Làng xã và dấu ấn của nền văn hóa Đông Sơn
'Nếu như con sông Hồng là gốc của nền văn minh Việt nói chung, thì sông Mã (đoạn qua tỉnh Thanh Hóa) đã góp phần làm cho văn minh Việt phát triển rực rỡ với nền văn hóa Đông Sơn' (Hoàng Minh Tường, Qua những 'hóa thạch ngoại biên' về văn hóa ở Thanh Hóa).
Toàn cảnh không gian văn hóa Đình Trung trên đất làng Quỳ Chử (Hoằng Quỳ, Hoằng Hóa). Ảnh: K.H
Lưu vực sông Mã (Thanh Hóa) là một vùng đất cổ, ở cả góc độ địa chất lẫn góc độ nhân văn. Vùng địa đầu khúc ruột miền Trung này có núi cao, sông sâu, đồng bằng rộng lớn và biển cả bao la, đã sớm trở thành địa bàn sinh tụ và phát triển liên tục của con người qua các thời đại.
Những phát hiện công cụ sơ kỳ đá cũ ở núi Đọ (Thiệu Hóa), những di cốt người và động vật hóa thạch ở hang Làng Tráng (Bá Thước) đã khẳng định: Thanh Hóa là một trong những nơi chứng kiến sự có mặt của người tối cổ trên đất Việt Nam. Và một loạt di tích hậu kỳ thời đá cũ trong các hang động như Núi Một, Mái đá Điều, Con Moong cùng các di tích văn hóa Hòa Bình phân bố ở các huyện miền núi như Thạch Thành, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Quan Hóa, Bá Thước đã minh chứng cho sự có mặt của con người từ hậu kỳ thời đại đá cũ sang sơ kỳ thời đại đá mới. Tiếp theo, cư dân văn hóa Đa Bút từ chân núi Vĩnh Lộc tiến xuống khai phá đồng bằng trũng Hà Trung rồi vươn tiếp ra vùng ven biển Hậu Lộc, đã tạo dựng nên một nền nông nghiệp định cư, một trung tâm sản xuất gốm sớm ở nước ta.
Bước vào thời đại kim khí, cư dân tiền Đông Sơn, rồi Đông Sơn làm chủ lưu vực sông Mã, biến nơi đây thành một trong những trung tâm văn hóa của người Việt cổ.
Năm 1924, sự kiện một người nông dân làng Đông Sơn khi ra sông Mã câu cá đã tìm thấy những hiện vật đồ đồng đã mở ra nhiều đợt khai quật tiếp sau đó. 10 năm sau, nhà khảo cổ học người Áo Hainơ Ghen đéc đã đề nghị gọi tên nền văn hóa đồ đồng này là “Văn hóa Đông Sơn”. Từ đó đến nay tên văn hóa Đông Sơn được dùng phổ biến trên toàn thế giới.
Các nhà nghiên cứu cũng đã tìm ra niên đại của văn hóa Đông Sơn cách ngày nay trên dưới 2000 năm. Đây là giai đoạn có sự hình thành của một nhà nước hùng mạnh có cơ cấu tổ chức xã hội cao dựa trên một nền nông nghiệp lúa nước phát triển, kỹ nghệ đúc đồng hoàn hảo, và các ngành nghề thủ công đặc sắc.
Trong số 500 di tích đã được biết đến của văn hóa Đông Sơn hiện tồn tại ở Việt Nam, gồm các di tích khảo cổ tiêu biểu như: di chỉ cư trú, di tích mộ táng; di tích xưởng, di chỉ - di tích cư trú - xưởng... thì trên đất Thanh Hóa phát hiện hơn 120 di tích.
Căn cứ trên các hiện vật và khu vực tìm được hiện vật, các nhà khoa học khẳng định cư dân Đông Sơn sống tập trung ở cồn (bái), đồng (mả); hoặc ở chân núi đá vôi nổi lên giữa đồng bằng. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một trong những quy luật cư trú trong thời Đông Sơn là các khu vực giao nhau giữa các dòng suối, dòng sông, những ngã ba sông – đây là khu vực có những trung tâm kinh tế - xã hội lớn mạnh đương thời. Rõ nhất là các làng cổ, mộ táng cổ phân bố khá dày đặc ở dọc các con sông, mà cụ thể ở Thanh Hóa là khu vực sông Mã và một phần của sông Chu.
Dấu ấn Đông Sơn thể hiện ở việc cư dân lập làng trên những gò đất cao bên dòng sông, một số ít cư trú ở đồng bằng và một bộ phận sống rải rác ở vùng trước núi gần nguồn nước, sống dựa vào nguồn thực vật và thủy sản phong phú ngay trên địa bàn mình cư trú. Cũng qua khảo sát, ở các di chỉ khảo cổ ở Thiệu Dương, Đông Sơn, Quỳ Chử, núi Nấp... thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn rộng hàng ngàn mét vuông và có tầng văn hóa khá dày đã chứng tỏ đó là những kẻ, chiềng, chạ... mà sau này gọi là làng, thôn, hương, giáp, xã... người dân định cư lâu dài và không kém phần nhộn nhịp. Đàn ông cởi trần, đóng khố; đàn bà dệt gai, đay và sợi tơ làm quần áo để mặc. Người dân sống trong những ngôi nhà sàn hình thuyền có mái cong. Thuyền cũng là phương tiện giao thông chính thời kỳ này.
Dấu ấn của “kẻ” qua các tư liệu lịch sử thành văn, nhất là trong tâm thức của Nhân dân qua thơ ca, hò vè, truyện kể dân gian là một trong những minh chứng sống động về quá trình hình thành và phát triển của các làng xã ở vùng đồng bằng sông Mã. Và những kinh nghiệm về sản xuất và những kỹ năng trong cuộc sống phần nào được người dân thể hiện trên kỹ thuật chế tác luyện kim..., như kỹ thuật đúc đồng, đúc trống, chế tác các nhạc cụ cồng chiêng và các họa tiết hoa văn in trên trống đồng Đông Sơn. Ngoài ra, dấu ấn Đông Sơn còn thể hiện trong sinh hoạt hội hè như lễ hội vào đầu năm mới, xuống đồng, mừng cơm mới; tín ngưỡng cầu ánh sáng mặt trời, cầu mưa; trong lời ca, điệu múa Pôồn Pôông, múa đèn, dân ca Đông Anh, âm nhạc cồng chiêng, khua luống.
Vùng đất cổ Quỳ Chử (hay còn gọi là đất Kẻ Tổ) nay là xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa), nơi đã từng có sự xuất hiện, quần tụ sinh sống của cư dân cổ từ rất sớm. Đây cũng là điều kiện tạo nên văn hóa Quỳ Chử đặc sắc - bước phát triển cuối của thời đại đồng thau ở xứ Thanh và cũng là “tiền đề” của nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ.
Từ di chỉ khảo cổ học Quỳ Chử đã phát hiện thấy tầng văn hóa diễn biến liên tục và kéo dài từ cuối thiên niên kỷ thứ 2 đến cuối thiên niên kỷ thứ 1 trước công nguyên. Với 3 di chỉ khảo cổ: Bãi Chùa (mộ táng), Bãi Chùa (di chỉ cư trú) và Đồng Cáo cùng các hiện vật gốm, đồng thau Đông Sơn, các nhà nghiên cứu khẳng định đây là vùng đất xưa nhất của Hoằng Hóa. Phát hiện ở Quỳ Chử “đã làm rõ nét về tính hệ thống của những người Việt cổ trong quá trình làm chủ vùng đồng bằng sông Mã. Tính địa phương của loại hình văn hóa làm tôn thêm vẻ độc đáo của cư dân bộ Cửu Chân trong sự phong phú của nền văn minh thống nhất từ thời dựng nước...” (PGS.TS Diệp Đình Hoa, Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1978, NXB Khoc học xã hội).
Để thích nghi với điều kiện tự nhiên, người Việt cổ ở Quỳ Chử đã chọn những cồn đất cao, như: Gò Kim Quy, cồn Lân (cồn Lằn)... nhìn ra sông làm nơi cư trú là vừa tránh gió, tránh mưa. Ông Lê Đình Cẩn, Trưởng làng văn hóa Quỳ Chử cho biết: Theo các tài liệu còn để lại, ở Quỳ Chử trước đây có số lượng đền chùa nhiều bậc nhất trong vùng. Trong làng trước kia có 4 ngôi đền, 1 ngôi chùa và 4 đình làng. Hiện nay làng chỉ còn lại Đình Trung được tôn tạo trên nền móng cũ và đền Mẫu thờ Đệ tam thánh Mẫu của làng.
Gắn liền với nền văn minh Việt cổ, được dùng để định danh cho một nền văn hóa nổi tiếng ở Việt Nam cũng như khu vực - “văn hóa Đông Sơn”, được người xưa lựa chọn để lập làng bởi có địa hình nhiều núi nối liền nhau như “rồng vờn ngọc”, đó là làng cổ Đông Sơn. “Thế đất làng Đông Sơn dựa lưng vào núi (núi sau làng), phía Bắc khống chế bởi núi Voi, núi Tràng Tiền, đồng Ngược, giáp với làng Giàng; phía Nam giáp với núi Mã Yên, núi Vàng, núi Cuộc, núi Cánh Tiên; phía Tây giáp làng Hạc Oa; phía Đông tựa lưng vào núi Rồng” (Lê Thị Thảo, Làng cổ Đông Sơn và những văn bia ma nhai còn lại).
Đến thăm làng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa), chúng ta như được ngược dòng lịch sử để trở về hàng ngàn năm trước của dân tộc. Ngôi làng nằm nép mình ở bên dòng sông Mã với những dãy núi, đồi, đan xen vào đó là những ruộng lúa xanh bát ngát. Trong làng hiện còn vài ngôi nhà cổ được bảo tồn. Nét đẹp cổ xưa thể hiện rõ qua kiến trúc của cổng làng và những con ngõ, bức tường đá rêu phong... Điều thú vị nhất của ngôi làng này chính là tên những con ngõ Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng thể hiện rõ phẩm giá con người và truyền đi thông điệp về nét đẹp văn hóa của người dân trong làng.
Về đất cổ Quỳ Chử hay làng cổ Đông Sơn hôm nay, trong sự phát triển của vùng quê nông thôn, điều may mắn với thế hệ chúng ta là vẫn còn thấy ở đó những dấu ấn của nền văn hóa Đông Sơn, với một không gian văn hóa làng truyền thống đang được người dân trân trọng và giữ gìn.