Lễ cấp sắc của người Dao Lù Đạng ở huyện Bình Gia
Dân tộc Dao ở tỉnh Lạng Sơn chiếm tỷ lệ khoảng 3,6% dân số, bao gồm 4 nhóm là Dao Lù Gang, Dao Đỏ, Dao Thanh Y và Dao Lù Đạng. Hiện nay, có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Dao còn được lưu giữ, trong đó có lễ cấp sắc là hoạt động mà dân tộc Dao rất coi trọng. Lễ cấp sắc của người Dao Lù Đạng ở huyện Bình Gia có nhiều nét đặc sắc cần được bảo tồn và gìn giữ.
Đây là nghi lễ không thể thiếu đối với mỗi gia đình người Dao khi có con trai đến tuổi trưởng thành. Theo quan niệm của người Dao, lễ cấp sắc có nghĩa là đặt tên âm (pháp danh), cấp đèn, binh mã. Vì vậy, lễ đặt tên âm, thụ đèn và cấp binh mã là thủ tục rất quan trọng đối với đời sống tâm linh của người Dao Lù Đạng. Trong cộng đồng người Dao Lù Đạng ở xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia chỉ duy trì cấp sắc 7 đèn cho một người, thời gian diễn ra trong 2 ngày 1 đêm.
Để thực hiện nghi lễ cấp sắc gồm có 7 thầy cúng, trong đó có một thầy chính và 6 thầy phụ. Người thụ lễ lựa chọn rất kỹ về năng lực, phẩm chất đạo đức, nhà tổ của thầy cúng cũng như họ tin tưởng vào ai nhất để làm thầy. Khi đi mời thầy, người thụ lễ phải mang theo một ít muối được gói trong lá dong và một sợi chỉ đỏ (dành cho thầy cả), một sợi chỉ trắng (dành cho thầy hai). Khi các thầy cúng đã nhận gói muối và sợi chỉ thì cũng có nghĩa là họ nhận lời thực hiện nghi lễ.
Trong quá trình làm lễ dù có chuyện gì xảy ra, họ vẫn không được rời bỏ nhiệm vụ. Đối với các thầy còn lại, người thụ lễ không cần phải mang theo muối mà chỉ đi mời, nếu gia đình các thầy có tang hoặc chuyện không may thì người thụ lễ có thể mời thầy khác thay thế. Khi thầy đến, người thụ lễ rót rượu mời các thầy cúng, việc nhận chén rượu cũng đồng nghĩa với việc các thầy đã nhận thực hiện nghi lễ. Họ đều là những người có kinh nghiệm, cầm trịch, dẫn dắt các thủ tục cho buổi lễ xuyên suốt cho đến khi kết thúc.
Hôm nay, người được cấp sắc là anh Hoàng Tiến Dân, ở thôn Lân Luông, xã Thiện Hòa. Để chuẩn bị cho lễ cấp sắc được trọn vẹn, gia đình anh Dân đã mời anh em, họ hàng, bà con hàng xóm đến hỗ trợ các công việc liên quan đến lễ cấp sắc và chung vui cùng gia đình. Gia đình anh Dân đã chuẩn bị mâm cúng gồm: Quần áo, lợn, gà, xôi nếp, bánh, tiền giấy để cúng bái tổ tiên và theo các vị thần của Bàn Vương..., có những gia đình phải chuẩn bị trước hàng năm trời.
Trong lễ cấp sắc, có nhiều nghi lễ diễn ra ở trong nhà và bên ngoài. Ở trong nhà sẽ diễn ra lễ truyền phép thông qua những ghi chép trong sách cổ của người Dao và các đạo cụ hành lễ như nến, bức vẽ, dấu ấn, gậy, xúc xắc... Mở đầu, thầy cúng khai đàn đánh một hồi trống mời tổ tiên về dự, báo với tổ tiên biết lý do buổi lễ, sau đó đến phần lễ chính là lễ quá tăng (qua đèn) gồm các phần: Trình diện, cấp đèn, hạ đèn, đặt pháp danh, qua cầu.
Phần lễ tẩu Slai (lễ thăng cấp) gồm: Lễ lên đèn, ban mũ, lễ trình diện Ngọc hoàng, lễ tơ hồng, lễ thăm thiên đình. Cấp sắc có hai bậc: bậc đầu tiên là cấp 3 đèn và 36 binh mã; bậc thứ hai là cấp 7 đèn và 72 binh mã. Trước đàn lễ ngoài trời, thầy cúng cầu khấn xin với thần linh cho người được cấp sắc được chính thức công nhận là người đã trưởng thành và những lời cầu nguyện may mắn cho người được cấp sắc sẽ được viết ra giấy, đốt sau lễ.
Ông Đặng Tài Bảo, thôn Lân Luông, xã Thiện Hòa cho biết: Lễ cấp sắc của người Dao có 3 bước nhảy, đầu tiên là mời tổ tiên xuống để cấp sắc cho con cháu; bước nhảy thứ hai là mời các ông cụ; bước nhảy thứ ba là mời thổ địa về cấp sắc cho con cháu gia đình này. Làm như vậy để sau này, gia đình làm ăn phát đạt, cầu cho con cháu mạnh khỏe, hạnh phúc. Lễ cấp sắc lần hai của một người bao gồm có 3 đèn: Đèn thứ nhất là bố, đèn thứ hai là thầy cả, đèn thứ ba là thầy hai để được công nhận con cháu đã trưởng thành. Lần cấp sắc thứ ba thì có 7 đèn, tượng trưng cho 7 thầy cúng để được công nhận con cháu đã trưởng thành, làm ăn phát đạt.
Ông Lèo Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Lễ cấp sắc của người Dao Lù Đạng ở Bình Gia là một trong những nghi lễ truyền thống nổi trội được lưu truyền qua nhiều thế hệ trong cộng đồng người Dao, nó mang tính giáo dục cao và rất đặc sắc. Chính vì vậy, lễ cấp sắc đã trở thành nét đẹp độc đáo trong tập quán sinh hoạt văn hóa của người Dao nói riêng, cộng đồng dân tộc thiểu số ở huyện Bình Gia nói chung và được các thế hệ người Dao trao truyền đến tận ngày nay. Qua đó, góp phần làm cho bức tranh văn hóa của Bình Gia trở nên đậm đà bản sắc dân tộc.
Lễ cấp sắc của người Dao Lù Đạng ở huyện Bình Gia là một trong những sắc màu văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số. Cùng với những di tích lịch sử khảo cổ, lịch sử cách mạng và các danh thắng núi non, hang động, suối ngàn, thác nước là lễ hội mùa Xuân (Lồng tồng), Hội Phài Lừa, hội chợ tình Háng Pò, gắn với các làn điệu dân ca, dân vũ, múa sư tử mèo, trang phục và ẩm thực dân tộc..., đây là các sản phẩm du lịch tiềm năng của huyện Bình Gia.
Tin rằng, với tiềm năng du lịch sẵn có, sự quyết tâm của đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Bình Gia, trong tương lai không xa, huyện Bình Gia sẽ là điểm đến ưa thích trong các tour du lịch của du khách gần xa.