Làng nghề sản xuất khô biển ở Cà Mau vào mùa

Những ngày này, làng nghề sản xuất khô tại các địa phương ven biển ở Cà Mau đang rất tất bật. Các cơ sở bắt đầu gia tăng công suất để kịp phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão.

Sáng chớm lạnh, mặt trời còn chưa mọc, ông Võ Văn Dũng (ngụ huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) đã vội thúc giục vợ: “Dậy, dậy chuẩn bị đem thịt tôm tít ra phơi cho kịp nắng bà ơi”. Bà Yến (vợ ông Dũng) dù nghe chồng gọi nhưng vẫn muốn ngủ thêm chút nữa do đêm qua thức lột thịt tôm tít đến tận khuya.

“Giờ này mặt trời còn chưa mọc thì lấy đâu ra nắng cho ông phơi. Để yên cho tôi nằm thêm chút nữa, tôi hứa hôm nay sẽ phơi khô ráo hết mớ tôm tít chế biến đêm hôm”, bà Yến nói với chồng.

Ngồi võng bên hiên nhà, tay bưng ly trà nóng nhấp vội, ông Dũng cười hề hà, giọng phân trần: “Tôi quên, đêm qua bà thức khuya. Thôi bà ngủ tiếp đi, để đó tí nắng lên tôi đem ra sàn phơi được rồi”.

Làng nghề sản xuất khô biển ở Cà Mau tất bật vào vụ

Làng nghề sản xuất khô biển ở Cà Mau tất bật vào vụ

Mùa này, làng biển Tân Ân - Rạch Gốc của huyện Ngọc Hiển trở nên rất nhộn nhịp. Ghe tàu tấp nập xuất, nhập bến để bán hải sản sau thời gian vươn khơi đánh bắt. Tiếng cười nói rôm rả vì được mùa. Thời điểm hiện tại, đàn ông, trai tráng ở xứ biển này thì ra khơi đánh bắt hải sản và mang về bán cho các vựa thu mua. Còn chị em phụ nữ thì đi phân loại tôm cá hoặc làm việc cho các cơ sở chế biến khô biển để phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán.

Với đôi tay nhanh thoăn thoắt để chế biến cá khoai - món đặc sản trứ danh miền biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, bà Yến nói: “Hiện nay, các làng nghề trên địa bàn huyện Ngọc Hiển đã vào chính vụ sản xuất nên công việc rất tất bật. Sáng tôi đi làm kiếm thêm thu nhập, còn chiều khi chồng đi biển vào thì tôi bắt đầu chế biến cá, tôm tít phơi khô để bán dịp Tết. Bình quân mỗi ngày tôi cũng kiếm được từ 250.000 - 300.000 đồng tùy vào nguồn nguyên liệu ngày đó nhiều hay ít. Công việc này duy trì xuyên suốt từ nay cho đến cuối năm”.

Khô cá khoai - món ăn đặc sản không thể thiếu của bà con miền biển Cà Mau

Khô cá khoai - món ăn đặc sản không thể thiếu của bà con miền biển Cà Mau

Ghi nhận của PV Một Thế Giới tại cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển cho thấy, các mặt hàng khô biển phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán năm nay rất đa dạng, giá cả hợp lý. Cụ thể, khô cá ngát có giá dao động từ 220.000 - 280.000 đồng/kg; khô cá kèo khoảng 300.000 đồng/kg; cá khoai từ 350.000 - 420.000 đồng/kg; tôm tít khô từ 460.000 - 500.000 đồng/kg; tôm khô từ 750.000 - 1,1 triệu đồng/kg (tùy loại). Dự kiến, thời điểm cận Tết, giá cả các mặt hàng sẽ có nhiều biến động theo chiều hướng tăng lên.

Hiện địa phương đang vào mùa lưới cá khoai, nhiều ngư dân miền biển Rạch Gốc tranh thủ thời tiết thuận lợi để ra biển đánh bắt. Vừa cập bến bán cá, ông Chiến, một ngư dân địa phương, tươi cười chia sẻ: “Hôm nay tôi bán được gần 2 triệu đồng tiền cá, trừ chi phí xăng dầu thì còn lãi hơn 1,2 triệu đồng. Một ngày mà thu nhập nhiêu đó là cao rồi”.

Ông Chiến hành nghề đánh bắt cá khoai ven bờ. Theo ông, công việc này không cần nhiều lao động, chỉ cần 2 người là có thể làm được. “Sau khi đánh bắt, một phần tôi bán cho vựa cá, phần còn lại chế biến khô để bán dịp Tết. Năm nào cũng vậy, dịp Tết là thời điểm ngư dân chúng tôi “hái” ra tiền từ việc đánh bắt, chế biến các mặt hàng khô các loại”, ông Chiến chia sẻ.

Theo chính quyền địa phương, nghề sản xuất khô biển ở địa bàn hoạt động quanh năm. Tuy nhiên, cao điểm là dịp cuối năm, lúc này trùng với thời điểm hoạt động đánh bắt biển vào mùa, nên nguồn nguyên liệu cá tôm dồi dào, kịp thời cung ứng cho các cơ sở sản xuất. Các mặt hàng được thị trường ưa chuộng dịp Tết Nguyên đán hằng năm như khô cá kèo, khô cá khoai, khô cá ngát, khô tôm tít, tôm khô…

Phụ nữ có thêm việc làm tại các cơ sở sản xuất khô biển

Phụ nữ có thêm việc làm tại các cơ sở sản xuất khô biển

Tại một cơ sở sản xuất tôm khô - thương hiệu nổi tiếng ở huyện Ngọc Hiển, các lò phơi sấy, luộc tôm luôn đỏ lửa. Theo chủ cơ sở, những ngày này khối lượng công việc nhiều nên họ phải thuê thêm nhân công để đẩy nhanh tiến độ. Mỗi người một việc không ai bảo ai, người khuân vác, người phân loại tôm, người luộc, người đốt củi, người đóng gói… Tất cả nhân công làm việc rất chuyên nghiệp, thỉnh thoảng có người lại pha trò góp phần xua tan không khí nóng bức tỏa ra từ các lò sấy.

Không khí làm việc rất hăng say

Không khí làm việc rất hăng say

Những ngày này, các cơ sở sản xuất các mặt hàng khô biển ở cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) cũng rất nhộn nhịp. Không khí lao động hăng say, tiếng cười nói rôm rả. Mỗi người đều được phân khu vực, chia việc cụ thể nên họ làm rất chuyên tâm, trách nhiệm. Nguyên liệu thì được cân ký rồi chia ra cho từng lao động để chế biến sạch sẽ. Sau đó có người đến thu gom đem rửa rồi tẩm ướp trước khi đem đến dàn phơi khô.

Chị Ngọc Liên, ngụ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Thời điểm cuối tháng 11 dương lịch là các cơ sở sản xuất mặt hàng khô đều tất bật cho dịp cuối năm. Hiện nay đang vào mùa biển nên đủ nguồn nguyên liệu phục vụ cho hoạt động chế biến ở các làng nghề”.

Ông Huỳnh Thanh Đảm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển thông tin: “Hiện các cơ sở sản xuất các mặt hàng cá khô, mắm, tôm khô ở địa phương đang vào chính vụ. Hằng năm, các cơ sở này cung ứng cho thị trường hàng chục tấn hàng, trong đó nhiều nhất là các mặt hàng khô các loại. Mùa này, không khí làm việc ở các cơ sở sản xuất rất nhộn nhịp”.

Xế chiều, làng biển Rạch Gốc lại nhộn nhịp khi ghe tàu ra vào tấp nập để bán hải sản. Tại các hộ gia đình hành nghề lưới đáy cũng bắt đầu rôm rả, nhiều phụ nữ tập trung để phân loại tôm cá kiếm thêm thu nhập. Không khí làm việc rất khẩn trương, nghiêm túc. Tất cả đều đã sẵn sàng đón một mùa xuân vui tươi và ấm no.

Trần Khải

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/lang-nghe-san-xuat-kho-bien-o-ca-mau-vao-mua-190802.html