Lào Cai phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng thương mại nông thôn
Lào Cai đặt mục tiêu đến hết năm 2025 có 19 chợ được xây mới, 17 chợ được nâng cấp, cải tạo, chú trọng việc xóa bỏ các chợ tạm, chợ không bảo đảm tiêu chuẩn để xây dựng đáp ứng nhu cầu của người dân.
Thời gian qua, việc phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng thương mại nông thôn theo hướng văn minh hiện đại phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai và góp phần quan trọng hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Các địa phương trong tỉnh Lào Cai đã chủ động kết hợp linh hoạt lồng ghép nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo chợ dân sinh, chợ có giá trị di tích, lịch sử, văn hóa. Đồng thời, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, phát triển hệ thống bán lẻ tiên tiến, hiện đại ở khu vực nông thôn với mô hình các siêu thị mini, cửa hàng tiện ích, cửa hàng tự chọn... đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 86/127 xã trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chí số 7 về hạ tầng thương mại nông thôn mới. Việc thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng thương mại thiết yếu theo tiêu chí nông thôn mới đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các xã.
Đơn cử, xã Cán Cấu thuộc huyện Si Ma Cai được đầu tư xây dựng mới từ năm 2019 bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương và các xã lân cận trao đổi, mua bán hàng hóa, đáp ứng tiêu chí hạ tầng thương mại nông thôn trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Với quy mô dân số khu vực nông thôn chiếm khoảng 73,61% dân số toàn tỉnh, thu nhập của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, giúp thu hẹp khoảng cách đời sống giữa thành thị và nông thôn, vì vậy dịch vụ bán lẻ ở khu vực nông thôn còn nhiều dư địa phát triển trong các giai đoạn tiếp theo.
Cùng với mô hình chợ dân sinh, có nhiều cửa hàng tiện ích, cửa hàng bán lẻ được đầu tư tại trung tâm các cụm xã, trung tâm các xã do tổ chức, tư nhân hoặc hợp tác xã đầu tư ngày càng phát triển, thu hút lượng lớn khách hàng quan tâm, mua sắm trực tiếp. Những cơ sở bán lẻ này còn được đầu tư công nghệ, tổ chức các chương trình tiếp thị, quảng bá, giới thiệu xu hướng mua sắm các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm ocop của tỉnh...
Trong chuỗi cửa hàng tại địa bàn các xã, có cửa hàng điện máy nội thất Minh Huấn tại khu trung tâm, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng bình quân doanh thu mỗi tháng trên 250 triệu đồng.
Chị Bùi Cẩm Anh, chủ cửa hàng tại xã Gia Phú cho biết: “Tuy là địa bàn nông thôn nhưng mức sống của người dân đã được nâng cao; hiện nay cửa hàng đang chú trọng vào chất lượng, thương hiệu, chính sách bảo hành, hậu khuyến mại, đảm bảo nguồn cung hàng hóa nên lượng khách hàng và doanh thu của cửa hàng tương đối ổn định”.
Hạ tầng thương mại, dịch vụ khu vực nông thôn được đầu tư, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa không chỉ đáp ứng nhu cầu kinh doanh, giao thương hàng hóa của người dân mà còn là tiền đề để khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển về mọi mặt. Nhằm tiếp tục nâng cấp hạ tầng thương mại nông thôn, tỉnh Lào Cai đang khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng kinh doanh tổng hợp ở khu vực nông thôn, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phù hợp với người dân để hình thành mạng lưới phân phối hàng hóa phủ khắp trên địa bàn toàn tỉnh nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.
Nhằm đáp ứng tốt hơn về nhu cầu của người dân cũng như đầu tư về cơ sở hạ tầng thương mại, Sở Công Thương tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị phổ biến quy định về phát triển, quản lý chợ và xây dựng nông thôn mới – Tiêu chí số 7.
Tại đây, nhiều vấn đề đã được thông qua như phổ biến, hướng dẫn các quy định về phát triển và quản lý chợ tại Nghị định số 60/2024/NĐ-CP và tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn - Tiêu chí số 7 trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai thuộc lĩnh vực ngành Công Thương; Phổ biến, hướng dẫn về cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn liên quan đến phát triển và quản lý hạ tầng thương mại biên giới. Trong đó đã tập trung trao đổi về quy định của pháp luật liên quan đến chợ tại Nghị định số 60/2024/NĐ-CP ngày 05/6/2024 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ; các văn bản hướng dẫn đánh giá mức độ hoàn thành Tiêu chí Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn - Tiêu chí số 7 của Bộ Công Thương và của Sở Công Thương tỉnh Lào Cai (Quyết định số 1327/QĐ-BCT ngày 03/6/2024 của Bộ Công Thương; Văn bản số 1159/SCT-KH ngày 05/7/2024 và Văn bản số 1666/SCT-TM ngày 24/9/2024 của Sở Công Thương).
Bên cạn đó, công tác quản lý chợ, quản lý hạ tầng thương mại biên giới và thẩm định, đánh giá mức độ hoàn thành Tiêu chí số 7 trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đến nay toàn tỉnh có 71 chợ đang hoạt động và có 75/127 xã được đánh giá hoàn thành Tiêu chí số 7 trong xây dựng nông thôn mới. Hạ tầng thương mại biên giới cũng được quan tâm phát triển mạnh mẽ, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 15 chợ ở khu vực biên giới (4 chợ biên giới và 11 chợ trong khu kinh tế cửa khẩu), 26 cửa hàng bán lẻ xăng dầu và chuỗi cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện ích, của hàng tổng hợp, siêu thị mi ni…đang hoạt động đạt hiệu quả cao góp phần tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới giữa Lào Cai và Vân Nam, Trung Quốc.
Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, trên địa bàn tỉnh đang có hơn 72 chợ hoạt động, trong đó chợ ở khu vực đô thị chỉ chiếm 30%, còn lại là chợ ở khu vực nông thôn. Tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu đến hết năm 2025 có 19 chợ được xây mới, 17 chợ được nâng cấp, cải tạo, chú trọng việc xóa bỏ các chợ tạm, chợ không bảo đảm tiêu chuẩn để xây dựng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, nhất là ở khu vực nông thôn.
Để phát triển và khai thác hiệu quả hệ thống chợ nông thôn, chính quyền các địa phương cần có giải pháp quản lý hoạt động chợ. Bên cạnh đó, cần đào tạo nhân lực, chuyển đổi mô hình quản lý chợ để kinh doanh hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.