Làng nghề thời 4.0
Những ngày này, không khí lao động tại các làng nghề càng nhộn nhịp hơn bao giờ hết, như thể dồn mọi tâm sức để sản phẩm của làng có mặt trong nhiều gia đình khi Tết đến, Xuân về. Bên cạnh việc giữ gìn những tinh hoa được truyền lại từ nhiều thế hệ trước, các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đã bước ra khỏi vùng an toàn, tìm cách chinh phục khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ bằng những trải nghiệm mua hàng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Gìn giữ tinh hoa làng nghề
Chúng tôi đến xóm Nà Mạ, xã Trường Hà (Hà Quảng) trong ánh nắng dịu dàng hiếm hoi cùng không khí se se lạnh của tiết trời cuối đông. Ngay từ đầu xóm, đã cảm nhận được mùi hương thơm dịu nhẹ, thanh khiết, dễ chịu, mang đậm hơi thở tự nhiên của núi rừng. Quanh xóm, giữa không gian bình yên của làng quê, tiếng chim hót xen lẫn trong gió xào xạc, đâu đâu cũng bắt gặp âm thanh se hương lách cách vui tai, người người tất bật chuẩn bị nguyên liệu làm bột hương, chân hương, phơi hương… tạo nên không khí vui tươi, nhộn nhịp của làng nghề mỗi khi vào vụ Tết. Bên cạnh đó, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cây hương thành phẩm với sắc đỏ, sắc thẫm đặc trưng được phơi gọn gàng trên các giá phơi bằng tre nứa ở bên đường, trước sân nhà và cả những nụ cười mến khách của người dân vốn dĩ hiền hậu, chăm chỉ, chân chất.
Đối với bà con nơi đây, nghề làm hương thảo mộc đã có từ rất lâu đời, không ai nhớ bắt đầu từ khi nào, chỉ biết rằng khi lớn lên họ đã thấy ông bà, cha mẹ mình miệt mài với nghề làm hương. Nghề cứ thế truyền từ đời này sang đời khác, nhiều gia đình vẫn duy trì được đến ngày nay. Trong tiềm thức của mỗi người dân, nén hương thơm là một nét đẹp văn hóa thiêng liêng để tỏ lòng biết ơn sâu sắc của con cháu đối với ông bà, tổ tiên, nhất là trong mỗi dịp lễ, Tết, thanh minh.
Hương thảo mộc truyền thống của người dân Nà Mạ làm là loại hương nén (hay còn gọi là hương que) có chiều dài từ 30 - 40 cm, đường kính 2 - 3 mm, cốt làm bằng thân cây mai. Phần thuốc bọc quanh có màu vàng sẫm hoặc màu đỏ sẫm. Hiện nay, hương vẫn được bà con gói thủ công bằng giấy báo, mỗi bó khoảng 45 - 50 que hương với giá 10 - 15 nghìn đồng. Hương thảo mộc sản xuất tại đây được nhiều người ưa chuộng, làm đến đâu bán hết đến đó, không chỉ trong xóm, trong xã mà ở các xã lân cận cũng đến đặt mua.
Ông Nông Linh Long, Trưởng xóm Nà Mạ cho biết: Xóm có 81 hộ với 361 nhân khẩu, trong đó, hơn 30 hộ duy trì nghề làm hương thảo mộc. Hương thảo mộc được người dân làm quanh năm, nhưng vào những dịp lễ, Tết truyền thống của dân tộc, nhu cầu tiêu thụ của khách hàng lớn, trung bình mỗi hộ thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng, có hộ thu nhập 10 triệu đồng/vụ. Ngoài ra, xóm còn có 17 hộ duy trì nghề làm giấy bản truyền thống. Mặc dù nghề làm hương, làm giấy không mang lại thu nhập cao như nhiều nghề khác, nhưng người dân trong xóm vẫn trân trọng và giữ nghề cho đến ngày nay, bởi đó là nghề mà cha ông họ đã tìm tòi, sáng tạo, gắn liền với đời sống tinh thần của bao người.
Chia tay Nà Mạ, chúng tôi đến với xã Phúc Sen (Quảng Hòa), nơi có 99% đồng bào dân tộc Nùng An sinh sống. Có lịch sử trên 300 năm, làng nghề rèn Phúc Sen nức tiếng khắp xa gần với những nông cụ bền đẹp. Đến Phúc Sen, đâu đâu cũng thấy các bếp than rực lửa và những đốm hoa lửa bùng lên sau những quai búa nhịp nhàng của người thợ rèn. Khu vực trước sân nhà, những sản phẩm của làng nghề rèn được các hộ dân bày bán gọn gàng, sắp xếp theo từng loại mặt hàng khoa học, đẹp mắt, thuận tiện để khách hàng có thể lựa chọn.
Các sản phẩm của làng nghề Phúc Sen chủ yếu là các nông cụ sản xuất, dao, kéo… với giá bán tùy theo kích cỡ, kiểu dáng cũng như chức năng sử dụng. Những bí quyết trong lựa chọn vật liệu cùng sự tuân thủ khắt khe kỹ thuật tôi luyện thép khiến người dân nơi đây chế tạo ra được những nông cụ bằng thép tốt nhất, có độ bền cao, phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Dịp Tết là khoảng thời gian người dân trong làng bận rộn nhất vì số lượng khách đặt các loại dao để sử dụng tăng cao. Những tiếng đe, tiếng búa leng keng, dồn dập, bếp lửa bập bùng và đỏ rực từ tờ mờ sáng đến tối mịt. Các sản phẩm của làng rèn Phúc Sen không chỉ được ưa chuộng tại khu vực miền núi phía Bắc mà còn được đặt hàng mang đi nhiều địa phương trong cả nước.
Làng nghề bắt nhịp xu hướng công nghệ 4.0
Toàn tỉnh hiện có 21 làng nghề truyền thống. Trong đó, 8 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, gồm: Làng nghề làm đường phên xóm Bó Tờ, thị trấn Hòa Thuận; làng nghề rèn xã Phúc Sen; làng nghề giấy bản xóm Quốc Dân, xã Phúc Sen; làng nghề hương xóm Phia Thắp, xã Phúc Sen; làng nghề nón lá, xóm Hoàng Diệu, xã Tự Do; làng nghề ngói đất nung, xóm Lũng Rì, xã Tự Do (Quảng Hòa); làng nghề làm hương xóm Nà Kéo, xã Trường Hà (Hà Quảng); làng nghề truyền thống miến dong Phia Đén, xã Thành Công (Nguyên Bình).
Trải qua lịch sử hàng trăm năm, các làng nghề không chỉ hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc mà còn chứa đựng những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc hay di tích lịch sử, gắn kết mạnh mẽ với những phong tục, lễ hội và nghi lễ truyền thống của dân tộc. Nhiều làng nghề truyền thống vẫn giữ được thương hiệu sản phẩm nổi tiếng như: đan lát, chạm bạc, dệt thổ cẩm, làm ngói máng, làm cót, làm hương, giấy dó... Những năm gần đây, một số làng nghề truyền thống đã cải tiến kỹ thuật, công nghệ, đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực nên sản phẩm ngày càng được thị trường, người tiêu dùng trong nước và nước ngoài ưa thích, tiêu thụ với số lượng lớn.
Tận dụng những cơ hội mà cuộc cách mạng 4.0 đem lại, thời gian qua, một số làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh chủ động tiếp cận, đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT, mạng xã hội, bán hàng qua mạng. Thay vì quảng bá sản phẩm bằng cách truyền miệng, nhiều hộ trong làng nghề đã lập trang Facebook và website để quảng bá những hình ảnh, video về quá trình sản xuất, giúp người tiêu dùng hiểu thấu đáo giá trị hữu hình, vô hình của sản phẩm. Đặc biệt, việc mở kênh bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội được giới trẻ của làng nghề sử dụng phổ biến, đem lại giá trị cao.
Tại làng nghề rèn Phúc Sen, nhiều chủ cơ sở, hợp tác xã cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội, các sản phẩm của làng không chỉ được bày bán tại nơi sản xuất hoặc tiêu thụ ở chợ, giao cho mối khách quen mà đã được giới thiệu, quảng bá và tiếp thị trên các sàn giao dịch TMĐT, ứng dụng điện tử. Anh Lương Văn Lưu, chủ cơ sở sản xuất dao tại Phúc Sen cho biết: Hầu hết các sác sản phẩm bán hàng của gia đình được quảng bá qua các kênh online như: Facebook, Zalo, Tik Tok... giúp tiếp cận được nhiều tệp khách hàng hơn trước, hóa giải những khó khăn về tiêu thụ. Từ không gian mạng, tôi có thể cập nhật hình ảnh, mẫu sản phẩm mới, thông tin về chất liệu, kiểu dáng, kích cỡ... kết hợp giao hàng tận nơi. Nhờ những mặt hàng chất lượng và dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt, số đơn đặt hàng tăng gấp 2 - 3 lần so với lúc trước.
Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sen Nông Văn Đài cho biết: Trên địa bàn xã có 3 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, gồm: làng nghề rèn Phúc Sen, làng nghề giấy bản Quốc Dân và làng nghề hương Phja Thắp. Bắt nhịp chuyển đổi số, xã tích cực hỗ trợ các làng nghề trên địa bàn chủ động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong sản xuất và đặc biệt là khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua mạng xã hội, xây dựng website, tham gia sàn giao dịch TMĐT. Khuyến khích các chủ cơ sở tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, các hội chợ, lễ hội. Qua đó, giúp tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm làng nghề truyền thống, tạo động lực cho người lao động và các nghệ nhân sáng tạo, khẳng định chất lượng sản phẩm. Đây cũng là một cách thức để gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Để góp phần đạt mục tiêu phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tỉnh xác định tạo hiệu quả kinh tế kép từ phát triển ngành nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch nông thôn. Tuy nhiên, những sản phẩm làng nghề mang những giá trị văn hóa, lịch sử, thể hiện tay nghề, tâm huyết của nghệ nhân, nếu chỉ bán hàng theo cách thông thường sẽ khó đạt được giá trị mong muốn.
Hiện nay, khả năng nắm bắt thông tin của các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở làng nghề trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Việc bán hàng trên sàn TMĐT vẫn chỉ mang tính tự phát, người bán hàng chưa có kỹ năng, chưa có chiến lược kinh doanh. Mặc dù làng nghề đã có những sản phẩm đặc trưng, mang tính riêng biệt nhưng chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác; các dịch vụ TMĐT chưa chú trọng phát triển tại các vùng nông thôn… Để các làng nghề truyền thống thực sự “chuyển mình” trong thời đại số, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ áp dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế một cách bài bản và chủ động hơn, đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/lang-nghe-thoi-4-0-3175104.html