Lao động làng nghề chưa hiểu rõ về BHXH tự nguyện

Hiện cả nước có hơn 5.400 làng nghề đang hoạt động, thu hút khoảng 11 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động còn thấp, dẫn đến nhiều thiệt thòi, rủi ro khi hết tuổi lao động.

Bà Nguyễn Thị Hoa làm nghề sơn mài ở làng Duyên Thái (Thường Tín, Hà Nội) hơn 20 năm nay. Tùy vào trình độ và số lượng sản phẩm làm ra, mỗi lao động như bà có thể đạt thu nhập trung bình 6 - 7 triệu đồng/tháng.

Bà Hoa cho biết: "Nghề này thì quanh năm lúc nào cũng có việc. Mỗi tháng làm 28 công. Nếu làm thêm thì ngày 8 tiếng, tối 3 tiếng nữa thì được 7 - 8 triệu/tháng".

Khi phóng viên Đài Hà Nội hỏi bà có đóng BHXH tự nguyện không, bà Hoa trả lời: "Chúng tôi cứ lấy tiền tiêu luôn. Chứ giờ được vài triệu, lại phải đóng mất 1 triệu thì thôi, kệ, để sau cho con cháu nó lo".

 Hầu hết lao động làng nghề chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm tai nạn lao động.

Hầu hết lao động làng nghề chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm tai nạn lao động.

Phần lớn lao động tại làng nghề này đã mua bảo hiểm y tế. Một số có tham gia bảo hiểm nhân thọ nhưng hầu hết đều chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm tai nạn lao động.

Bà Tạ Thị Liên, xã Duyên Thái, chia sẻ: "Chúng tôi làm đồng ruộng là chính, ít khi nghĩ đến BHXH. Vì lúc trẻ kiếm không ra tiền, còn bây giờ già rồi thì đóng làm gì nữa. Giờ 50 tuổi rồi, đóng tận 20 năm nữa, mà 70 tuổi già không làm được nữa, ở nhà trông cháu thì ai đóng tiếp cho."

Ông Đỗ Văn Thừa, Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Thái, cho hay: ''Luật BHXH có từ lâu rồi nhưng để tiếp cận đến người dân, đặc biệt là những người lao động ở làng nghề nông thôn thì chưa được tiếp cận nhiều. Luật BHXH dù đã được chính quyền địa phương tuyên truyền vận động nhưng họ vẫn chưa nhận thấy được hiệu quả và đem lại quyền lợi''.

Người lao động vẫn chưa nhận thấy được hiệu quả và quyền lợi BHXH đem lại.

Người lao động vẫn chưa nhận thấy được hiệu quả và quyền lợi BHXH đem lại.

Bà Trương Thị Oanh, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, Hà Nội, cho rằng: "BHXH chưa có tính ưu việt, mới chỉ có BHYT và tử tuất. Trong khi thời gian đóng khá dài nên người dân vẫn chưa tin tưởng. Xã cũng đã ban hành các kế hoạch, chỉ tiêu, tăng cường công tác tuyên truyền đến từng ngành đoàn thể, các thôn xóm bằng nhiều hình thức lồng ghép qua các hội nghị, trên loa truyền thanh. Thế nhưng mới đạt khoảng 90% người tham gia BHYT. Còn người tham gia BHXH đến tháng 4 năm nay mới đạt 43/85% theo chỉ tiêu của thành phố".

Tỷ lệ người tham gia lưới an sinh xã hội hiệ̣n nay là không đáng kể.

Tỷ lệ người tham gia lưới an sinh xã hội hiệ̣n nay là không đáng kể.

Theo chuyên gia, qua 7 năm thực hiện, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 chưa có sự phân định cụ thể về lao động làng nghề tham gia bảo hiểm xã hội. Tỷ lệ người tham gia lưới an sinh xã hội hiệ̣n nay là không đáng kể.

PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, cho biết: "Tâm lý người dân chưa tin lắm BHXH. Cho nên họ có tiền họ sẽ cất chỗ khác, nhưng cất chỗ khác lại không tạo cho họ nguồn lương hưu sau khi họ nghỉ lao động. Đây cũng là một thiệt thòi cho người dân và an sinh xã hội.

BHXH cũng đã cố gắng cải tiến cách thức làm việc, thủ tục hành chính nhưng vẫn còn rườm rà, nhiêu khê làm cho dân lúc gửi thì dễ, lúc rút ra lại rất khó nên người dân không hào hứng lắm".

Cũng theo chuyên gia, thời gian tới, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, sớm giúp lao động làng nghề tiếp cận an sinh xã hội hiệu quả hơn.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/lao-dong-lang-nghe-chua-hieu-ro-ve-bhxh-tu-nguyen-250353.htm