Lãng phí lương thực thực phẩm gây ra thất thoát gần 4 tỷ USD mỗi năm
Tổn thất sau thu hoạch của Việt Nam về nông sản thực phẩm nói chung vào khoảng 20-35% mỗi năm với tổng hiện hại ước tính khoảng 8,8 triệu tấn, tương đương 3,9 tỷ USD
Chiều 10/11, Hội nghị "Triển khai Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam" đã được tổ chức nhằm thúc đẩy thực hiện Kế hoạch cũng như trao đổi, tham vấn về việc thành lập đối tác hệ thống thực phẩm.
Cơ hội phát triển kinh tế xanh
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết: “Công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững trên thế giới, dù đạt nhiều thành quả, song vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như: Tác động khó lường của biến đổi khí hậu, sự khan hiếm/cạn kiệt của các tài nguyên, dịch bệnh, xung đột địa chính trị…”
Nhận định những khó khăn hiện có, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra rằng, nông nghiệp Việt Nam đang phải đương đầu với một số thách thức lớn, từ các vấn đề nội tại đến các yếu tố khách quan.
Với mong muốn tăng cường hợp tác cùng các đối tác quốc tế nhằm thúc đẩy chuyển đổi Hệ thống LTTP, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chia sẻ 5 nội dung trọng tâm.
Cụ thể, trọng tâm đầu tiên là đẩy mạnh chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng xanh, ít phát thải và bền vững; chú trọng sản xuất nông nghiệp sinh thái và phát triển kinh tế nông thôn; bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học.
“Chúng tôi coi đây cũng là cơ hội để phát triển kinh tế xanh, phát triển các sản phẩm, dịch vụ và việc làm mới theo hướng xanh hóa, đổi mới và phát triển thuận thiên”, Bộ trưởng nói.
Thứ hai, đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, không chỉ phục vụ sản xuất mà phục vụ phát triển kinh tế nông thôn. Trọng tâm thứ ba là thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong nước và xuyên biên giới.
Song song với đó là xây dựng và cập nhật bảng cân đối dinh dưỡng quốc gia, làm cơ sở định hướng sản xuất, phân phối; tăng cường giáo dục để tạo thói quen ăn uống lành mạnh, cân đối dinh dưỡng, tiêu dùng tiết kiệm. Giảm thất thoát và lãng phí lương thực thực phẩm trên toàn chuỗi thực phẩm.
Cuối cùng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Đây là xu hướng tất yếu và đang phát triển nhanh trên thế giới khi nhận thức của người tiêu dùng ngày càng được nâng cao. Chúng ta cần tăng cường triển khai và áp dụng các chính sách tiêu dùng xanh ở Việt Nam, đây cũng là một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, hướng đến phát triển bền vững”.
Tại sự kiện, đại diện Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc tại Việt Nam (FAO), ông Rémi Nono Womdim cho biết: "FAO sẵn sàng hợp tác cùng Việt Nam triển khai thực hiện Kế hoạch trong đó tập trung vào bốn trụ cột: Khoa học, đổi mới và dữ liệu; chính sách, chiến lược và các chương trình; tài chính và quan hệ đối tác".
Ngành nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong 3 thập kỷ qua. Tuy nhiên, hệ thống nông sản, thực phẩm vẫn bị ảnh hưởng bởi các tác động bởi biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, mất đa dạng sinh học.
Trích dẫn lời của Tổng Giám đốc FAO, ông Nono Womdim chia sẻ: “…Đến lúc chúng ta phải hành động. Chúng ta cần chuyển đổi hệ thống LTTP để bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng tốt hơn cho tất cả mọi người, bền vững về mặt kinh tế, toàn diện và có tác động tích cực đến khí hậu và môi trường”.
Thất thoát 12% GDP ngành nông nghiệp mỗi năm
Báo cáo về thực trạng thất thoát và lãng phí lương thực thực phẩm ở Việt Nam, ông Phạm Anh Tuấn - Viện trưởng viện cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Tổn thất sau thu hoạch của Việt Nam về nông sản thực phẩm nói chung vào khoảng 20-35% mỗi năm với tổng hiện hại ước tính khoảng 8,8 triệu tấn, tương đương 3,9 tỷ USD. Đồng nghĩa thiệt hại khoảng 12% GDP ngành nông nghiệp Việt Nam".
Nói về nguyên nhân gây thất thoát và lãng phí lương thực thực phẩm tại Việt Nam, ông Tuấn cho rằng là do sản xuất nông nghiệp của nước ta còn manh mún, nhỏ lẻ, trang thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn thấp so với thế giới.
Ngoài ra, thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng gắn với vùng nguyên liệu và hệ thống logistic; ít các doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị cũng như trình độ công nghệ ứng dụng còn ở mức thấp so với khu vực, thế giới cũng là nguyên nhân gây ra lãng phí và thất thoát LTTP tại Việt Nam
Từ thực tế trên, ông Tuấn kiến nghị cần đầu tư các dự án điều tra khảo sát đánh giá thực trạng có hệ thống cho từng ngành hàng nông sản thực phẩm và phụ phẩm theo chuỗi giá trị. Đồng thời rà soát thay đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng cho các mặt hàng nông sản thực phẩm đã ban hành lâu nay đã quá lạc hậu.
Theo chia sẻ của bà Phạm Thanh Thủy - Chuyên gia Lương thực thực phẩm, Văn phòng Đại diện FAO tại Việt Nam cho biết các nhiệm vụ chính của Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống LTTP đến năm 2023 bao gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy trình, tiêu chuẩn; phát triển hệ thống cung ứng đầu vào; phát triển sản xuất, hệ thống chế biến, phân phối và chuỗi giá trị thích ứng cũng như thúc đẩy tiêu dùng.
Dựa vào các nhiệm vụ đó, Liên hợp quốc sẽ có những hỗ trợ đối với Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống LTTP ở Việt Nam xoay quanh việc cải thiện tính gắn kết của chính sách và thể chế, tăng cường đối thoại, hợp tác đa bên. Dữ liệu thực chức và đổi mới sáng tạo và hỗ trợ tài chính.