Làng nghề chuẩn bị vào xuân
Còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, các làng nghề trong tỉnh Long An đang chuẩn bị để kịp cung cấp hàng hóa cho thị trường. Năm nay, dù kinh tế khó khăn nhưng người dân vẫn có đơn hàng, chủ yếu là khách quen. Họ có ý thức giữ gìn nghề truyền thống, bảo đảm hàng hóa chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, sạch, an toàn,...
1. Ông Bùi Thanh Nhựt có kinh nghiệm hơn 30 năm làm bánh tráng tại Làng nghề bánh tráng Nhơn Hòa (phường 5, TP.Tân An). Ông là đời thứ 3, tính ra cũng hơn 100 năm. Ông Nhựt kể: “Trước đây, khu vực này hễ 8 nhà thì có 8-10 lò bánh tráng nhưng giờ họ nghỉ nhiều, chuyển sang nghề khác”. Tuy nghề truyền thống đang dần mai một nhưng ông Nhựt vẫn có khách quen nhờ làm ăn uy tín. Hiện tại, bạn hàng của ông ở nhiều nơi như huyện Cần Đước, Bến Lức, Thạnh Hóa, TP.Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang),…
Mỗi ngày, ông Nhựt dậy từ 3 giờ sáng để làm bột rồi tất bật đến 18-19 giờ mới nghỉ. Bột làm bánh tráng Nhơn Hòa phải làm từ gạo 504 với tính chất khô đặc trưng (gạo dẻo không tráng được). Bánh tráng Nhơn Hòa chuyên dùng cuốn bì có hình vuông, tính dẻo, không giòn, không khô, vị mặn. Bánh sau khi tráng được phơi trên vỉ trúc khoảng 1,5 giờ là cho thành phẩm. Bánh tráng Nhơn Hòa không dùng vỉ nhựa vì sẽ làm bánh giòn, mất đi tính đặc trưng. Theo ông Nhựt, khi sấy quá nhiều nhiệt sẽ làm bánh bị co dún, không đủ lửa khiến bánh bị mốc, bởi vậy bánh tráng Nhơn Hòa cần được phơi bằng ánh nắng mặt trời.
Hiện tại, cơ sở của ông Nhựt có 5 nhân công, mỗi ngày sản xuất khoảng 150kg bánh tráng. Ông làm quanh năm, khi nào mưa dầm không phơi bánh được hoặc có đám tiệc mới nghỉ. Gần tết, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng nhưng ông Nhựt luôn quan sát tình hình thị trường để đưa ra hướng sản xuất phù hợp. Gần 10 năm nay, ông tráng bánh bằng máy. Máy có thể đạt công suất 1 tấn/ngày nhưng lượng nhân công không đáp ứng được. Muốn sản xuất nhiều phải thuê thêm người nhưng đây là vấn đề nan giải bởi làm bánh tráng rất vất vả, mặt khác, thị trường vài năm trở lại đây khá bấp bênh, ông không dám mạo hiểm. Do đó, tết năm nay, ông Nhựt chỉ sản xuất như ngày thường, nếu thị trường hút hàng thì tăng ca thêm.
Trong sản xuất, ông Nhựt luôn có ý thức bảo đảm thực phẩm sạch, an toàn. Ông Nhựt nói: “Nghề này vừa là kế sinh nhai, vừa giữ gìn truyền thống văn hóa địa phương. Sau dịch Covid-19, có giai đoạn tôi làm gần 2 năm không có lãi, nhất là lúc giá gạo tăng nhưng vẫn cố gắng duy trì. Hiện tại, mỗi ngày, trừ hết chi phí tôi có lãi khoảng 600.000 đồng, tuy không nhiều nhưng ổn định”.
2. Bà Trần Thị Trừ (ấp Hòa Hiệp 1, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa) gắn bó hơn nửa thế kỷ với nghề đan cần xé. Đây từng là nghề chính của người dân trong ấp nhưng hiện tại không còn nhiều hộ theo nghề. Nhờ tay nghề khéo, sản phẩm đẹp, những sản phẩm tại đây được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Vào dịp tết, nhu cầu tiêu dùng tăng, thu nhập của gia đình bà Trừ cũng khá hơn.
Nguyên liệu để đan cần xé chủ yếu là cây trúc. Trúc sau khi đốn về được thợ cắt từng đoạn, tùy theo từng loại nan và kích cỡ cần xé. Sau đó, thợ chẻ và vót nan. Ngày xưa, thợ dùng dao để vót nan, cách này tốn thời gian và dễ đứt tay, từ khi máy vót nan xuất hiện đã giải quyết được tình trạng này. Sau đó, thợ gầy mê (ghép nan) phần đáy cần xé. Tiếp đến, họ dùng những cọng nan đứng đan luồn vào tấm mê, đến phần bìa thì uốn dựng lên, tạo hình thân cần xé. Đan thân cần xé xong, họ tiếp tục thực hiện nhiều công đoạn để hoàn thiện sản phẩm.
Đan cần xé là nghề chính của gia đình bà Trừ. Nhờ đó, bà nuôi được các con ăn học, xây nhà cửa vững chãi. Từ sau dịch Covid-19, kinh tế đi xuống, người tiêu dùng ít chi tiêu nên hàng của bà sản xuất ra bán chậm. Lúc trước, bà bán đắt quanh năm nhưng giờ chỉ chờ dịp tết hoặc nông sản vào vụ. Tết năm nay, bà mua đủ số lượng trúc để đan tới tháng Giêng, bảo đảm không đứt nguyên liệu giữa chừng. Từ giờ đến cận tết, bà phải giao cho công ty hơn 1.000 cần xé loại nhỏ để đựng hoa, ngoài ra còn một số đơn nhỏ, lẻ. Hàng nhiều, vợ chồng bà phải tăng ca, huy động thêm con cái, hàng xóm để kịp giao cho khách. “Tuy mệt nhưng vui, cả năm đợi dịp này vì trong năm hàng “đi” chậm quá” - bà Trừ nói.
Theo lời người dân tại ấp Hòa Hiệp 1, 90% người dân tại đây biết đan cần xé. Nhiều người đan giỏi, trăn trở với văn hóa địa phương nhưng không thể theo nghề vì thu nhập thấp. Tính ra, mỗi cần xé đựng hoa bà Trừ đan chỉ có giá 24.000 đồng, mỗi ngày đan được 5 cái. Tuy nhiên, bà vẫn gắn bó với nghề vì ngoài mưu sinh ra thì nó còn là nghề ân nghĩa. Trong đợt dịch Covid-19, nhiều người mất việc nhưng bà vẫn có thu nhập nhờ đan cần xé.
3. Trong suy nghĩ của nhiều người, nghề dệt chiếu lác chỉ đắp đổi đủ ăn. Nhưng đối với bà Nguyễn Thị Vân (ấp 1, xã Long Cang, huyện Cần Đước) thì đó là nghề có thể làm giàu nếu có kế hoạch và tính toán hợp lý.
12 tuổi, bà Vân đã biết dệt chiếu. Sau khi lấy chồng, ra riêng, bà tiếp tục gắn bó với nghề này. Căn nhà khi đó nhỏ đến mức chỉ căng được một khung chiếu dài 4m. Không đầu hàng số phận, vợ chồng bà cần cù dệt chiếu, nuôi vịt, không dám phung phí, tích vốn chờ cơ hội. Khi nghe có người bán mảnh đất xấu, bà dốc vốn mua lại rồi sửa sang, đắp nền, cất nhà. Từ đây, bà có cơ sở vững chắc để làm ăn.
Khi đó, mỗi khung chiếu dệt cần 2 người, mỗi ngày cố gắng lắm chỉ được 4 đôi, không đủ trang trải. Thấy vậy chồng bà đi làm công nhân. Còn một mình ở nhà, bà Vân đi học cách dệt chiếu bằng máy. Sau 1 tuần học, bà quyết định chi 25 triệu đồng để mua máy dệt chiếu. Bà nhanh chóng lấy lại vốn và cải thiện đời sống. Bà Vân cho biết: “Mỗi ngày, một mình tôi có thể dệt 15 đôi. Chiếu này dệt bằng lác nguyên cọng. Nhờ có máy mà tấm chiếu được đan đều, đẹp hơn”. Nhờ cần cù, tính toán hợp lý, nhiều nguồn thu mà kinh tế gia đình bà ổn định, mua được 6 căn nhà cho thuê.
Theo bà Vân, những năm trước, chiếu lác Long Cang được người tiêu dùng rất ưa chuộng bởi độ bền, đẹp. Gần tết, nhà nào cũng đặt một đôi để trải trên giường, ván; thợ dệt nhuộm lác nhiều màu rồi phơi nhìn rất đẹp. Nhưng ngày nay, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn như nệm, chiếu cói, chiếu trúc,... nên chiếu lác không còn được vị thế như xưa. Vài năm gần đây, thị trường bất ổn nên người dệt chiếu càng gặp khó. Nhờ làm ăn uy tín, đàng hoàng nên bà Vân cũng được nhiều mối đặt hàng vào giai đoạn này, chủ yếu họ trữ hàng để bán sau tết. Bà cũng tranh thủ dệt nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bà Nguyễn Thị Tư (chủ vựa chiếu Ba Cần, xã Long Cang) có 55 năm làm nghề chiếu, cho biết: “Gần tết, người ta đặt nhiều chiếu gia đình nên tôi thường gom hàng loại này. Trước đây, có khi hàng mang về 2 ngày là bán hết nhưng năm nay thì chậm hơn”.
Năm nay, tại các làng nghề, nhịp sống ít sôi động. Tuy gặp khó khăn nhưng nhìn chung người dân vẫn có nhiều đơn hàng hơn thường ngày. Họ vẫn làm ăn uy tín như lời người xưa dạy và hy vọng vào ngày mai tươi sáng./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/lang-nghe-chuan-bi-vao-xuan-a186258.html