Lao động ngoài trời cần được hỗ trợ

Hầu hết những người lao động ngoài trời tại các đô thị trong tỉnh không có bất kỳ nguồn dự trữ nào hoặc rất ít để đối phó với những giai đoạn khó khăn khi không có việc làm việc do thời tiết xấu, ốm đau. Những người lao động ngoài trời rất muốn được tập hợp trong nghiệp đoàn nghề nghiệp để được quan tâm và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình.

Lao động ngoài trời làm nghề xe kéo phải đối mặt với nhiều rủi ro - Ảnh: Tú Linh

Lao động ngoài trời làm nghề xe kéo phải đối mặt với nhiều rủi ro - Ảnh: Tú Linh

Ông Trần Văn M. ở Phường 5, TP. Đông Hà, nay tuổi gần 70, làm nghề kéo xe hơn 35 năm. Ông M. kể, ban đầu ông làm nghề kéo xe bằng tay. Dù công việc nặng nhọc nhưng nhờ siêng năng, chịu khó nên bất kể trời nắng nóng gay gắt hay mưa gió, nếu có người cần là ông đều nhận lời.

Cách đây hơn 5 năm, thấy bố làm việc nặng nhọc nên các con ông gom tiền mua tặng chiếc xe máy. Kể từ dạo đó, mỗi ngày khi có việc làm, ông không còn phải gồng lưng để kéo xe bằng tay nữa. Nhưng công việc lao động ngoài trời bằng nghề chạy xe rất bấp bênh, thi thoảng gặp ngày may mắn mới kiếm được 300 nghìn đồng. Có tuần ông ngồi suốt nhiều ngày vẫn không có ai thuê chở hàng. Những lúc ốm đau ông M. cũng không có bảo hiểm y tế.

Còn ông Trương Văn Q. ở Phường 2, TP. Đông Hà làm nghề chạy xe ôm hơn 30 năm nay. Ông thường đón khách ở bến xe Đông Hà đến 11, 12 giờ đêm. Biết giờ đó ít khách nhưng cũng ít người chạy xe ôm nên ông cố gắng đợi để kiếm cuốc xe cuối ngày. Có hôm trời rét căm, gặp khách là người đi lao động nghèo từ miền Nam ra thăm mẹ ốm ở xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, ông nhiệt tình giúp đỡ mà không lấy thêm tiền chạy đêm khuya để chia sẻ khó khăn với gia đình họ.

Hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị G. ở Phường 1 cũng không khá hơn. Nhiều năm nay, chị mưu sinh bằng việc bán chè. Khoảng 16 giờ mỗi ngày, chị đẩy xe chè ra bày bán trên vỉa hè. Dù chọn bán ở nơi đông người qua lại nhưng lượng khách luôn phụ thuộc vào thời tiết. Trời khô ráo thì buôn bán ổn, còn mưa gió thì vắng khách nên chị luôn thấp thỏm, thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết để nấu chè vì sợ bán ế sẽ hụt vốn. Mặc dù vậy, chị G. cũng bám lấy nghề vì không biết làm gì để kiếm tiền sống qua ngày.

Tại tỉnh Quảng Trị, lao động làm việc ngoài trời phần lớn tập trung tại các đô thị. Công việc phổ biến của họ là làm các nghề xây dựng, xe ôm, xe kéo, bán hàng rong, vé số hoặc khuân vác...Với những người lao động này, dừng làm việc là hết tiền, không có bất kỳ nguồn dự trữ nào hoặc có rất ít để đối phó với khoảng thời gian không thể làm việc do thời tiết xấu hay đau ốm, bệnh nghề nghiệp. Một khảo sát mới đây của cơ quan chức năng cho thấy, biến đổi khí hậu dẫn đến thời tiết ngày càng khắc nghiệt, lao động ngoài trời cũng dễ mắc các loại bệnh liên quan như hô hấp và xương khớp. Khi người lao động mắc bệnh, nghỉ làm thì mất thu nhập, vì thế cần nhiều chính sách hỗ trợ.

Chia sẻ vấn đề này, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Tài Minh cho biết, theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, nghiệp đoàn cơ sở tập hợp những người lao động tự do hợp pháp, cùng ngành, nghề, theo địa bàn hoặc theo đơn vị sử dụng lao động. Nghiệp đoàn cơ sở được thành lập khi có từ 5 đoàn viên công đoàn hoặc 5 người lao động trở lên, có đơn tự nguyện gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Liên đoàn Lao động tỉnh đang xúc tiến để thành lập các nghiệp đoàn cơ sở nhằm hỗ trợ người lao động tự do trên địa bàn. Vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã thành lập Nghiệp đoàn nghề cá; đang xúc tiến để thành lập Nghiệp đoàn lái xe dịch vụ tại huyện Cam Lộ. Khi tham gia nghiệp đoàn, người lao động được tuyên truyền nâng cao nhận thức về cách ứng phó các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Thông qua chương trình đào tạo ngắn hạn hoặc chiến dịch truyền thông và việc tuyên truyền có thể giúp người lao động hiểu rõ hơn về các biện pháp phòng ngừa, tự bảo vệ. Công đoàn sẽ tham gia tích cực vào quá trình xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động ngoài trời.

Có một thực tế là người lao động tự do không tham gia bảo hiểm xã hội, vì thế họ gặp nhiều rủi ro về bệnh nghề nghiệp. Một phần do nhận thức còn hạn chế, phần do thu nhập bấp bênh nên việc tham gia đóng bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian dài thực sự khó khăn đối với người lao động tự do. Khi vào nghiệp đoàn, người lao động sẽ được khuyến khích, tạo điều kiện để tham gia các loại hình bảo hiểm.

Một trong những giải pháp mà công đoàn sẽ nghiên cứu là phối hợp với cơ quan chức năng mở rộng phạm vi bao phủ bảo hiểm y tế cho nhóm lao động này. Về phía người lao động cũng cần chú ý hơn đến việc bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của bản thân; tham gia nghiệp đoàn để được quan tâm, chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình. Đồng thời góp phần giúp đoàn viên trong nghiệp đoàn gắn kết, tin tưởng vào tổ chức công đoàn.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/lao-dong-ngoai-troi-can-duoc-ho-tro-190073.htm