịch nông thôn (ảnh cơ sở cung cấp)

Nông dân Tứ Kỳ có thể khai thác đồng đất quê mình để phát triển du lịch nông thôn (ảnh cơ sở cung cấp)

Trời mưa như trút, các đại biểu không đi thăm đồng được đành xúm xít ở nhà văn hóa xem mấy gian hàng trưng bày sản phẩm từ gạo hữu cơ do một doanh nghiệp Hà Nội đem đến. Bà Loan hôm nay không phải trông cháu nên đến hội trường từ sáng sớm. Tranh thủ xem một loạt các sản phẩm chế biến từ hạt gạo quê mình, bà tấm tắc:

- Doanh nghiệp họ giỏi thật! Bà con mình lâu nay chỉ biết thu hoạch lúa về, xát lấy gạo ăn, cầu kỳ hơn thì xay bột làm bún, bánh. Còn chế biến, đóng gói thành nước gạo, bánh gạo rồi bán ra thị trường thế này thì chưa làm được.

- Tôi thấy họ không vứt đi thứ gì bà ạ. Bà xem này, chiếc giỏ được đan từ những sợi rơm khô mà chúng ta chỉ biết dùng để đun hoặc đem đi đốt đấy. Nhìn từng búi rơm được tết tinh xảo thành cái giỏ không ai tin nó được làm từ cây lúa quê mình bà nhỉ - bà Hoa nói với bà Loan.

Thấy hai bà Loan, Hoa nói chuyện rôm rả, ông Hoan, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn hào hứng bảo:

- Xã mình đang từng bước thay đổi cách làm nông nghiệp. Không chỉ hợp tác với doanh nghiệp tiêu thụ lúa hữu cơ, lãnh đạo xã còn muốn bà con mình phát triển du lịch.

Nghe ông Hoan nói, mấy bà con xúm lại nghe. Bà Loan hỏi:

- Phát triển du lịch thế nào? Ông nói xem.

- Xã có chủ trương biến vùng lúa hữu cơ, kết hợp nuôi rươi, cáy của làng mình thành điểm du lịch nông thôn. Mỗi nông dân là một hướng dẫn viên du lịch. Chính ngôi nhà của các bà có thể trở thành nhà hàng, chỗ nghỉ cho khách. Bà nào khéo còn có thể nấu ăn cho khách nữa.

- Thế bao giờ triển khai và triển khai thế nào? - bà Hoa thắc mắc.

- Tôi nghe nói xã đã trình đề án, huyện đang xem xét phê duyệt, chắc sẽ triển khai sớm thôi. Còn làm thế nào thì cán bộ cấp trên sẽ về hướng dẫn. Các bà cứ nắm chủ trương thế đã. Trước hết mỗi người phải có ý thức giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường và canh tác bền vững. Môi trường sống xanh, sạch, đẹp thì mình được hưởng trước sau đó còn có thể phát triển du lịch kiếm tiền, chẳng phải lợi đôi đường sao? Ông Hoan nói.

- Ông nói đúng. Mấy sản phẩm chế biến từ gạo hữu cơ quê mình kia cũng có thể bán cho du khách làm quà nhỉ - bà Loan chia sẻ ý tưởng.

- Ý tưởng hay đấy. Làng mình phong cảnh hữu tình, nhiều món ngon, chắc chắn du khách sẽ thích. Mấy năm nay lễ hội lúa rươi rồi đùa nơm được tổ chức đã thu hút nhiều du khách về với quê mình rồi. Hôm trước, tôi thấy có cả những đoàn khách nước ngoài về thăm quê mình. Biết đâu họ sẽ trở lại trải nghiệm nhiều dịch vụ khác của làng - bà Hoa nói thêm.

- Đó cũng là cách giúp xã mình thành điểm du lịch nông thôn hấp dẫn. Các bà có cao kiến gì thì đề xuất để tôi báo cáo lãnh đạo xã nhé. Mỗi người một ý tưởng thì chủ trương phát triển điểm du lịch nông thôn sẽ sớm thành hiện thực - ông Hoan nói.

B.A

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/lang-minh-cung-lam-du-lich-384319.html