Làng nghề Hà Nội: Hội tụ, kết tinh và lan tỏa
Nổi tiếng là vùng đất 'địa linh nhân kiệt', Hà Nội thơ mộng không chỉ bởi vẻ đẹp của 36 phố phường mà còn có những làng nghề truyền thống đi vào sử sách, thơ ca. Trải qua thăng trầm, các làng nghề tiếp tục hội tụ, kết tinh và lan tỏa ra cả nước.
Cái nôi của làng nghề cả nước
Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước. Mỗi làng nghề đều mang bản sắc riêng, tạo ra sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong đó, phải kể đến làng nghề gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm) nổi tiếng cách đây hơn 500 năm. Với kinh nghiệm uyên bác, đội ngũ nghệ nhân khôi phục được một số đồ gốm từ các thời: Lý, Trần, Lê, Mạc… Gốm Bát Tràng được làm từ kỹ thuật tạo men và nung lò vô cùng tỉ mỉ, chuẩn xác, có sự hài hòa trong hình thể, màu sắc...
Tương tự, làng nghề Lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) có sản phẩm lụa chất lượng tốt và lâu đời nhất Việt Nam. Lụa Vạn Phúc tinh xảo, đường nét, hoa văn đa dạng, sang trọng, tinh tế. Hiện, làng lụa Vạn Phúc ngày càng phát triển, trở thành điểm du lịch tham quan cho nhiều khách du lịch khám phá, tìm hiểu nét đẹp truyền thống.
Là làng nghề thủ công truyền thống được ra đời và phát triển từ khoảng giữa thế kỉ XVII, làng nghề mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ) nổi tiếng với nghề đan truyền thống từ nguyên liệu tre, nứa, trúc… Qua bàn tay khéo léo, tinh hoa, thợ thủ công đã cho ra những tác phẩm mây tre vô cùng xuất sắc, độc đáo; đặc biệt, sản phẩm thân thiện môi trường, được nhiều du khách yêu thích.
Làng Chuông (huyện Thanh Oai) cũng nổi tiếng với nghề làm nón cách đây vài thế kỷ. Chiếc nón lá gắn liền với người phụ nữ Việt Nam bên tà áo dài thướt tha tôn vẻ kiều diễm, e ấp, vô cùng duyên dáng...
Làng nghề sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín) có từ khoảng thế kỷ XVII. Lúc đó, làng mới chỉ có nghề sơn đồ nét, được trọng dụng vì nhiều nghệ nhân tài hoa, khéo léo. Chính vì chuyên nghề gia công đồ cho vua, quan lúc bấy giờ nên người ta gọi nơi đây là làng nghề "dâng vua". Những năm 30 của thế kỷ trước, phường sơn son thếp vàng Hạ Thái có nhiều đổi thay lớn trong quá trình giao lưu cải biến văn hóa Đông - Tây. Những họa sĩ Việt Nam đầu tiên học trường Mỹ thuật Đông Dương đã tìm tòi, phát hiện thêm vật liệu khác như vỏ trứng, ốc, cật tre… Đặc biệt, nghệ nhân và thợ lành nghề còn đưa thêm kỹ thuật mài để tạo kỹ thuật sơn mài độc đáo.
Cũng ở huyện Thường Tín, các làng nghề thêu ren Dũng Tiến và Quất Động chuyên thêu câu đối, bức trướng… treo ở đình, chùa; các loại trang phục cung đình. Các làng nghề này ngày càng phát triển, đa dạng các mặt hàng như áo gối, tranh thêu, quần áo… Qua bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của các nghệ nhân, các sản phẩm trở nên độc đáo, tinh xảo, hàm chứa ý nghĩa sâu sắc...
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thống kê toàn thành phố có hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Thành phố hiện có 322 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 23 quận, huyện, thị xã. Trong đó, có 274 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề; 48 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; xử lý chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn…
Ở các địa phương có làng nghề, kinh tế đều rất phát triển. Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề cao hơn nhiều so với lao động thuần nông, phổ biến ở mức 4-5,5 triệu đồng/lao động/tháng. Trong đó, một số làng nghề có thu nhập cao: Mây tre đan đạt 11,2 triệu đồng/người/tháng, điêu khắc mỹ nghệ đạt 10 triệu đồng/người/tháng; làng nghề trồng hoa giấy Phù Đổng đạt 26 triệu/người/tháng; làng nghề hoa mai trắng thôn An Hòa đạt 17 triệu/người/tháng… Sản phẩm các làng nghề còn xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đặc biệt, sự phát triển làng nghề đã tạo nhiều cơ hội việc làm cho người trong độ tuổi lao động, người khuyết tật... Làng nghề phát triển giúp tăng thu nhập cho người dân, rút ngắn khoảng cách về thu nhập cho người nghèo ở nông thôn. Hơn nữa, sự phát triển của làng nghề còn tạo điều kiện kết nối cộng đồng, phát triển giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, lưu giữ tinh hoa nghệ thuật từ đời này sang đời khác.
Nhiều sự hỗ trợ cho làng nghề
Hằng năm, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về làng nghề, ngành nghề nông thôn, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, kinh tế hộ và trang trại; gìn giữ, bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng có nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Để góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng có nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường cho sản phẩm, thành phố Hà Nội thường xuyên tổ chức các sự kiện, tuần hàng, hội thi, lễ hội, tham gia hội chợ trong nước và quốc tế để tôn vinh sản phẩm làng nghề; tạo sân chơi, khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi giao lưu học hỏi trao đổi kinh nghiệm để gìn giữ bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của làng nghề; phát huy ý tưởng mới để tạo nên sản phẩm phù hợp thị hiếu đương đại...
Cũng qua các hội thi về thiết kế sáng tạo mẫu mã sản phẩm và sản phẩm làng nghề tiêu biểu của Thủ đô, các nghệ nhân, thợ giỏi được phát huy sức sáng tạo trên nền tảng trầm tích lịch sử văn hóa con người địa phương... Bảo tồn và phát triển làng nghề của Thủ đô có sự đóng góp rất lớn của các nghệ nhân, thợ giỏi. Hà Nội hiện có 303 nghệ nhân trong đó 47 nghệ nhân nữ và 256 nghệ nhân nam. Trong đó có 13 Nghệ nhân nhân dân, 42 Nghệ nhân ưu tú, 248 nghệ nhân Hà Nội và nghệ nhân được Nhà nước phong tặng.
Năm 2023, thành phố xét 46 hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội và đã trình cấp Trung ương 38 hồ sơ đề nghị xét Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú. Đây là những “đầu tàu” gìn giữ bản sắc, nét văn hóa truyền thống của các làng nghề.
Thời gian tới, thành phố chủ động phối hợp với các đơn vị của Trung ương và tổ chức trong nước, quốc tế, thực hiện hiệu quả chương trình bảo tồn, phát triển làng nghề nhằm góp phần nâng cao ý thức đổi mới sáng tạo, gìn giữ bản sắc văn hóa song hành cải tiến, đột phá, khẳng định vị thế “Hội tụ - kết tinh - lan tỏa” của làng nghề Hà Nội...
Từ ngày 9 đến 12-11, lần đầu tiên UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023. Đây là sự kiện lớn, kỳ vọng lan tỏa những giá trị tốt đẹp của làng nghề Hà Nội.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/lang-nghe-ha-noi-hoi-tu-ket-tinh-va-lan-toa-647340.html